Mỗi ngày qua đi với biết bao sự kiện, sự việc cần có các nhà báo chuyển tải đến công chúng. Các nhà báo, trong đó có đội ngũ những người làm báo CAND, với lương tâm và trách nhiệm của mình, với kỹ thuật làm báo ngày càng chuyên nghiệp đã lăn xả đến những địa bàn nóng bỏng để mang thông tin nóng hổi tới bạn đọc, đồng thời, qua đó giúp định hướng đúng đắn dư luận xã hội.
Những câu chuyện mà chúng tôi ghi lại trong bài viết này, dù chưa phải là tất cả, đã phần nào khắc họa được hình ảnh các nhà báo – chiến sỹ CAND luôn nhiệt tâm, trách nhiệm với nghề.
Trong thời buổi truyền thông số hóa, các báo cạnh tranh thông tin quyết liệt thì việc có mặt sớm ở những nơi xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, gây rúng động dư luận xã hội để có được thông tin nhanh nhất, nóng hổi nhất chuyển tới bạn đọc, là yêu cầu gắt gao mà Ban Biên tập Báo CAND liên tục đặt ra cho các phóng viên của mình. Điều đó đã tạo cho nhiều PV CAND một phản xạ, một thói quen là họ có thể lên đường bất cứ thời điểm nào, cứ có “lệnh” là lên đường, nhiều khi chỉ kịp mang theo máy ảnh, chiếc laptop và cục sạc điện thoại dự phòng…
Đại úy Hoàng Xuân Mai, phóng viên Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ Báo CAND đã đặt chân đến hầu khắp các tỉnh phía Bắc, kể cả những địa bàn cực kỳ hiểm trở vùng núi cao. Mỗi chuyến đi luôn mang đến cho chị thêm nhiều trải nghiệm, rèn luyện được tay bút và trưởng thành hơn trong nghề viết.
Với Xuân Mai, kỷ niệm “tác nghiệp” tại thôn Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Yên Bái), nơi xảy ra vụ thảm án vào ngày 12-8-2015 khiến 4 người trong một gia đình bị sát hại dã man, là một kỷ niệm làm nghề khó quên.
Không giống như hai vụ thảm án tại Bình Phước và Nghệ An xảy ra trước đó, vụ này, Công an tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng xác định nghi can gây án là Đặng Văn Hùng (26 tuổi, trú tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).
Nhưng ngay sau khi phạm trọng tội, Hùng bỏ trốn vào rừng sâu, mang theo một con dao nhọn cùng 2 khẩu súng kíp, 1 hộp đựng bật lửa gas, một ít thuốc súng và đạn ghém rồi lên nương chuẩn bị cho một cuộc trốn chạy dài hơi.
Nhà báo Xuân Mai nhớ lại: “Chưa bao giờ vùng đất bình yên như thôn Cài lại chứng kiến một cuộc đổ bộ rầm rộ của báo chí lớn như vậy. Có những tờ báo cùng lúc cử 2-3 phóng viên đến theo dõi. Họ “sục sạo” để có được thông tin sớm nhất về kẻ thủ ác, khiến tôi vô cùng căng thẳng và áp lực.
Thương hiệu của tờ báo, trách nhiệm của một phóng viên phụ trách địa bàn và hơn cả là niềm say nghề, tôi đặt ra mục tiêu phải có thông tin sớm nhất về vụ án. Căng thẳng nhất có lẽ vẫn là thông tin về việc bắt giữ nghi can Đặng Văn Hùng. Không ít lần, tôi và nhóm phóng viên nội chính “ăn” những thông tin giả về việc bắt được Hùng. Có lúc tôi vừa ngồi trên xe ôtô, tôi vừa “chát” về tòa soạn, cập nhật từng diễn biến trên Báo CAND online.
Đáng nhớ là một ngày sau khi vụ thảm án xảy ra (ngày 13-8), trong khi lực lượng Công an và người dân đang tổ chức truy lùng đối tượng dưới chân núi Voi thì ngay tại trụ sở UBND xã Lâm Giang, một cuộc họp báo dưới sự chủ trì của bà Phạm Thị Thanh Trà, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cùng với Ban Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đã diễn ra.
Có lẽ vì tôi là nữ nhà báo duy nhất có mặt ở cuộc họp đó, nên Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái rất nhớ tôi. Sau cuộc họp, chị đã điện thoại cho tôi, hỏi thăm và động viên tôi rất ân cần.
Ngày thứ ba của cuộc “săn lùng” kẻ thủ ác, lúc ấy tôi đang ở khu Văn phòng UBND huyện Văn Yên thì nhận được điện thoại của Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái: “Cô đang ở đâu? Đến ngay Công an huyện”. Vẫn cách xưng hô quen thuộc, giản dị của đồng chí Giám đốc, nhưng linh cảm nghề nghiệp mách bảo cho tôi có thông tin mới. Sau đó, tôi ngồi chung xe với đồng chí Giám đốc, chiếc xe lao nhanh về huyện Lục Yên (Yên Bái)”.
Mặc dù đã quá quen với những chuyến luồn rừng, vượt suối, song sau một đêm trắng theo chân lực lượng Cảnh sát cơ động tuần tra truy bắt đối tượng, Xuân Mai đã thấm mệt.
Khi cách hiện trường vài trăm mét, chị bắt đầu nôn thốc nôn tháo, bàn chân bỗng bủn rủn, hai bàn tay không còn cảm giác... Nhưng thông tin đối tượng Hùng đã sa lưới làm chị thấy phấn chấn trở lại.
Khu vực lấy lời khai của Đặng Văn Hùng và cô gái tên Hán vào thời điểm đó đã bị phong tỏa để phục vụ công tác xét hỏi. Và nhà báo Xuân Mai may mắn là phóng viên duy nhất được tiếp cận khu vực này.
Mệt mỏi là vậy nhưng khi vừa xuống xe, chị lao ngay vào công việc, nhanh chóng chuyển những hình ảnh và thông tin ban đầu về cho Thượng tá Vũ Mạnh Hà, Trưởng Ban Báo Điện tử CAND và đây là tờ điện tử đầu tiên đăng tải thông tin về Đặng Văn Hùng, với lượng truy cập rất lớn.
Điều đáng nói là nhà báo Xuân Mai cũng là phóng viên duy nhất được tiếp cận với đối tượng Đặng Văn Hùng ngay khi đối tượng được đưa về Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái. Bài phỏng vấn độc quyền của Báo CAND online vào thời điểm đó đã thu hút được một lượng view “khủng”.
Xuân Mai luôn cảm thấy tự hào vì đã phản ánh được sự mưu trí, quên mình vì công việc và tinh thần tấn công tội phạm tới cùng của cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Yên Bái, sự hiệp đồng của quần chúng nhân dân trên mặt trận đấu tranh với cái ác, bảo vệ sự bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Mỗi chuyến đi là mỗi lần các nhà báo có thêm trải nghiệm, và tác nghiệp trong môi trường khắc nghiệt, họ càng trưởng thành hơn về nghề. Cũng giống như nhà báo Xuân Mai, khi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ tiếp cận hiện trường vụ sập hầm lò than xảy ra vào ngày 18-11-2015 ở xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, Nhà báo Trần Huy, Ban Pháp luật - Bạn đọc cùng một nữ đồng nghiệp vội vã lên đường.
Nhiệm vụ của nhóm PV CAND là vừa kết hợp trao tiền xã hội từ thiện cho 3 gia đình có người tử nạn, vừa phải thông tin diễn biến cứu hộ đến bạn đọc nhanh nhất. Đây là một trong chuyến đi “nhớ đời” nhất của Trần Huy vì 5 ngày bám hiện trường, anh không tắm giặt, với chỉ độc bộ quần áo trên người.
Sau ngày đầu tiên bám hiện trường cứu hộ, đồng nghiệp của Huy đã trở về Hà Nội, còn mình anh ở lại. Cần nói thêm là đường dẫn vào lò than nằm dưới thung lũng, đi qua những cua dốc “tay áo” dựng ngược trơn trượt, bốn bề rừng núi bao phủ.
Nhà báo Trần Huy đang phỏng vấn lực lượng cứu hộ tại vụ sập hầm lò tại Hòa Bình tháng 11-2015. |
Nhóm PV CAND gần như là phóng viên đầu tiên có mặt tại hiện trường và cũng là nhóm PV cuối cùng rời nơi này. Thông tin được Trần Huy truyền về tòa soạn dày đặc, có thể nói là cập nhật từng giờ về nỗ lực không ngừng của 300 người gồm các lực lượng cứu hộ của Công an tỉnh Hòa Bình, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn, Trung tâm cấp cứu mỏ, Quân đội, chính quyền địa phương để cứu người mắc kẹt bên trong.
Huy phải chắt chiu từng chút điện dự phòng trên máy tính và điện thoại. Mắt anh căng ra và tai luôn dỏng lên để “hóng” thông tin. Những hình ảnh đầu tiên về các chiến sĩ Công an xuống lò thay ca, hay hình ảnh lực lượng cứu hộ ngay khi họ vừa bước ra từ đường lò sâu hun hút đã nhanh chóng được Huy gửi về CAND online.
Nhóm phóng viên CAND được “ưu ái” vào tận khu vực chỉ huy để chờ tin, có lúc họ cũng lặng đi trước bóng đêm đang bao phủ rừng già với cây cối và lau sậy um tùm. Do không mang theo tư trang, nên anh ngồi chờ tin ở mép hầm mà run lên vì rét, đến nỗi mà anh phải dùng bao tải dứa quấn vào người để xua đi cái lạnh và muỗi.
Ngay cả khi phóng viên nhiều báo đã rút khỏi hiện trường, thì Huy vẫn bám trụ. Lực lượng cứu hộ đã quen với hình ảnh một nhà báo CAND vai đeo chiếc ba lô nặng trĩu, có lúc lao ra màn mưa để có bức ảnh đẹp gửi về tòa soạn. Lúc họ lại thấy anh mồ hôi nhễ nhại, quần áo dính bùn đất ôm chiếc máy tính chạy đi tìm nơi để sạc điện.
Đêm cuối cùng ở hiện trường, sau khi nắm bắt thông tin chắc chắn về việc tìm được nạn nhân cuối cùng của vụ sập hầm, 3 giờ sáng, Trần Huy đã điện thoại về tòa soạn, để thông tin nóng về việc này. Và đây cũng là thông tin riêng của Báo CAND, sau này đã được nhiều tờ báo và trang mạng xã hội chia sẻ.
Vụ việc ngộ độc rượu tập thể khiến 8 người tử vong, gần 70 người bị ngộ độc tại xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu), xảy ra ngày 13-2-2017, khiến nhiều Bộ, ngành, địa phương bàng hoàng vì tổn thất về người quá lớn và cho thấy lỗ hổng lớn trong quản lý rượu tự nấu.
Nhiệm vụ Tổng Biên tập Báo CAND giao cho nhóm phóng viên, ngoài việc trao tiền từ thiện của Báo cho gia đình các nạn nhân, thì phải vào tận bản Tả Chải, điều tra xem nguyên nhân ngộ độc từ đâu, tập tục và tập quán sinh hoạt của bà con như thế nào, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ra sao và ai chịu trách nhiệm trước những cái chết thương tâm như vậy…
10 giờ đêm 17-2, hai nữ nhà báo Trần Hằng và Nguyễn Hương của Ban Pháp luật - Bạn đọc đã bắt xe khách lên đường. 5 giờ sáng, họ đã có mặt tại Công an tỉnh Lai Châu. Trời lạnh thấu xương, sương mù dày đặc. Được sự giúp đỡ tận tình của Công an tỉnh Lai Châu, đến 10 giờ sáng 18-2, hai PV CAND đã đặt chân tới bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, và là hai nhà báo đầu tiên có mặt tại nơi xa xôi này.
Bản Tả Chải nằm gọn trong thung lũng, bao bọc xung quanh là núi. Nhiệt độ xuống thấp khiến hai nữ nhà báo co ro trong chiếc áo khoác mỏng. Nhà báo Trần Hằng kể, chỉ khi đến tận nơi này, được tận mắt chứng kiến không khí u buồn đang bao trùm trong bản, chị mới càng thấm thía, muốn được chia sẻ nhiều hơn với bà con dân tộc Hà Nhì.
Ông Phu Cha Pô, Phó Chủ tịch UBND xã bùi ngùi cho biết, trong một ngày có đến 7 người chết đã khiến nhân dân hoang mang, nhiều gia đình ở bản Tả Chải dọn lên lán ở vì họ sợ bệnh tật.
Sau đó, phóng viên Trần Hằng và Nguyễn Hương đã đến nhà ông Phu Vần Lèng - nơi diễn ra đám ma và tổ chức mời bà con ăn cỗ vào ngày 12-2, khiến 7 người tử vong. Vợ ông Lèng sau khi nhận những món quà nhỏ mà những người làm báo CAND gửi tặng cho họ, đã ôm chầm lấy hai nhà báo mà khóc nấc lên.
Cảm xúc về một chuyến đi 700km trong chưa đầy một ngày đã đầy ắp trong hai nữ nhà báo. Và những dòng chữ nóng hổi đầu tiên “Nỗi đau ở Ma Ly Chải” đã được các chị gõ gửi ngay về tòa soạn khi vẫn đang hành trình trên xe ôtô bán tải, đã gây xúc động đối với bạn đọc cả nước…
Tác giả: T.Phương
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn