Xuân về trên “đất Voi”
Mùa xuân, đứng trên mảnh đất của những huyền thoại săn voi, chúng tôi phần nào cảm nhận được dư âm hùng thiêng một thuở vọng về theo tiếng gió hú của rừng xanh. Trên bến Tha Luống (Bến Voi, buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), ông Khun Bốc cứ da diết, thổn thức mãi. Ông nói nhiều về voi cùng bao hoài niệm xưa cũ của cái thời làm gru (dũng sĩ săn voi) chinh chiến đại ngàn.
Đại úy Hoàng Châu Tùng đã có 5 mùa Tết với buôn làng. |
Khi ngày Tết đã gõ cửa từng nhà, cũng là lúc chị Hà Thị Tuyệt (thôn 9, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bận rộn nhất. Bàn tay người nghệ nhân buôn làng mải miết xe sợi. Để có tấm áo mới cho các chị em xúng xính đón xuân, chị Tuyệt đã làm bằng tất cả tâm huyết của mình. Thổ cẩm của người Mường có màu sắc nổi bật, sặc sỡ, họa tiết là những hình ảnh cách điệu từ các loại hoa của núi rừng như hoa dẻ, hoa trám.
Cách nhà chị Tuyệt không xa là nhà chị HBruih Êban cũng nhộn nhịp không khí thêu thùa, dệt vải. Tấm khung cửi đơn sơ, cọc cạch đã góp phần dệt nên những tấm khăn choàng cổ, bộ lễ phục thể hiện rõ hai mảng màu sáng tối. Đồng bào dân tộc Ê Đê quan niệm, màu sáng thể hiện sự vui vẻ, nồng nhiệt tượng trưng cho không khí vui tươi trong ngày xuân.
Nửa màu tối nói lên cuộc sống sinh hoạt nương rẫy, những nhọc nhằn, lam lũ và sự khắc nghiệt của mùa màng. Trên mỗi chiếc váy của người Ê Đê là những họa tiết hình con thoi cầu kỳ và tinh xảo. Đó cũng là lễ vật thiêng liêng mà người mẹ muốn dành cho con gái khi về lấy chồng.
Hòa chung không khí náo nức đón xuân của bà con là hình ảnh dung dị, mộc mạc của “người lính áo xanh” cơ sở. Những ngày này, công an xã bận rộn hơn bao giờ hết. Lực lượng mỏng, anh em phải phân công một người phụ trách nhiều địa bàn, vừa tỏa ra khắp nơi, vừa sâu sát, nắm chắc từng việc, tìm hiểu cuộc sống của mỗi buôn làng, thôn xóm, thậm chí là từng gia đình.
Nạn buôn bán pháo nổ trái phép diễn ra phức tạp ngày cận Tết, Công an xã căng mình xử lý, ngăn chặn. Đại úy Hoàng Châu Tùng, Trưởng Công an xã Ea Wer cho biết, đối tượng tàng trữ, buôn bán và sử dụng pháo thường là thanh niên mới lớn, học đòi ăn chơi.
Đây là thành phần “cứng đầu”, ngang bướng, khó bảo nên Công an xã đã xử lý quyết liệt để răn đe. Bên cạnh đó, các anh cử cán bộ tới tận gia đình nói chuyện với người lớn để cùng nhau khuyên dạy, động viên con em của mình sống lành mạnh, văn minh, tuân thủ pháp luật.
Hiện Công an xã Ea Wer đang thí điểm mô hình “Cụm dân cư tự quản về ANTT”, tổ chức cho bà con nhân dân cùng nhau tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên từng cụm dân cư, góp phần vào việc đảm bảo ANTT chung trên địa bàn. Ở các buôn làng miền núi, việc làm này còn mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng, bà con rất hào hứng tham gia.
Vậy là sang mùa xuân thứ 5, Đại úy Hoàng Châu Tùng “bám làng” ăn Tết. Đặc thù địa bàn xã Ea Wer có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống nên phong tục đón Tết cũng vô cùng phong phú. Trước Tết Nguyên đán một tháng, anh em Công an xã đã được bà con mời đến nhà uống rượu mừng xuân.
Rồi liên tục như vậy, mỗi nhà một bữa cơm, Tết cứ dài ra, niềm vui bất tận. Ở đây, có quý, có thương thì người ta mới mời đến nên không thể từ chối. Bởi vậy mà suốt một tháng trước và sau Tết, anh em Công an xã đi mải miết, hầu như không có thời gian về nhà ăn cơm với gia đình.
Tết trọn niềm vui
Quay lên vùng đất xa ngái Ea Súp, gió biên cương khô khốc, cái lạnh nhói tận vào tim.
Xã Ea Bung là 1 trong 14 xã biên giới trên cả nước được hỗ trợ mô hình sinh kế từ nguồn quỹ phát động nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đợt 1 (giai đoạn 2018-2020). Đầu năm 2019, phụ nữ xã Ea Bung được nhận 10 con bò, mỗi con trị giá 10 triệu đồng. Những chú bò đã “tiếp sức” để nhiều hộ gia đình ở Ea Bung vươn lên thoát nghèo. Cái Tết này, niềm vui tràn trề và trọn vẹn.
Từ ngày về cơ sở, Thiếu tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng Công an huyện Ea Súp kiêm Trưởng Công an xã Ea Bung được bà con rất mực tin yêu. Xã nghèo nên khi thấy một lãnh đạo công an huyện xung phong về với dân thì họ vui lắm, nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ đồng chí Trưởng Công an xã làm tốt vai trò của mình.
Thiếu tá Nghĩa làm Trưởng Công an xã được tròn 5 tháng thì anh đã chỉ đạo khám phá, xử lý được 5 vụ việc, trong đó 2 vụ đánh bạc, một vụ trộm gà, 1 vụ đánh nhau và 1 sử dụng súng hơi trái phép. Từ ngày công an chính quy về địa bàn, bà con vô cùng phấn khởi, yên tâm làm ăn sinh sống.
Thiếu tá Nghĩa kể, trước đây người dân có thói quen để xe máy ngoài sân, anh em đi tuần tra vào buổi tối phải gõ cửa từng nhà nhắc nhở. Việc đảm bảo an ninh trật tự được quán triệt ngay từ giai đoạn phòng là chính nên giảm thiểu được tối đa các vụ việc phạm pháp.
Bên cạnh đó, Công an xã Ea Bung còn tổ chức diễn đàn "Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân" nhằm tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân cũng như tiếp thu các phản ánh về tư cách, lề lối làm việc, văn hóa ứng xử của Công an xã. Những hạn chế, thiếu sót mà nhân dân phản ánh để kịp thời có hướng khắc phục, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nhằm đảm bảo ANTT tại địa bàn xã.
Tại diễn đàn, đã có nhiều quần chúng nhân dân tham gia góp ý thẳng thắn đối với lực lượng Công an xã. Các ý kiến tập trung vào những vấn đề về thái độ phục vụ nhân dân, một số vấn đề liên quan đến ANTT tại các thôn, kiến nghị các biện pháp giữ gìn ANTT tại địa phương, giúp lực lượng Công an xã nắm bắt chính xác tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở từng địa bàn khu dân cư để có biện pháp xử lý kịp thời, đem lại bình yên cho nhân dân.
Thiếu tá Nghĩa cho biết, anh học được rất nhiều điều từ diễn đàn này. Khi người công an biết cầu thị và chân thành lắng nghe thì nhân dân cũng cởi mở tấm lòng, họ thấy mình được tôn trọng thì việc gì họ cũng đồng hành. Dân yêu, dân quý đôi khi đơn giản là những cử chỉ, ánh mắt và nụ cười của người cán bộ công an.
Anh Nghĩa bảo, dân nghèo nhưng giàu tình cảm, họ thương anh như một đứa con trong gia đình. Đây là cái Tết đầu tiên của Thiếu tá Nghĩa trên cương vị Trưởng Công an xã. Anh đang rất hào hứng, phấn khởi để đón một mùa xuân vui tươi, trọn vẹn với bản làng.
Ngọc ThiệnNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn