Canh giữ mùa xuân trên “cổng trời” Chóp Chài

Thứ năm - 11/02/2021 01:13
1. Không chỉ là ngọn núi khổng lồ nằm trên độ cao 363m so với mặt nước biển và là điểm cao “độc nhất, vô nhị” ở TP Tuy Hòa, mà Chóp...

1. Không chỉ là ngọn núi khổng lồ nằm trên độ cao 363m so với mặt nước biển và là điểm cao “độc nhất, vô nhị” ở TP Tuy Hòa, mà Chóp Chài còn là một trong những biểu tượng của Phú Yên. Nhìn từ xa, dáng núi như một tấm chài của lão ngư tung xuống cánh đồng xanh mướt mát, chân núi vươn rộng đến phường 9 và hai xã Bình Kiến, Hòa Kiến. Dáng núi vẫn hiện rõ trong tầm mắt khi lên cao nguyên Vân Hòa ở huyện Sơn Hòa, ra đèo Quán Cau ở huyện Tuy An hay nhìn từ phía biển xa xăm.

Trước, người dân Tuy Hòa dự báo thời tiết khi “Chóp Chài đội mũ. Mây phủ Đá Bia”. Còn giờ đây, mỗi khi Chóp Chài “đội mũ”, không riêng CBCS Tiểu đội CSBV - Phòng CSCĐ Công an tỉnh Phú Yên, anh em nhiều đơn vị khác, trong đó có Trung tâm truyền dẫn phát sóng VTV, Đài phát sóng của Truyền hình Phú Yên (PTP), Trạm BTS của Viễn thông Phú Yên thường trực ở đó đều thấp thỏm nỗi lo… sấm sét. Đơn giản vì các tháp ăng-ten truyền dẫn phát sóng phát thanh - truyền hình (PT-TH), sóng di động, ra-đa đều là kim loại có khả năng “hút sét”. 

Canh giữ mùa xuân trên “cổng trời” Chóp Chài
Một cuộc tuần tra của Tiểu đội CSBV mục tiêu trên “cổng trời” Chóp Chài. 

Được “xuống núi” sau hai, ba năm bảo vệ mục tiêu ở “cổng trời” Chóp Chài, nhiều CBCS Tiểu đội CSBV vẫn chưa quên được cảm giác bùng tai khi đã từng đối mặt cả trăm trận sét. Người mới lên còn rụt rè lo sợ nhưng sống chung với sét lâu dần thành quen. Công an, Bộ đội và nhân viên dân sự ở điểm cao này thường xuyên trao đổi kinh nghiệm phòng tránh sét, nhưng khi đến mùa mưa bão, bất kỳ ai cũng canh cánh nỗi lo… thiên lôi nổi giận.

Thượng tá Nguyễn Văn Bé, Phó trưởng Phòng CSCĐ Công an tỉnh Phú Yên cho biết, sau ngày tái lập tỉnh Phú Yên (7/1989), tháp ăng-ten truyền dẫn phát sóng PT-TH đặt trên núi Nhạn Tháp nằm bên hạ lưu sông Đà Rằng ở tầm thấp. 

15 năm sau đó, tháp ăng-ten xây lắp mới trên đỉnh Chóp Chài, nên từ đầu 7/2004, Tiểu đội CSBV chuyển đến cao điểm này để thực thi nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu mới. Mặt bằng trên đỉnh núi chỉ chừng 500m², trong khi diện tích dành cho trụ ăng-ten truyền dẫn phát sóng PT-TH cao 75m, trạm ra- đa, trạm thu - phát sóng di động gắn với hành lang an toàn thiết bị kỹ thuật và đường giao thông phải hợp lý, nên trụ sở làm việc, sinh hoạt của các đơn vị đều nhỏ hẹp. 

Đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, vất vả hiểm nguy, nhưng hàng trăm lượt CBCS Công an nơi đây luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mục tiêu nơi “cổng trời” Chóp Chài luôn được bảo vệ an toàn tuyệt đối, không để xảy ra bất kỳ một sai sót nào.

2. Thượng úy Lê Trường Sin là người thứ 8 kế nhiệm Tiểu đội trưởng CSBV mục tiêu Chóp Chài. Trưởng thành từ chiến sĩ nghĩa vụ và đang theo học Đại học CSND, đến nay Sin đã có 12 năm trong nghề CSBV. 

Sin tâm sự: “Do yêu cầu nhiệm vụ, hơn nữa cao điểm này là nơi hội tụ hàng trăm trận sấm sét mỗi năm, nên cả tiểu đội chỉ được sử dụng chung 1 điện thoại di động khi cần thiết; chiếc xe máy công đã quá già cỗi nên nhiều lúc anh em đi chợ về giữa lưng núi đã phải quay đầu xuống dốc vào…tiệm gara, vì thế một số anh em sử dụng xe máy riêng do gia đình hỗ trợ. Đã có vài lần vào tầm nửa đêm, mờ sáng, anh em sử dụng xe máy đưa đồng đội xuống bệnh viện khi có sự cố bất thường về sức khỏe”.

Thiếu tá Lê Xuân Huyên– Đại đội trưởng Đại đội CSBV mục tiêu chia sẻ, nếu như nỗi lo lớn nhất trong mùa mưa là hàng chục trận sấm sét giáng xuống mỗi ngày đêm cùng với những trận cuồng phong dữ dội, thì nỗi khổ lớn nhất trong mùa khô là thiếu nước sinh hoạt. 

“Vì thế, yêu cầu tiết kiệm nước không chỉ là nếp nghĩ, cách làm thường nhật mà còn là mệnh lệnh phải thực thi nghiêm túc. Khi nắng hạn kéo dài, bồn chứa 8m3 nước dự trữ sau mùa mưa hết sạch, anh em luân phiên mang quần áo xuống núi tắm rửa, giặt giũ ở nhà dân, rồi chở can nước lên lại đỉnh núi. Nhiều mùa khô, tiểu đội phải mua nước sinh hoạt chuyển tải lên núi. Thiếu nước nhưng lại thừa gió gào giật suốt ngày đêm, nên muốn trồng rau, hoa cũng chẳng được”.

Mỗi ca trực gác hai chiến sĩ đảm trách trong hai giờ. Cứ thế cả tiểu đội luân phiên ngày đêm khoác súng tuần tra kiểm soát. Từ những cuộc tuần tra khép kín, mỗi năm tiểu đội kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng chục trường hợp du khách vào vùng cấm để quay phim, chụp ảnh và người dân chặt cây xanh, săn bắt thú rừng bên triền núi. Không ít lần phát hiện đối tượng giăng bẫy chồn, cheo, tổ tuần tra vận động thả về rừng bất thành mới lập biên bản chuyển giao cho địa phương xử lý, đồng thời ngăn chặn người dân đào bới cây cảnh, đốn cây săn lẻ để trồng rau dưa…

Canh giữ mùa xuân trên “cổng trời” Chóp Chài - Ảnh minh hoạ 2
Rút kinh nghiệm sau cuộc tuần tra.

Thiếu tá Lê Xuân Huyên cho biết, toàn Tiểu đội CSBV thường trực xuyên suốt ngày đêm. Ngoài hai chậu kiểng hoa mua từ dưới phố đưa lên, ngày Tết, anh em được thưởng ngoạn nhiều sắc hoa trắng, vàng, tím đỏ nở rộ trên triền núi. Bên cạnh thịt heo, bánh, mứt… anh em còn hái thêm những chùm chim chim, dú dẻ, sim rừng bổ sung vào đĩa trái cây ngày Tết. Bữa tiệc tất niên, CBCS Công an, Quân đội và nhân viên dân sự ở đây cùng góp vui, nhưng không được uống  rượu, bia. 

Trước giờ giao thừa, anh em đón lãnh đạo UBND, Công an tỉnh Phú Yên lên chúc Tết giữa không gian bềnh bồng sương giăng trong tiết trời se lạnh. Không được sử dụng điện thoại cá nhân nên không ai liên lạc chúc Tết người thân, mà nếu được phép thì sóng cũng chập chờn không sao kết nối được.

Nói cho vui như… Tết chứ nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu Chóp Chài luôn phải đảm bảo theo kỷ luật, kỷ cương trong mỗi ca tuần tra, canh gác an toàn tháp ăng-ten truyền dẫn phát sóng PTTH, để khán thính giả ở địa phương được nghe, thấy Chủ tịch Nước chúc Tết trong thời khắc giao thừa và thưởng thức các chương trình văn hóa – văn nghệ vui xuân, đón Tết…

Tác giả: Phan Thế Hữu Toàn

Nguồn tin: http://cand.com.vn

 Từ khóa: khổng lồ, độc nhất

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây