Lính trẻ về bản làng xa

Thứ ba - 13/02/2018 20:38
Sau này, dù gắn bó với mảnh đất này, hay chuyển công tác về bất cứ đâu, lứa cán bộ được tôi luyện ấy có quyền tự hào rằng: Thép đã...


Sau này, dù gắn bó với mảnh đất này, hay chuyển công tác về bất cứ đâu, lứa cán bộ được tôi luyện ấy có quyền tự hào rằng: Thép đã tôi thế đấy!

1. Ngắm những cành đào phai bắt đầu nở tưng bừng ven đường, Thiếu úy Khổng Văn Thông, Đội An ninh, Công an huyện Đồng Văn (Hà Giang) không tránh khỏi cảm giác bâng khuâng. 

Tết này, anh trực ở đơn vị đến ngày mùng 7 Tết. Một chút chạnh lòng nhớ bố mẹ lụi cụi ngày Tết ở quê, một khoảng bâng khuâng khi nhớ đến không khí gói bánh chưng nhộn nhịp xóm nhỏ những năm trước. 

Còn nhớ những ngày Tết Nguyên đán năm 2017, chàng trai Khổng Văn Thông, ở Vĩnh Phúc, lúc đó là sinh viên năm cuối của Học viện An ninh giành cả ngày 28 Tết gói bánh chưng cho bố mẹ, rồi đêm ngồi canh nồi bánh bên bếp lửa bập bùng. Nhà Thông có 2 chị em, chị gái lấy chồng xa, chỉ còn bố mẹ Thông ở quê. 

Lính trẻ về bản làng xa
Công an huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) trên đường vào bản làm nhiệm vụ.

Từ tháng 10-2017, theo quyết định công tác, Thiếu úy Khổng Văn Thông được điều về Đội An ninh của Công an huyện Đồng Văn. Năm nay, Thông sẽ ở lại trực Tết tại đơn vị. Anh có cách đón Tết với gia đình của riêng mình: “Đúng giao thừa, tôi sẽ gọi điện cho bố mẹ để mọi người cảm nhận như đứa con trai vẫn ở bên, chia sẻ thời khắc giao thừa với cả nhà”.

Trước khi lên nhận công tác tại Đồng Văn, Thiếu úy Khổng Văn Thông đã tìm hiểu qua nhiều nguồn về mảnh đất này. Nhưng hầu như các phương tiện truyền thông thường nhắc đến Đồng Văn là một vùng đất du lịch với những vùng núi đá tím ngắt, hùng vĩ, với những cánh đồng hoa tam giác mạch say đắm lòng người và tiếng khèn, tiếng sáo dập dìu của trai gái vùng cao… 

Khi lên đến nơi, quả thực, Thông cảm nhận được cảnh đẹp đất trời, nhưng anh đã có những tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của bà con, còn khó khăn, vất vả lắm. Tuy mới nhận công tác được mấy tháng nhưng hầu như chàng trai miền xuôi ấy đã đi xuống gần hết các xã của huyện Đồng Văn để làm quen cơ sở và triển khai công tác nghiệp vụ. 

Thông kể rằng, khó đi nhất phải kể đến con đường lên bản Lũng Thầu, xã Phố Cáo. Đường đá nhỏ xíu, rất khó đi, muốn đi xe máy vượt đoạn đường khó 5km vào bản thì người lái phải rất chắc tay, có nhiều đoạn, hai người trên xe phải xuống, gồng mình mới đẩy được xe nhích từng tý. 

Vào các bản thì có nhiều phong tục tập quán, đến bữa, nhiều nhà chỉ ăn mèn mén, cái món xay từ ngô ấy lúc đầu cán bộ dưới xuôi lên ăn vào nghẹn ứ cổ. Hầu hết người dân nói tiếng dân tộc. 

Lúc đầu, chưa nhiều vốn tiếng dân tộc, Thông và các đồng chí cùng đợt mới về nhận công tác phải sử dụng thêm ngôn ngữ cơ thể. Rồi với sự nỗ lực học hỏi và phấn đấu, các anh đã thích nghi rất nhanh, vốn tiếng dân tộc tuy còn phải học tiếp nhưng đã khá hơn để giao tiếp với đồng bào, để đồng bào và cán bộ hiểu nhau hơn…

2. Sát Tết, vùng núi cao Bảo Lạc (Cao Bằng) vẫn lạnh giá. Thời điểm này mưa nhiều, nhiệt độ có lúc xuống 0 độ C, gió thổi hun hút như những mũi kim chích vào da thịt. Mặc mấy chiếc áo len bên trong chiếc áo bông dày cộp của ngành rồi mà Thiếu úy Thân Thế Tùng và Thiếu úy Đinh Công Giáp, cán bộ Đội An ninh của Công an huyện Bảo Lạc vẫn thấy cái lạnh len lỏi trong cơ thể. 

Hôm nay Thiếu úy Tùng cùng tổ công tác xuống xóm Hoi Ngửa, xã Hồng An, huyện Bảo Lạc để nắm tình hình, thăm hỏi, tặng chăn cho đồng bào chống chọi với cái rét, ấm áp khi Tết đến xuân về. Con đường xuống bản ngoằn ngoèo, đất đỏ cuốn lấy bánh xe máy, nhiều chỗ mưa ướt lép nhép, phải cật lực đẩy chiếc xe máy mới vượt qua được.

Lính trẻ về bản làng xa - Ảnh minh hoạ 2
Công an huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) xuống các bản để thăm hỏi người dân khi Tết đến, xuân về. 

Nhanh nhẹn, rắn rỏi, chàng trai miền xuôi Thân Thế Tùng và Đinh Công Giáp thích nghi rất nhanh với công việc của cán bộ an ninh vùng cao. Tùng quê ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. 

Tháng 8-2017, tốt nghiệp Học viện An ninh, Tùng được điều động về công tác tại huyện Bảo Lạc. Dù đã tìm hiểu khá kỹ về mảnh đất này qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng anh vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đặt chân đến nơi. Ở trên này mất điện triền miên, con người dường như đã quá quen với cái nghèo và sự thiếu thốn. 

Mẹ Tùng khi biết con nhận nhiệm vụ ở tận Bảo Lạc cũng rất lo, ngày tiễn con lên đường nhận nhiệm vụ, mẹ chỉ khóc thôi. Người con gái anh yêu chưa đủ cảm thông để vượt qua khoảng cách xa xôi từ nơi cô ở đến nơi anh công tác. Nhưng Tùng đã rắn rỏi lên đường, mang theo bản lĩnh và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của người lính, dù đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì.

Cùng là học viên tốt nghiệp Học viện An ninh và được phân công về Công an huyện Bảo Lạc cùng đợt với Thân Thế Tùng, Thiếu úy Đinh Công Giáp (SN 1994, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: “Bản thân tôi cũng đã hình dung về sự khó khăn, thiếu thốn của huyện Bảo Lạc, nhưng vẫn rất bất ngờ khi đặt chân tới đây. Đúng là có đi, có ở, có ba cùng với bà con mới hiểu, mới biết có một vùng núi cao xa xôi đi lại hiểm trở khó khăn như này…”.

Lính mới, thời gian công tác chưa nhiều nhưng Thiếu úy Thân Thế Tùng và Đinh Công Giáp đã kịp đề xuất lãnh đạo đơn vị cho tham gia nhiều chuyến công tác xuống bản, thậm chí đến các vùng biên giới xa xôi với bà con. Càng đi nhiều, các anh càng thấy thương bà con hơn, so với quê các anh thì cuộc sống trên này rất nghèo và thiếu thốn. 

Tùng và Giáp tự động viên mình phải khắc phục khó khăn, nỗi nhớ nhà và dặn lòng cần cố gắng nhiều như học nói tiếng dân tộc thật tốt, tìm hiểu và thích nghi với các phong tục, tập quán của bà con để được gần gũi, sẻ chia, giúp đỡ mọi người như con em trong nhà, từ đó triển khai được các công việc, nhiệm vụ của lực lượng an ninh. 

Tết Nguyên đán 2018 là cái Tết đầu tiên của Tùng và Giáp khi nhận nhiệm vụ mới. Mọi năm, học viên được nghỉ Tết dài ngày, Tùng và Giáp thường về với gia đình, giúp được bố mẹ nhiều việc, canh nồi bánh chưng cho cả nhà. Tết này, theo phân công, lịch Tết sẽ chia 2 ca. Tùng và Giáp sẽ nghỉ ca một để trưa mùng 2 có mặt tại đơn vị trực. 

Các anh sẽ có khoảng thời gian không nhiều để đón Tết cùng bố mẹ, nhưng các anh và cả gia đình đều hiểu rằng, đối với cán bộ Công an, nhiệm vụ là trên hết. Địa bàn của các anh, những người đồng đội và cả những người đồng bào, nơi các anh đang công tác đang chờ các anh quay trở lại…

3. Vừa trở về đơn vị sau đợt cùng đoàn công tác của Công an huyện xuống các thôn, bản thăm hỏi, tìm hiểu, hỗ trợ giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa, để đồng bào đón Tết trong điều kiện tốt nhất, Trung tá Sầm Minh Hồ, Trưởng Công an huyện Bảo Lạc phấn khởi cho biết: 

“Năm vừa qua, Công an huyện tiếp nhận thêm 14 đồng chí mới tốt nghiệp tại các trường CAND. Để các cán bộ, chiến sĩ mới không bị bỡ ngỡ, đơn vị luôn quan tâm, tạo điều kiện về sinh hoạt, công tác chuyên môn, đặc biệt là đối với các đồng chí là người từ các địa phương khác đến, có sự khác biệt nhất định về phong tục, tập quán, tác phong sinh hoạt”.

Cũng theo Trung tá Sầm Minh Hồ, ngay khi các đồng chí mới về nhận công tác, lãnh đạo đơn vị đã chủ động nắm tình hình tư tưởng, tổ chức gặp mặt, quán triệt một số nội dung về quy chế làm việc của đơn vị, việc chấp hành giờ giấc, kỷ luật và truyền thống của đơn vị để phần nào những cán bộ, chiến sĩ trẻ có thể nắm được và thực hiện nghiêm chỉnh, đi vào nền nếp ngay từ khi nhận công tác. 

Song song với việc làm tốt công tác tư tưởng, đơn vị cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khả năng để bảo đảm về các chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi cho cán bộ, chiến sĩ mới; bố trí vị trí công tác, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ mới phù hợp với khả năng.

Được biết, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BCA-X11 ngày 10-4-2009 của Bộ trưởng Bộ Công an về xây dựng toàn diện Công an cấp huyện, năm 2017, chủ trương của Bộ Công an là tiếp tục đưa các học viên mới tốt nghiệp các trường CAND về công tác tại Công an các huyện, trong đó kiên quyết không đưa về các tỉnh đồng bằng thừa biên chế, ưu tiên đưa về các tỉnh miền núi biên giới khó khăn. 

Chính vì thế, rất nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã được phân về công tác tại các huyện miền núi của các tỉnh còn khó khăn. Việc phân công công tác tại bất kỳ địa phương, địa bàn nào là đều phù hợp với việc thực hiện 5 lời thề danh dự CAND Việt Nam “…Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và nhân dân cần...”.

Tác giả: T.Hòa - X.Trường

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây