Buộc dấu vết phải lên tiếng...
Có mặt tại Phòng KTHS vào một buổi sáng đầu tuần khi chuyên án đấu tranh với các đối tượng cưỡng đoạt tài sản đối với các đồng chí lãnh đạo UBND thị xã Nghi Sơn vừa khép lại, chúng tôi chứng kiến các CBCS của đơn vị suốt nhiều ngày đêm không nghỉ, trở về từ hiện trường, nén mệt mỏi, lập tức bắt tay ngay vào công việc của mình. Người miệt mài bên chiếc kính hiển vi, máy xử lý ảnh, tài liệu; người tập trung giám định mẫu vật… phục vụ cho công tác điều tra. Tất cả đều được các anh, chị thực hiện vô cùng tỉ mỉ, thận trọng. Bởi mỗi kết luận giám định sẽ là cơ sở quan trọng để vụ việc được làm sáng tỏ. Sau đó, có thể là kết tội hoặc minh oan cho một con người.
Thượng tá Trịnh Anh Tuấn, Trưởng phòng KTHS Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Kết quả giám định dấu vết, vật chứng là bằng chứng khoa học giúp cơ quan điều tra có định hướng đúng đắn khi phá án cũng như củng cố chặt chẽ nguồn chứng cứ, truy nguyên thủ phạm hoặc bị hại… Chính vì vậy, bất kỳ vụ án nào, dù lớn hay nhỏ, công tác khám nghiệm hiện trường là bước đi đầu tiên có vai trò hết sức quan trọng.
Cùng với các đồng nghiệp khác, lính KTHS phải là những người có mặt tại địa điểm xảy ra vụ việc sớm nhất để thu thập và khai thác một cách triệt để các dấu vết, nhằm phục vụ công tác truy tìm danh tính thủ phạm. Trong khi đó, Thanh Hóa là một tỉnh rộng về diện tích, phức tạp về địa hình. Từ trung tâm thành phố Thanh Hoá lên đến trung tâm xã xa nhất của tỉnh lên đến trên 350km, chưa kể vào tận các làng, bản. Các vụ án có thể xảy ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào thì cán bộ Kỹ thuật hình sự (KTHS) đều phải có mặt tại nơi đó.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự khám nghiệm hiện trường vụ giết người tại xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát. |
Những vụ án xảy ra ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh thì cán bộ tham gia khám nghiệm phải đi từ sáng đến tối mới tới được hiện trường, chưa kể là vào mùa mưa có khi lở núi, tắc đường vài ba ngày mới tới hiện trường được. Có lúc phải nhịn đói cả ngày vì xe hỏng hoặc tắc đường ở những nơi xa khu dân cư. Chuyện bỏ bữa hoặc ăn muộn và anh em bị hạ đường huyết do đói là câu chuyện rất bình thường.
Điển hình ngày 4-3-2020, Phòng KTHS nhận được lệnh của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh về việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vụ chị Sung Thị Xua, SN 1980, trú tại Bản Chim, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát bị giết chết tại chòi chăn nuôi của gia đình, trên thân thể có nhiều thương tích.
Xác định đây là một vụ trọng án chưa rõ đối tượng, có tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, Phòng KTHS đã phân công đoàn công tác do Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng làm Trưởng đoàn cùng các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn công tác nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc ở địa bàn miền núi, là vùng đồng bào người Mông sinh sống, có thói quen tập quán trong canh tác ở các vùng núi cao. Khu vực hiện trường tại thời điểm xảy ra vụ án thời tiết rét đậm, rét hại, luôn bị sương mù và mưa phùn bao phủ, có lúc đứng cách nhau chỉ 1m nhưng vẫn không nhìn thấy nhau.
Từ trung tâm xã lên khu vực hiện trường phải lần theo con đường mòn hiểm trở do tàn dư của trận lũ quét kinh hoàng xuống khu vực vào cuối năm 2019. Đường trơn, dốc và nhiều chướng ngại vật nên nhiều đoạn phải bò mới có thể di chuyển được. Đây cũng là một trong những điểm nóng, phức tạp tội phạm về ma túy do giáp ranh với bản Khằm Nàng của Lào. Hiện trường xảy ra ngay trong khu vực lán canh tác của gia đình, lại ở sườn núi dốc nhỏ hẹp nên việc triển khai phương tiện cũng như con người phục vụ cho công tác là rất khó khăn. Với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao trong công việc, các đồng chí trong đoàn công tác đã hết sức tỉ mỉ trong việc phát hiện và đánh giá từng dấu vết trên hiện trường và tử thi.
Từ kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, nạn nhân bị giết bằng vật tày có cạnh và vật sắc nhọn, thời gian chết sau bữa ăn cuối dưới 2 giờ. Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, nhiều khả năng giữa đối tượng và nạn nhân có sự quen biết, đối tượng đã ở trong chòi từ trước. Đặc biệt, tại khu vực bếp trong chòi phát hiện 1 ống điếu làm bằng vầu dạng tự chế còn mới, trong đó ống vầu còn tươi, phần nõ điếu bằng ống vầu loại nhỏ, phần đầu đốt thuốc bị muội khói và than hóa nhẹ.
Kiểm tra trong lòng điếu, nước điếu vẫn màu trắng trong, thể hiện điếu mới được làm và được sử dụng 1 hoặc 2 lần. Cạnh điếu cày là 1 bát sứ màu trắng, bên trong còn khoảng 20ml nước trắng, 1 ấm nhôm đã cũ dùng để đun nước trong ấm còn khoảng 0,5 lít nước. Kết quả giám định dấu vết trên các mẫu vật thu được tại hiện trường đủ điều kiện giám định truy nguyên để xác định đối tượng. Tại thời điểm này, cơ quan điều tra cũng tiến hành đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ để rà soát các đối tượng nghi vấn trên địa bàn, trong đó tập trung vào các đối tượng nghiện ma túy.
Trong đó, cơ quan điều tra tập trung đặc biệt vào đối tượng hiềm nghi số 1 là Sung Văn Chứ, SN 1980, có hộ khẩu thường trú tại xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả khám nghiệm dấu vết trên tử thi. Từ các phân tích, đánh giá của Phòng KTHS, đối tượng hiềm nghi số 1 của vụ án đã bị loại.
Rất may trong vụ án này, mặc dù có nhiều đối tượng nghi vấn nhưng do làm tốt công tác khám nghiệm hiện trường và dấu vết, đặc biệt là dấu vết sinh học thu được tại hiện trường là yếu tố then chốt để gỡ nút thắt vụ án, giúp cơ quan điều tra sàng lọc các đối tượng và nhanh chóng xác định đối tượng là Sung Văn Cơ, SN 1994, ở bản Chim, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát là đối tượng để lại các dấu vết ở hiện trường và là thủ phạm gây ra vụ án.
“Chìa khóa” mở những vụ án
Trong lực lượng KTHS, bộ phận giám định pháp y và những người làm công tác khám nghiệm hiện trường là vất vả nhất. Với đặc thù công việc tiếp xúc trực tiếp với tử thi, xác chết nên có thể lây nhiễm bệnh tật, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhất là những trường hợp chết có liên quan đến HIV mà chưa kịp xét nghiệm hoặc những nạn nhân bị bệnh lý khác. Trong công tác khám nghiệm hiện trường, mỗi vụ việc có liên quan, các anh đều có những dấu ấn. Và sau những vụ án được khám phá, có đóng góp đáng kể công sức, trí tuệ của CBCS Đội Khám nghiệm hiện trường.
Ám ảnh nhất là vụ việc cháu bé 23 ngày tuổi bị sát hại tại thị xã Bỉm Sơn. Vào khoảng 9h ngày 25/11/2017, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được tin báo của cơ quan CSĐT Công an tỉnh về sự việc cháu Lê Minh Anh, sinh ngày 3/11/2017 (23 ngày tuổi) bị 2 đối tượng gồm 1 nam, 1 nữ cầm dao vào nhà khống chế đe dọa và bắt cóc khi bà Xuân (là bà nội) đang bế cháu Minh Anh trên tay. Khi xảy ra sự việc, trong nhà có chị Phạm Thị Thanh Huyền, SN 1979, là mẹ cháu Minh Anh, còn anh Thuận là bố cháu Minh Anh đang đi đón con trai đầu (là Lê Hữu Thắng) đi học gần nhà.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng KTHS đã kịp thời phân công lực lượng lên đường làm nhiệm vụ, phối hợp cùng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng có mặt tiến hành khám nghiệm hiện trường và khẩn trương phát hiện, ghi nhận, thu lượm, giám định các dấu vết tại hiện trường.
Phòng KTHS đã đưa ra nhận định với cơ quan điều tra và ban chuyên án đây không phải là vụ bắt cóc bình thường như tin báo của gia đình. Trong đó, nhiều khả năng đây là một vụ án mạng, nạn nhân có thể đã bị giết, đối tượng có thể là người trong gia đình. Đặc biệt hướng điều tra cần tập trung đấu tranh với bà nội cháu bé, nhằm củng cố khả năng những thông tin về vụ án bắt cóc mục đích là đánh lạc hướng cơ quan chức năng.
Những đánh giá, nhận định trên là một trong những cơ sở quan trọng giúp cơ quan điều tra tiến hành các biện pháp điều tra đi đúng hướng, không bị ám thị bởi thông tin sai lệch do gia đình nạn nhân cung cấp. Mặc dù rất gian ngoan, xảo quyệt trong việc tạo dựng hiện trường giả và tìm mọi cách để chối tội nhưng với những phân tích khoa học cùng với những kết luận chính xác, bà Xuân đã phải cúi đầu nhận tội.
Có thể nói, tuy không trực tiếp tham gia đấu tranh trực diện với tội phạm nhưng trong mỗi vụ án, những công việc thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Phòng KTHS Công an tỉnh Thanh Hóa đã góp phần quan trọng cho những chiến công, thành tích lớn trên trận tuyến đấu tranh với tội phạm. Giải toả những bức xúc, tìm đến chân lý và công bằng, để lại nhiều ấn tượng, hình ảnh đẹp trong nhân dân là điều mà cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Thanh Hoá luôn hướng tới.
Tác giả: Thái Thanh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn