Số tiền phạm nhân làm vượt mức quy định, một phần sẽ được trích giữ để giúp đỡ những phạm nhân khó khăn, phần còn lại đưa vào quỹ. Khi phạm nhân chấp hành án xong, số tiền này sẽ là "vốn giắt lưng" để giúp họ làm lại cuộc đời trong những ngày đầu tái hòa nhập cộng đồng.
Tình cờ, trong một lần đến thăm, tìm hiểu tại Trại giam số 6 (Bộ Công an), đóng chân trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An), tôi được Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị trại giam kể về cái gọi là Quỹ hoàn lương được đơn vị thực hiện từ hơn 3 năm nay.
Đã đi chấp hành án phạt tù, đến lúc ra khỏi trại giam còn có tiền để mang về nhà là chi tiết khiến tôi thực sự tò mò, và lần trở lại Trại giam số 6 nhân dịp đầu xuân 2017 này, tôi đã quyết định tìm hiểu về Quỹ hoàn lương này.
Trao phần thưởng từ Quỹ hoàn lương cho những phạm nhân tiêu biểu. |
Quỹ hoàn lương "tiếp sức" người hướng thiện
Trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng đội Giáo dục - Hồ sơ, Trại giam số 6 cho biết, thực chất việc duy trì Quỹ hoàn lương này là đơn vị đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số 12 ngày 2-12-2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động học nghề của phạm nhân trong trại giam.
Trong đó, trích 10% lập Quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân sau khi chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Do nguồn quỹ này ở Trại giam số 6 phát huy hiệu quả, tạo nên phong trào thi đua, lao động sản xuất trong các đội phạm nhân nên Ban giám thị đã quyết định nhân rộng, và thực tế đã có rất nhiều phạm nhân sau khi hết thời gian chấp hành án phạt tù, đã có một khoản tiền giắt lưng, vừa để làm lộ phí về nhà, vừa trang trải sinh hoạt trong những ngày đầu mới tái hòa nhập cộng đồng, thậm chí còn là chút vốn liếng nho nhỏ để khởi nghiệp hoàn lương.
Trung tá Nguyễn Thành Trung cho biết thêm, 3 năm trở lại đây, Trại giam số 6 đã triển khai có hiệu quả việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân, tạo nên quỹ tái hòa nhập cộng đồng được phạm nhân đồng tình, ủng hộ.
Theo đó, kết quả lao động của phạm nhân hằng năm, ngoài việc trích quỹ theo quy định, phạm nhân còn được trích trong số tiền do mình làm ra sản phẩm để gửi vào quỹ hoàn lương. Tất nhiên, không phải phạm nhân nào cũng được trích gửi quỹ, ngoài việc số tiền làm ra từ sản phẩm lao động cải tạo phải vượt chỉ tiêu đề ra, phạm nhân còn phải được xem xét kỳ xếp loại hàng quý.
Nếu trong quý, phạm nhân xếp loại tốt thì sẽ được trích quỹ hoàn lương số tiền tương đương khoảng 35.000 đồng, nếu xếp loại khá thì được trích 28.000 đồng, còn trong quý xếp loại kém thì không được trích quỹ. Bình quân, trong năm phạm nhân xếp loại cải tạo tốt và làm vượt chỉ tiêu sẽ được trích lại số tiền khoảng 135.000 đồng. Tùy theo mức án nặng hay nhẹ của từng phạm nhân mà khi ra trại sẽ được hưởng số tiền nhiều hay ít.
Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn cũng được Ban giám thị trích từ Quỹ hoàn lương này để hỗ trợ lúc ra trại. Mức chi hỗ trợ đối với phạm nhân khó khăn được tính bằng số tiền phạm nhân cải tạo tốt được hưởng trong năm đó. Theo số liệu thống kê của Trại giam số 6, chỉ tính riêng năm 2016, tổng số tiền phạm nhân làm vượt chỉ tiêu được trích vào Quỹ hoàn lương là hơn 200 triệu đồng.
Quỹ hoàn lương đã thúc đẩy phong trào lao động cải tạo trong phạm nhân. |
Đi thụ án còn có tiền mang về
Trong đợt đặc xá 2016, Trại giam số 6 có 101 trường hợp được đặc xá, đơn vị đã trích từ Quỹ hoàn lương số tiền gần 20 triệu đồng cho những người này, trong đó có 800.000 đồng tiền hỗ trợ thêm cho những người có hoàn cảnh khó khăn khi mãn hạn tù. Chị Bùi Thị H. (41 tuổi, trú tại Hoài Đức, Hà Nội), phạm tội chứa mại dâm, với án phạt 3 năm tù giam. Trong thời gian thụ án, với ngành nghề làm mi mắt giả, chị luôn vượt chỉ tiêu đề ra nên được trích Quỹ hoàn lương.
Ngày chấp hành xong án phạt tù, nhận số tiền hỗ trợ, chị H. xúc động: "Tôi không nghĩ ngày ra trại lại còn được số tiền như thế này để cầm về, ngoài tiền chế độ tàu xe theo quy định. Với người vừa mãn hạn tù xong thì số tiền này thực sự là nguồn an ủi, động viên để tôi quyết tâm hơn trên con đường hoàn lương, làm lại cuộc đời".
Phạm nhân tại Trại giam số 6 tham gia Hội thi tay nghề giỏi. |
Tương tự, anh Lê Văn S. (38 tuổi), trú tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, sau thời gian 27 tháng thụ án về tội danh chứa mại dâm, ngày hết án, bản thân anh ngỡ ngàng khi được nhận số tiền hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn. Theo phạm nhân này, quá trình lao động sản xuất trước đó, dù đã được cán bộ quản giáo phân tích, giải thích nhưng anh không nghĩ rằng số tiền mình làm ra lại được trích lại với khoản kinh phí lớn như thế này.
Anh S. chia sẻ: "Đây thực sự là việc làm rất có ý nghĩa nhân văn, kịp thời động viên phạm nhân thi đua cải tạo tốt. Thực tế cho thấy, trong thời gian tôi thụ án, phạm nhân không ai bảo ai nhưng tất cả đều chung một quyết tâm là thi đua làm việc thật tốt, thật nhiều mong trích lại được một phần kinh phí, để khi ra khỏi cánh cổng trại giam, có thêm tiền trang trải lúc mới tái hòa nhập cộng đồng".
Phạm nhân Nguyễn Thị Mỹ D. (34 tuổi), quê quán tại TP Vinh (Nghệ An), hiện đang thụ án 16 năm tù về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì cho rằng, thông qua Quỹ hoàn lương đã giúp cho bản thân chị và những phạm nhân khác hiểu được giá trị của đồng tiền do chính mình làm ra quý giá đến mức nào.
Ngay lần đầu tiên khi nghe cán bộ quản giáo thông báo được nhận tiền trích quỹ, phạm nhân này đã bật khóc và nghĩ đến việc viết thư về xin lỗi gia đình người bạn thân đã bị mình lừa gạt nhiều lần để chiếm đoạt số tiền gần 2,2 tỷ đồng.
Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị Trại giam số 6 cho biết thêm, Quỹ hoàn lương không chỉ thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất trong phạm nhân mà còn hỗ trợ họ khi chấp hành xong án phạt tù, có thêm kinh phí để trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Giá trị của số tiền này có thể không lớn, nhưng đó là dấu ấn đầu tiên để nhắc nhở mỗi người trước khi rời khỏi trại giam phải biết trân trọng giá trị lao động của chính bản thân mình.
Cũng thông qua đây, Ban giám thị Trại giam số 6 muốn gửi thông điệp đến với tất cả anh chị phạm nhân trong ngày chấp hành xong án phạt tù, về với gia đình và xã hội, rằng đường hoàn lương sẽ không gập ghềnh nếu biết trân trọng những gì mình đang có, tiền bạc và vật chất do chính công sức và bàn tay lao động của mình làm ra mới thực sự có ý nghĩa, bền vững theo thời gian.
Thiên ThảoNguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn