Những người gieo hạt giống thiện lành

Chủ nhật - 12/01/2020 12:51
Hai câu chuyện tôi kể dưới đây không phải là duy nhất. Vì ngày càng nhiều các cá nhân, các nhóm thiện nguyện đang gieo nhân duyên và hạt giống thiện tâm bằng những việc làm từ thiện.


Họ đều là những người đáng để chúng ta trân trọng. Nhưng hai người phụ nữ với những câu chuyện kể của họ, với những gì họ đã âm thầm làm trong nhiều năm qua, với tôi rất đặc biệt. Bởi khi xuân đã gần kề, khi mọi nhà đã tấp nập mua sắm, dọn dẹp nhà cửa để đón Tết thì họ vẫn miệt mài lo cho những người kém may mắn hơn mình.

Mái ấm của những đứa trẻ đặc biệt

Tôi gặp Phan Lan Hương trong một ngày cuối năm, khi mọi tất bật trong 12 tháng dồn cả lại trên nét mặt của chị. Vóc dáng bé nhỏ, nhưng ít ai biết rằng trong suốt 2 năm rưỡi qua, chị đã “kẽo kẹt” làm mọi việc để có tiền duy trì Trung tâm Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, với một mong muốn rất giản dị là giúp cho những đứa trẻ đặc biệt ấy có cơ hội nuôi sống chính bản thân mình.

Những người gieo hạt giống thiện lành
Những đứa trẻ đặc biệt ở Trung tâm của chị Lan Hương.

Tiếp nhận Trung tâm Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, chị Hương đều đặn hàng tháng bỏ tiền túi 15 triệu đồng ra trả tiền thuê nhà và điện nước. Tiền học phí các con đóng vào chỉ đủ trả lương cho các cô giáo, tiền ăn và nguyên phụ liệu cho các con học. 

“Nhiều lúc cũng mệt mỏi lắm, cứ nghĩ làm sao để đủ tiền vừa nuôi con mình, vừa duy trì được trung tâm. Mình còn nghĩ hay là thôi bỏ đi, đặt gánh nặng xuống vì nó quá sức mình. Nhưng rồi bố mẹ các con nài nỉ, mỗi lúc đến các con ôm mình, hôn hít mình, gọi mình là mẹ, mình lại cố gắng. Và cố gắng được đến bây giờ”, chị cười chia sẻ. 

Phan Lan Hương hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, 2 con còn nhỏ. Bận rộn với công việc là thế, tôi cũng không hiểu được chị lấy đâu ra năng lượng để đảm nhiệm thêm một trung tâm với 8 bạn tự kỷ đang ở độ tuổi ẩm ương và cả trưởng thành. “Không yêu các con không dạy được đâu em ạ”, chị cười nhẹ nhàng.

Ở Trung tâm, tôi đặc biệt chú ý đến những bức vẽ của một cậu bé tên là Hà Minh. Những bức vẽ rất có hồn, màu sắc tinh tế, theo trường phái trừu tượng. Nhưng ít ai biết rằng, khi mẹ của Hà Minh đưa con đến, cậu không nói được tiếng Việt mà phát âm “xì xà xì xồ” một thứ ngôn ngữ nào đó lai tạp giữa tiếng Anh. 

Không ai hiểu cậu nói gì, mẹ cậu cũng chịu không thể giao tiếp được với con. Và cậu bé chỉ phát âm một chữ duy nhất rành rọt là: “Cam”. Tất cả các câu hỏi như con thích màu gì, con thích mặc áo gì, con thích quả gì... đều nhận được duy nhất 1 từ: “Cam”. Và khi được đưa cho một bảng màu vẽ, cậu cũng chỉ chấm bút vào ô màu cam và trát lên toan. 

Một điều kỳ lạ nữa là gặp ai cậu cũng chào đón bằng cách tát vào mặt. “Không phải vì Hà Minh ghét mà đó là cách cậu giao tiếp. Và cũng không phải chỉ mỗi Hà Minh đặc biệt như vậy. Các bạn đến đây đều là những trường hợp đặc biệt. Nếu các cô ở đây không có lòng nhẫn nại và tình yêu với các bé thì chắc chắn không thể làm được đâu em ạ”, chị Lan Hương chia sẻ. 

Trung tâm hiện có 8 cô, và chọn cách dạy các em tiếp xúc với màu sắc, học vẽ để từ đó ngoài việc dạy nghề còn trị liệu cả tâm lý cho trẻ. Có những bạn đã trưởng thành như Thịnh, học hết Đại học Kiến trúc, nhưng sau khi tốt nghiệp 6-7 năm cũng không thể đi làm vì khó giao tiếp với mọi người. Ở nhà nhiều, cậu còn mắc thêm trầm cảm nhẹ. Và đến Trung tâm để học, cậu lại trở về làm quen lại với những nét vẽ ngô nghê đầu tiên, và những vệt màu đơn giản. 

Theo chị Hương, trẻ tự kỷ không phải là không làm được việc gì, các em làm việc theo cách đặc biệt. Và hiệu quả công việc các em tuỳ thuộc vào cách mà chúng ta kiên nhẫn, hiểu các em đến đâu. Mong ước của những ông bố, bà mẹ khi gửi con đến Trung tâm của chị Hương đều giản dị, nhưng lại rất khó. Đó là làm sao các con có thể tự nuôi sống bản thân, vì bố mẹ cũng không sống mãi để bao bọc cho chúng. Mà với trẻ tự kỷ, giao tiếp đã khó khăn chứ đừng nói đến có thể lao động kiếm tiền nuôi sống bản thân mình.

Nhưng họ đã không nhầm khi trao gửi con cho chị Hương. Những sản phẩm được các trẻ tự kỷ làm ra đã bắt đầu được bán. Đó là những cuốn sổ tay xinh xắn có bìa được in từ những bức vẽ do chính các trẻ trong Trung tâm vẽ ra. Những chiếc túi với họa tiết được vẽ thủ công trên vải, các bó hoa giấy... đã bắt đầu được đón nhận. 

Trước lúc ra về, chị chỉ cho tôi những thùng dụng cụ cưa xẻ và cho biết, chị vừa xin được đồ nghề này, chỉ còn thiếu ít gỗ vụn nữa thôi là các con sẽ có được thêm một cơ hội để sáng tạo và kiếm sống. Mong cho những kế hoạch của chị thành công, để chị có thêm động lực nuôi dưỡng tình yêu với những đứa trẻ thiếu may mắn.

Bếp cơm tình người giữa lòng Thủ đô

Giữa đông giá rét, sâu trong một khu trọ nghèo gần viện Nhi Trung ương (đường Đê La Thành, Hà Nội), vẫn có một địa chỉ đều đặn hàng tuần đỏ lửa. Vào thứ 2 hàng tuần, luôn có một hàng người xếp hàng dài dằng dặc để được nhận những hộp cơm nóng hổi, đầy đặn và đủ dưỡng chất và đặc biệt là miễn phí. 

Trong số mấy trăm con người chờ đợi nhận cơm ấy, đều là những hoàn cảnh đặc biệt, những số phận kém may mắn và tất cả đều nghèo khó. Họ đa số từ các tỉnh xa đưa người thân và chính bản thân về Hà Nội chữa bệnh. Và cơm Tự Tâm, đã từ lâu trở thành một nơi để người nghèo cảm nhận được tình thân giữa chốn đô thị xa lạ.

Ngô Thị Thu Hà hiện đang là giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ngoài giờ giảng dạy, Hà và một nhóm bạn nữa đã đứng ra đảm nhiệm bữa cơm từ thiện với tên gọi cơm Tự Tâm. Tôi chơi với Hà từ rất lâu, và tôi luôn khâm phục việc Hà đang làm. 

Bởi duy trì được bữa cơm cho 400 con người hàng tuần như Hà, không chỉ đòi hỏi phải bỏ tiền của mà cả công sức dậy từ tờ mờ sáng lo chuẩn bị nấu nướng để đúng 10h30 đều đặn sáng thứ hai, tất cả các món ăn phải được hoàn thiện, nóng hổi, bày lên khay sẵn sàng. Nắng cũng như mưa, rét cũng như hầm hập nắng nóng, chưa một tuần nào “đứt bữa”. 

“Tại sao lại là cơm Tự Tâm mà không phải là một cái tên khác?”, tôi hỏi Hà. “Thực ra trước khi nấu cơm Tự Tâm, bọn em đã tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện rồi. Nhưng quyết định đặt tên cơm Tự Tâm là để nhắc nhở chính bọn em và kêu gọi mọi người, khi làm việc thiện nguyện hãy xuất phát từ tâm. Tự Tâm là để lan toả lòng yêu thương chứ không phải là thương hiệu đâu chị”, Hà chia sẻ. 

Chính vì thế, từ chỗ bỏ tiền túi ra để lo những bữa cơm đầu tiên, dần dần, nhóm của Hà đã nhận được sự giúp đỡ đều đặn của mọi người. Người góp dầu ăn, người góp giò, người lại góp rau sạch, gạo, tôm, cá... và cả tiền. Ai có công góp công, ai có của góp của. Cứ sáng thứ hai, khu trọ lại rộn ràng tiếng rửa rau, nồi xoong rộn ràng. 

Hà kể, toàn người nghèo nên với họ, đỡ được một bữa cơm là họ có thêm ít tiền thêm vào tiền thuốc, tiền viện phí cho con cái. Có những hoàn cảnh đáng thương như một gia đình có 3 con trai thì hai em bị bại não. Con trai đầu bị động kinh tưởng nhẹ nhất thì mới mất. 

“Chả có nhiều để cho nhưng cứ Tết hay dịp lễ gì em đều đưa thêm cho mẹ các bé chút ít tiền. Còn có trường hợp bé gái mới 4-5 tuổi đã phải cắt bỏ cả buồng trứng. Rồi có cả những gia đình bọn em quen mặt nhiều năm, vì năm nào cũng đưa con nhập viện vài ba lần. Chưa kịp mừng vì được ra viện thì đã lại thấy dắt díu con đến nhận cơm vì nhập viện”. 

Biết bao cảnh đời trong những gương mặt đến nhận cơm từ thiện. Chính vì cảm thông và trắc ẩn, Hà cùng nhóm bạn miệt mài quanh năm gắn bó với các bữa cơm từ thiện, cho đến tận sát Tết Nguyên đán mới nghỉ và đầu xuân tháng Giêng lại nổi lửa. “Em cứ làm thôi, nếu cứ được mọi người ủng hộ và đóng góp như bây giờ thì bếp sẽ còn duy trì nhiều năm nữa”, Hà chia sẻ.

Tác giả: Ngọc Yến

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập665
  • Máy chủ tìm kiếm110
  • Khách viếng thăm555
  • Hôm nay172,583
  • Tháng hiện tại3,498,431
  • Tổng lượt truy cập155,534,035
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây