9h sáng, trong căn phòng làm việc ở tầng 7 trụ sở ANTV, mấy chục phóng viên, biên tập viên của Phòng Thời sự hối hả chuẩn bị làm nội dung các bản tin sẽ phát trong ngày. Thiếu tá Nguyễn Đăng Khang, Phó Trưởng phòng Thời sự cho biết, hiện nay Phòng Thời sự phải đảm nhiệm sản xuất mỗi ngày 9 bản tin thời sự và 1 chuyện mục An ninh toàn cảnh, trải đều trong nhiều khung giờ trong ngày, từ 5h55 sáng tới 21h55; trong đó bản tin có thời lượng ngắn nhất là 5 phút, chuyên mục dài nhất thời lượng tới 55 phút, vì thế công việc khá bận rộn. Để có đủ thông tin cho từng ấy bản tin, mỗi ngày cần khoảng 100 tin, bài.
Làm thế nào để vừa phản ánh thông tin nhanh nhất nhưng phải chính xác luôn là thách thức với người làm báo hiện nay, với các phóng viên ANTV cũng vậy. Nhắc lại những chuyến tác nghiệp đáng nhớ, phóng viên Trần Kim Bang kể rằng, khi xảy ra vụ việc người dân xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức bắt giữ một số cán bộ huyện và chiến sĩ Cảnh sát cơ động, thông tin trên mạng xã hội và nhiều báo điện tử rất đa dạng. Khi nhận được thông tin người dân sẽ thả hết các cán bộ chiến sĩ Công an sau khi đối thoại với lãnh đạo thành phố Hà Nội, Ban Giám đốc ANTV quyết định giao Phòng Thời sự cử phóng viên vào tận nơi, gặp gỡ những người trong cuộc để có cái nhìn khách quan nhất về vụ việc. Ngay trong buổi sáng hôm đó, 2 nhóm phóng viên được cử vào xã Đồng Tâm. Trong khi một nhóm quay tại hiện trường và cuộc đối thoại lãnh đạo thành phố với người dân thì nhóm của Trần Kim Bang liên hệ phỏng vấn các cán bộ huyện, các chiến sĩ Cảnh sát cơ động từng bị bắt giữ và thả trước đó, người dân và cả các chuyên gia pháp luật để có cái nhìn đa chiều.
Phóng viên ANTV tác nghiệp tại hiện trường. |
Trong số những nhân vật cần phỏng vấn hôm đó, có GS. TS Vũ Minh Giang nhưng ông Giang lại có cuộc họp tại Nam Định. Vậy là sau khi tác nghiệp ở Mỹ Đức, nhóm của Trần Kim Bang phóng xe về Nam Định gặp GS. TS Vũ Minh Giang; ngay sau cuộc phỏng vấn, nhóm lại vội vã quay về Hà Nội. Sau một ngày cật lực, 18h, một phóng sự dài 10 phút đã hoàn thành và đưa đi phát trên bản tin Thời sự 19h của VTV1 trước, rồi sau đó mới phát trên ANTV tối hôm đó. Phóng sự này đã giúp người xem có cái nhìn khách quan về sự việc ở Đồng Tâm.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Đăng Khang cho biết, để đáp ứng nhu cầu đưa tin nhanh và chính xác nhất, đặc biệt là các vụ việc về an ninh trật tự, ANTV đã phối hợp rất chặt chẽ với cộng tác viên ở Phòng Công tác chính trị, Công an các tỉnh. Để nâng cao trình độ tác nghiệp của những phóng viên không chuyên là cán bộ Đội Tuyên truyền Công an các tỉnh, năm 2016, Ban Giám đốc ANTV đã mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng này, mỗi lớp khoảng 30 người. Trong đó tập trung vào kỹ thuật viết và sản xuất các bản tin theo phong cách truyền hình hiện đại, đặc biệt là cách dẫn tin tại hiện trường.
Vì vậy mà thời gian gần đây, các bản tin gửi về đều rất sống động, hình ảnh, người dẫn đều được ghi hình trực tiếp tại hiện trường đã tăng tính thuyết phục và hấp dẫn người xem. Nhờ có sự phối hợp này mà trong rất nhiều vụ việc nóng như vụ sập hầm lò ở Hòa Bình, những vụ trọng án ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh…. ANTV là kênh truyền hình có hình ảnh đầu tiên ghi từ hiện trường, không chỉ kịp thời phản ánh công việc của lực lượng Công an tại địa bàn mà còn giúp định hướng dư luận hiểu đúng bản chất sự việc.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 5- 2017, khi các cựu chiến binh và nhân dân ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, phản đối những việc làm sai trái của linh mục Đặng Hữu Nam, ANTV là kênh truyền hình có thông tin sớm nhất (phát ngay trong ngày 2-5).
Sau bản tin này, ngày 3-5, ANTV phát tiếp phóng sự, trong đó phân tích bản chất chống phá của linh mục Đặng Hữu Nam trong việc cố tình xuyên tạc lịch sử, tuyên truyền, rao giảng, chống đối chính quyền với những lời lẽ kích động, bịa đặt sai sự thật, đặc biệt còn nhằm mục đích phủ nhận chiến thắng 30-4-1975.
Loạt tin, bài phát sóng rất đúng lúc của ANTV đã kịp giúp người dân hiểu rõ bản chất chống đối chính quyền, kẻ gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là sự đoàn kết trong đồng bào lương - giáo ở địa phương mà linh mục Đặng Hữu Nam đang sống, được dư luận đánh giá cao.
Cùng với đấu tranh với những luận điệu sai trái, chống phá Nhà nước, một mảng đề tài khác luôn được Ban Giám đốc ANTV chỉ đạo các phóng viên bám sát là chống buôn lậu; phá rừng; khai thác cát lậu....
Đầu tháng 5-2017, Phòng Thời sự nhận được tin một diện tích rừng rất lớn ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đang bị tàn phá mà kiểm lâm địa phương không có biện pháp ngăn chặn. Ngay lập tức một nhóm phóng viên được cử vào Đắk Song.
Sau 3 ngày đi khắp các cánh rừng đã bị tàn phá, quay từng gốc cây cổ thụ bị đốn hạ, nhóm phóng viên đặt lịch làm việc với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Nông. Phóng viên Trần Kim Bang kể rằng, khi các anh đến và đưa ra nội dung làm việc, các cán bộ Kiểm lâm vẫn khẳng định không có việc phá rừng.
Sau khi nhóm phóng viên cho Kiểm lâm xem hình ảnh quay tại hiện trường và đề nghị Sở NN&PTNT cử cán bộ đi cùng nhóm phóng viên quay lại hiện trường xem từng gốc cây, thì họ mới thừa nhận sự việc. Sau khi ANTV phát 2 phóng sự về tình trạng phá rừng ở Đắk Song, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông lập tức ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ Kiểm lâm ở huyện Đắk Song.
Ngoài các bản tin thời sự, một chuyên mục đã trở thành “đặc sản” của ANTV thu hút khán giả là chuyên mục “Hành trình phá án”. Chuyên mục này đã mang lại cảm xúc mới cho người xem về một chương trình chuyên biệt, vì vậy “Hành trình phá án” là một trong những chương trình có lượng khán giả đông nhất trên ANTV.
Với “Hành trình phá án”, những vụ trọng án, những chuyên án ma túy lớn, những chuyên án đấu tranh với tội phạm công nghệ cao đã được tái hiện lại chân thực và sinh động, qua đó đưa ra những cảnh báo với xã hội. Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh CAND cho biết, “Hành trình phá án” là chuyên mục đặc thù, do đó ngay từ khi chọn đề tài đã phải chọn những vấn đề thời sự của vụ việc, cập nhật những vụ án lực lượng Công an vừa triệt phá, người dân muốn biết lực lượng Công an đã phá án như thế nào, họ muốn biết ngóc ngách của sự việc. Sự hấp dẫn của chuyên mục còn ở ý nghĩa định hướng giáo dục, những cảnh báo xã hội.
Phóng viên quay phim Vũ Bá Tơn kể rằng, khi ghi hình tại hiện trường, các anh chọn góc máy để thể hiện được hành vi, thủ đoạn của tội phạm, nhưng qua đó cũng thấy được công việc, sự vất vả của các cán bộ Công an trong các vụ án, để làm sao sau mỗi chương trình người xem sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân mình.
Khi làm chương trình về quá trình phá vụ án Đặng Văn Hùng giết nhiều người ở Yên Bái, nhóm làm phim đã cùng các trinh sát, điều tra viên của Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh Yên Bái trèo đèo, lội suối mấy ngày trời để theo dấu vết hung thủ, quá đó đã ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về quá trình phá án.
Đạo diễn Nguyễn Trần Nhật kể rằng, khi nhận được tin xảy ra vụ án này, các anh đã lên ngay hiện trường. Sau khi cuốc bộ 10km đường rừng từ xã đến nơi xảy ra vụ án; cả nhóm phải thực hiện ghi hình ngay bởi lên đến nơi thì trời bắt đầu mưa, nếu không nhanh thì mất hết dấu vết hiện trường, hình ảnh sẽ không chân thực.
Nhắc lại những kỷ niệm đi làm chương trình “Hành trình phá án”, Đại úy Trần Nam Chung, Trưởng Văn phòng Thường trú miền Trung - Tây Nguyên, chia sẻ rằng, không phải vụ án nào anh em phóng viên cũng có cơ hội trực tiếp tham gia, vì vậy có những chương trình phải dàn dựng lại. Cái khó là dàn dựng lại nhưng làm sao phải bám sát thực tế nhất, để khán giả tin là thật và không được phép để lộ các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng phá án. Vì thế, nhiều khi anh em vẫn nói với nhau, thà được đi quay săn bắt cướp trực tiếp, dù có khó khăn vất vả bao nhiêu thì vẫn còn dễ hơn là phải đóng diễn phục dựng lại.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Vinh, do đặc thù của công tác nghiệp vụ, nên không phải lúc nào các phóng viên cũng được trực tiếp đi theo lực lượng làm án. Nhưng họ luôn được yêu cầu phải có mặt sớm nhất, bám sát được toàn bộ quá trình phá án. Nếu phải dựng lại thì phải bám sát hoạt động thực tế, không cường điệu hóa những hành động, những biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an. Bởi càng gần thực tế, càng gần đời sống thì càng được người xem đón nhận nhiều hơn.
Trong bối cảnh làng truyền hình cả nước đã có sự bão hòa khi hằng ngày có quá nhiều kênh phát sóng, ANTV được xác định là kênh chuyên biệt về an ninh trật tự, vì vậy những người làm ANTV luôn phải cố gắng tìm tòi hướng đi mới, riêng có để có thể chuyển tải tới người xem những món ăn tinh thần chuyên biệt và mới lạ.
Tác giả: Nguyễn Thiêm
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn