Vì bản làng bình yên không tiếng súng

Thứ tư - 10/02/2021 04:23
Tạo sự tin tưởng, gần gũi, thân tình Hòa Bình là tỉnh miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh...


Tạo sự tin tưởng, gần gũi, thân tình

Hòa Bình là tỉnh miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.  Một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa theo phong tục tập quán cũng như nhận thức còn hạn chế có thói quen sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ để săn bắn, bảo vệ hoa màu. 

Từ thực tế này, Ban giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Công an các đơn vị trong tỉnh triển khai nhiều tổ công tác tăng cường xuống cơ sở, vận động bà con tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Kể cả ngày Tết gần kề, các anh vẫn luôn bám địa bàn, bám cơ sở để vận động đồng bào tự nguyện giao nộp súng săn, vũ khí thô sơ không để xảy ra hậu quả đáng tiếc về việc sử dụng các vũ khí tại địa phương.

Nhớ lại thời điểm đến nhà ông Xa Hồng Tuấn (SN 1956), ở xóm Nưa, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc (Hòa Bình), Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội trưởng của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh kể lại: Được biết trong nhà ông Tuấn có khẩu súng thể thao hai nòng do Pháp sản xuất, nhưng khi chúng tôi đến vận động thì gia đình ông đi làm nương xa không có mặt ở nhà. Chúng tôi phải kiên trì kết hợp với Công an xã nhưng mới gặp được ông Tuấn. 

Khi nghe chúng tôi giải thích về việc tàng trữ, sử dụng vũ khí trong nhà là sai quy định, ông Tuấn và gia đình bàn bạc thống nhất vui vẻ mang khẩu súng đã sử dụng 20 năm của gia đình giao nộp cho cơ quan Công an.

Vì bản làng bình yên không tiếng súng

Người dân tự nguyện giao nộp vũ khí cho Công an tỉnh Hòa Bình.

Một trường hợp là gia đình Bùi Văn Đấu (SN 1966), trú tại xóm Lươn, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi. Là trưởng dòng họ nên gia đình ông Đấu có 1 khẩu súng kíp là đồ thờ gia bảo của dòng họ. Tuy chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động nhưng ông Đấu và gia đình vẫn cương quyết không nộp mà treo khẩu súng kíp ở nơi thờ cúng của dòng họ. 

Trước vấn đề này, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng và tổ công tác đã kiên trì vận động, giải thích, cho đến một bữa cơm mới, qua chén rượu xuân cùng với gia đình, ông Đấu mới chịu giao nộp cho cơ quan Công an. Không những thế, ông còn là thành viên tích cực vận động bà con trong xóm và dòng họ tự nguyện giao nộp súng tự chế đang được cất giữ.

Chia sẻ về việc vận động nhân dân giao nộp súng săn, súng tự chế là đồ thờ gia bảo của dòng họ, Trung tá Nguyễn Quang Huy, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: Đây là việc rất khó khăn đối với CBCS trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên với sự gần gũi, thân thiện và giải thích thấu tình đạt lý và đặc biệt là nắm rõ được phong tục tập quán của dòng họ, địa phương nên công tác vận động thu hồi vũ khí - vật liệu nổ - công cụ hỗ trợ rất thuận lợi và đạt kết quả tích cực.

Tiếp tục kiên trì, quyết liệt

Theo Công an tỉnh Hòa Bình, nhiều năm nay, Công an tỉnh đã thu hồi hàng nghìn khẩu súng tự chế, công cụ hỗ trợ. Riêng trong năm 2020, trong giai đoạn 1 thực hiện Kế hoạch số 105, ngày 13-3-2020 của Bộ Công an và Kế hoạch 113 của Công an tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp và thu hồi 603 khẩu súng tự chế các loại (vượt chỉ tiêu 603/105 khẩu đạt 402%). Trong đó có chi tiết chế tạo súng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, viên đạn các loại, quả pháo, lựu đạn, thuốc súng và kíp nổ… Để có được thành quả đó, Công an tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo Công an huyện, Công an xã chủ động tham mưu, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mô hình “Bản làng bình yên không tiếng súng”. 

Đơn cử tại xã Hợp Tiến (Thượng Tiến cũ) đã vận động thu hồi được 33 khẩu súng các loại, 37 vũ khí thô sơ. Hay tại UBND xã vầy Nưa (Đà Bắc) xây dựng mô hình, sau khi sơ kết 1 năm đã tổ chức vận động, thu hồi được 15 khẩu súng các loại và 20 vũ khí thô sơ. 

Ngoài ra, Công an tỉnh đã tổ chức 96 buổi tuổi tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với khoảng 9.000 người dân, 40 buổi vận động cá biệt tại 150 hộ dân, có sự tham gia của 20 người uy tín ở các địa phương; ký cam kết 5.000 người với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tranh thủ được những người có uy tín đến từng nhà, khu dân cư, nương rẫy, nhiều đơn vị đã tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp các loại VK-VLN-CCHT.

Vì bản làng bình yên không tiếng súng - Ảnh minh hoạ 2
Đập thủy điện Hòa Bình nhìn từ trên cao.

Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an và Công an tỉnh về bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đảm bảo cho nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đơn vị nghiệp vụ, 10 đơn vị Công an các huyện, thành phố, 151 Công an cấp xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, lập danh sách các đối tượng liên quan đến lĩnh vực VK –VLN - CCHT. Trong quá trình thực hiện cao điểm, Công an tỉnh Hòa Bình tiếp nhận 19 tin báo tố giác tội phạm có hành vi sử dụng VK-VNL-CCHT gây án, trên địa bàn xảy ra 27 vụ việc liên quan đến VK-VLN-CCHT.

Xuân Tân Sửu đã về, CBCS Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Hòa Bình vẫn miệt mài bám dân, bám bản để hoàn thành tốt giai đoạn 2 kế hoạch của Bộ Công an. Với họ, dù là ngày Tết cứ có thông tin là lên đường làm nhiệm vụ, kiên quyết không để xảy ra các tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý VK-VNL-CCHT, giữ bình yên cho bản làng.

Tác giả: Minh Hiền

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây