Trạm thu phí Cầu Yên Lệnh trên Quốc lộ 38 thuộc địa phận phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, thực hiện thu phí hoàn vốn dự án xây dựng cầu Yên Lệnh từ tháng 6 năm 2004 với mức 15.000 đồng/xe nhóm 1.
Tháng 9-2014, được sự đồng ý của Chính phủ, nhà đầu tư thực hiện làm mới đoạn nối từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng, thay cho đoạn nối từ cầu Yên Lệnh đi qua thị trấn Hòa Mạc đến nút giao Vực Vòng. Để hoàn vốn làm đoạn đường này, từ ngày 9-12-2016, mức thu phí qua cầu Yên Lệnh được nâng lên 35.000 đồng (tăng 20.000 đồng so với trước).
Ngày 9-8-2017, đã có 15 lái xe thuộc một số xã khu vực thị trấn Hòa Mạc và giáp cầu Yên Lệnh của huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam dùng tiền lẻ mua vé và nêu ý kiến phản đối việc thu phí quá cao. Những lái xe này cho rằng họ đi từ đường cũ (từ Vực Vòng qua thị trấn Hòa Mạc) về cầu Yên Lệnh, không đi qua đoạn đường mới nối từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng nhưng phải trả phí tăng lên 20.000đ là vô lý.
Trước tình hình trên, Công an thành phố Hưng Yên đã kịp thời phân luồng, cùng nhân viên của Trạm giải thích cho các lái xe; ghi nhận ý kiến của lái xe là chính đáng, sẽ kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết, do vậy, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, giao thông tại Trạm thông suốt.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Trạm đề xuất và được các cấp có thẩm quyền đồng ý từ ngày 1-11-2017 giảm phí cho các phương tiện nhóm 1 ở vùng lân cận Trạm bao gồm 8 xã, thị trấn thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam và số taxi của thành phố Hưng Yên từ 35.000 đồng xuống 15.000 đồng/xe. Kết quả, từ đó đến nay, chưa xảy ra vụ việc phức tạp tương tự tại Trạm thu phí này.
Trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ 5 thuộc địa phận xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên tổ chức thu phí 10.000 đồng/xe nhóm 1 đến cuối năm 2015. Khi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào hoạt động, đã điều chỉnh tăng mức thu phí lên mức 45.000 đồng/xe nhóm 1; sau đó, cuối năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ, VIDIFI đã điều chỉnh, giảm mức thu xuống còn 40.000 đồng/xe nhóm 1. Mức thu này được coi là một phần góp vốn của Nhà nước vào dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và để sửa chữa, bảo trì toàn tuyến Quốc lộ 5.
Công an Hưng Yên phân luồng đảm bảo TTATGT tại trạm BOT. |
Trong thời gian từ tháng 9 năm 2017 đến nay, tại Trạm đã có 8 lần xuất hiện tình trạng một số lái xe dùng tiền lẻ mua vé qua Trạm, rồi quay đầu xe tiếp tục mua vé bằng tiền lẻ ở chiều ngược lại, làm ô tô chết máy, tự tháo hơi lốp xe rồi bỏ đi... nhằm gây ùn tắc giao thông; một số lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải và người dân khu vực Trạm kích động, kêu gọi các lái xe khác mua vé qua trạm bằng tiền mệnh giá thấp; tuyên truyền, kích động nhân dân tụ tập gây cản trở, ùn tắc giao thông. Lực lượng Công an kết hợp với nhân viên Trạm tổ chức phân luồng cho các phương tiện trên đi vào một làn, sau đó phải xả trạm.
Cũng trong thời gian này, qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện một số cá nhân, chủ doanh nghiệp vận tải liên tục đăng tải trên các trang mạng xã hội bàn bạc, thống nhất, cổ vũ, kích động, kêu gọi lái xe và người dân tập trung sử dụng tiền lẻ để mua vé đi qua Trạm nhằm gây ùn tắc giao thông trên tuyến, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự...
Đại tá Đào Hữu Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, ngay từ khi xảy ra diễn biến phức tạp tại một số Trạm BOT ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Tiền Giang..., Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an huyện, thành phố có Trạm BOT tăng cường nắm tình hình, có biện pháp tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực các Trạm BOT.
“Việc lái xe dùng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT tuy không vi phạm pháp luật nhưng có những hành vi cố tình cản trở giao thông, gây mất trật tự công cộng và có thể vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chúng tôi đã xây dựng, triển khai kế hoạch cụ thể, toàn diện, nhằm huy động tổng hợp các lực lượng An ninh, Cảnh sát, Công an huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tham gia, phân công nhiệm vụ cụ thể từ Giám đốc, các Phó Giám đốc đến các đơn vị chức năng” – Đại tá Đào Hữu Liêm cho biết.
Theo đó, Công an tỉnh Hưng Yên tập trung nắm tình hình, kịp thời phát hiện ý đồ, sự chuẩn bị tiến hành các hoạt động gây ùn tắc giao thông ở các trạm BOT; kịp thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của các sở, ban, ngành tỉnh, của Tổng cục đường bộ Việt nam, VIDIFI, Hiệp hội vận tải ô tô Hưng Yên, và một số chủ doanh nghiệp vận tải.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về thu phí BOT; Đề nghị VIDIFI tiếp tục nghiên cứu phương án tài chính để giảm phí cho các phương tiện và nhân dân khu vực gần Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5; Yêu cầu lực lượng Công an xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Sau Hội nghị, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài Chính đề nghị: Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan đài báo tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc thu phí tại Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5; xem xét di chuyển Trạm thu phí số 1 về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên với thành phố Hà Nội hoặc giữa tỉnh Hưng Yên với tỉnh Hải Dương để hạn chế các phương tiện đi vào các tuyến đường của tỉnh, của huyện nhằm trốn vé qua Trạm BOT gây thất thoát ngân sách Nhà nước và làm hỏng các tuyến đường tỉnh, huyện, gây bức xúc trong nhân dân; Miễn thu phí cho các phương tiện của nhân dân nằm trong bán kính 5 km xung quanh Trạm. Đề nghị Bộ Tài Chính xem xét giảm mức thu phí sử dụng đường bộ khi qua Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Hưng Yên chủ động phối hợp cơ quan thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân, nhất là người dân khu vực xung quanh các trạm BOT, các doanh nghiệp vận tải, các lái xe chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông; không nên tổ chức hoặc tham gia các hoạt động gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc mất trật tự công cộng tại khu vực trạm BOT; vận động chủ doanh nghiệp vận tải, lái xe, hộ dân khu vực trạm BOT tổ chức ký cam kết không tham gia vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các trạm BOT.
Ngoài ra, lực lượng trinh sát, điều tra thường xuyên rà soát, nắm tình hình và có biện pháp quản lý đối với các đối tượng cơ hội, bất mãn chính trị, các đối tượng hình sự, nhất là các đối tượng hình sự có liên quan đến hoạt động vận tải, bố trí trinh sát, điều tra viên thu thập tài liệu chứng cứ và có biện pháp xử lý đối với các đối tượng có hành vi cố tình gây cản trở, ùn tắc giao thông, gây rối trật tự công cộng; đề nghị các Trạm tăng cường cán bộ, công nhân viên để tổ chức thu phí nhanh chóng và kịp thời hướng dẫn giao thông; có hệ thống loa tuyên truyền, hướng dẫn khi cần thiết.
Lãnh đạo, cán bộ của Trạm phải trực 24/24h để phối hợp với lực lượng Công an triển khai kịp thời phương án chống ùn tắc giao thông, kể cả tình huống xả trạm. Trên mỗi chiều đường đều bố trí một làn đường, bố trí bãi đỗ xe để nếu có tình huống lái xe trả tiền lẻ hoặc cố tình làm hỏng xe thì kịp thời phân loại, hướng dẫn lái xe sử dụng tiền lẻ đi vào đường riêng hoặc đỗ ở bãi để đếm tiền, nhằm chống gây ùn tắc.
“Chúng tôi không can thiệp vào việc trả tiền lẻ của lái xe khi qua trạm, chỉ hướng dẫn các lái xe trả tiền lẻ đi vào làn riêng, đỗ gọn gàng trong thời gian trả tiền. Người nào có hành vi cố tình cản trở, gây ùn tắc giao thông hoặc có lời nói hô hào, kích động người khác gây cản trở giao thông, gây rối trật tự công cộng thì kịp thời nhắc nhở, nếu tiếp diễn và vi phạm thì lập biên bản để xử lý. Trường hợp vi phạm quả tang mà không còn cách nào khác thì buộc phải cưỡng chế để đảm bảo an ninh trật tự, giao thông thông suốt” – Đại tá Đào Hữu Liêm cho biết.
Nhờ có biện pháp linh hoạt, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân nên các vụ việc xảy ra sau khi thực hiện kế hoạch chỉ nhỏ lẻ, không thấy xuất hiện các đối tượng cầm đầu, kích động phản đối thu phí, gây ùn tắc giao thông, diễn biến vụ việc chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, không gây ùn tắc kéo dài, phức tạp về ANTT.
Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Công an Hưng Yên tiếp tục chủ động nắm chắc tình hình liên quan đến an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông khu vực trạm BOT, tình hình liên quan đến BOT trên mạng xã hội; tuyên truyền vận động nhân dân, doanh nghiệp vận tải, lái xe...
“Đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần quan tâm xem xét, đề xuất giải quyết những yêu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân, của lái xe và doanh nghiệp vận tải. Những yêu cầu chính đáng nào có thể giải quyết được ngay thì nên giải quyết ngay, nhất là những yêu cầu của nhân dân, lái xe sinh sống trong khu vực xung quanh Trạm BOT, không để họ bị các lái xe, chủ doanh nghiệp ở nơi khác hoặc các đối tượng cơ hội, bất mãn lợi dụng gây mất an ninh, trật tự, trật tự an toàn giao thông tại các Trạm BOT” – Đại tá Đào Hữu Liêm kiến nghị.
Tác giả: Phương Thuỷ
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn