Khi tách ra từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997, tỉnh Bình Dương chỉ có khoảng 670.000 dân. Thế nhưng, hơn 20 năm sau, cụ thể đến giữa 2019, dân số địa phương này vọt lên con số 2.363.704, trong đó có 1.240.520 nhân khẩu tạm trú, hầu hết là công nhân với khoảng 85% người đến từ các tỉnh, thành khác của cả nước. Chiếm đến 52% trên tổng dân số toàn tỉnh là dân nhập cư, Bình Dương trở thành địa phương có tỷ lệ dân nhập cư cao nhất cả nước (tỷ lệ này ở TP Hồ Chí Minh chỉ 23%).
Nguồn nhân lực dồi dào này đã đóng góp rất tích cực vào sự phát triển kinh tế vượt bậc của Bình Dương trong suốt hơn 2 thập kỷ qua nhưng lãnh đạo của vùng đất Gốm cũng nhìn nhận, dòng người nhập cư “khổng lồ” đã đặt ra cho lực lượng Công an nhiều khó khăn, nhọc nhằn, nhất là trong công tác đảm bảo ANTT tại các khu, “xóm trọ” công nhân...
Tại Bình Dương, do các khu, cụm công nghiệp chưa giải quyết hết nhu cầu chỗ ở cho người lao động nên kinh doanh nhà trọ khu vực lân cận đó hiện vẫn là nghề “hái ra tiền” và dịch vụ này nhanh chóng nở rộ trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê mới nhất của Công an tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có trên 22.000 khu nhà trọ, trong đó nhiều nhất là thị xã Dĩ An (gần 8.300 nhà trọ), thị xã Thuận An (hơn 6.700 nhà trọ), thị xã Bến Cát (hơn 3.000 nhà trọ), thị xã Tân Uyên (gần 1.850 nhà trọ), TP Thủ Dầu Một (hơn 1.700 nhà trọ),…
CSKV CAP An Bình tuyên tuyền pháp luật tại nhà trọ trên địa bàn phường. |
Có một thực trạng liên quan đến nhà trọ công nhân khiến chính quyền, ngành chức năng tại Bình Dương “đau đầu”. Hôm đến Bến Cát, PV Báo CAND được nghe kể về tình trạng xây nhà trọ trái phép trên đất nông nghiệp. Ở An Tây, có trường hợp giấy phép cho xây 9 nhưng thực tế số phòng trọ mọc lên tới 39. Trên một mảnh đất khác, cả chục phòng trọ “lụi” mọc lên, khách trọ đã vào ở, chính quyền mới phát hiện. Ở phường Hòa Lợi đã có một số cán bộ đã bị kỷ luật do buông lỏng quản lý, để xảy ra 14 khu vực phân lô nền, xây cất tự phát.
Một lãnh đạo địa phương thừa nhận quanh việc này từng có tình trạng “trên cứng, dưới mềm”; chính quyền cơ sở thiếu sâu sát, cương quyết từ đầu khiến không ít người dân chủ quan nghĩ “cứ lén xây sẽ được hợp thức hóa”.
Hậu quả là quy hoạch bị băm nát, nhiều nhà, khu trọ công nhân nhếch nhác mọc lên, đặc biệt, công tác đăng ký, quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng (gọi tắt là cư trú) của lực lượng Công an cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhìn từ góc độ quản lý cư trú, theo lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương, vẫn còn nhiều khó khăn khác mà lực lượng Công an gặp phải. Hôm đến An Bình, thị xã Dĩ An - địa bàn giáp ranh giữa Bình Dương với TP Hồ Chí Minh, PV Báo CAND nhận thấy nhiều bất cập trong công tác quản lý địa bàn.
Phường có trên 60.000 nhân khẩu nhưng 3/4 trong số này thuộc diện tạm trú. Phường có trên 2.200 nhà trọ, với gần 20.000 phòng trọ, trong đó có gần 700 chủ nhà trọ không trực tiếp mà... “điều khiển từ xa” (nhà trọ vắng chủ).
Giáp ranh với 7 phường khác (trong đó có 6 phường của quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), có tuyến đường sắt Bắc - Nam và QL1A đi qua, 1 bến xe khách, ga hàng hoá Sóng Thần, lại nằm lọt thỏm giữa 3 KCN (gồm Bình Dương, Sóng Thần và Linh Trung), cùng với trên 100 cơ sở nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ massage, karaoke, dịch vụ cầm đồ… nên lưu lượng người, phương tiện trên địa bàn phường An Bình luôn rất đông đúc và phức tạp.
Thiếu úy Hoàng Xuân Anh cho biết hơn 400 nhà trọ với gần 2.800 phòng trọ tại khu phố Bình Đường 3 do anh phụ trách thuộc diện nhà trọ vắng chủ. Chị Q., – người thuê phòng trọ đầu tiên trong dãy trọ 20 phòng của nhà trọ 9X trên đường Đoàn Thị Điểm, cho biết “ông chủ” dặn chị có chuyện gì thì cứ gọi báo cho ông ấy.
“Nói nghe tưởng rất dễ nhưng thực tế đâu đơn giản. Nội quy nhà trọ là khóa cửa vào lúc 22h nhưng mỗi người ở trọ đều có chìa khóa riêng nên nếu có ai đó dẫn bạn bè, người thân vào tá túc, không báo thì tôi không thể nắm hết. Nếu có chuyện gì xảy ra, đến nơi cũng đã xong rồi”, chị Q., băn khoăn.
Cũng được ở trọ miễn phí như chị Q., chị Th., được chủ nhà trọ 15x gần đó nhờ “trông coi” giúp 50 phòng trọ. Theo chị Th., trước đây, tình trạng đánh nhau và trộm cắp liên tục xảy ra. Một lần phát hiện có mấy phòng trọ có người lạ tá túc qua đêm, tổ chức ăn nhậu ầm ĩ, chị đến nhắc nhở, yêu cầu đưa giấy tờ tuỳ thân, liền bị các đối tượng chửi bới, đập phá đồ đạc và dọa đốt nhà trọ.
“Thấy căng quá, tôi chỉ còn cách điện báo CSKV”, chị Th., kể. Tình hình càng “nóng” khi tệ hút, chích có lúc diễn ra công khai. Ông Lê Thanh Hải, một người dân ở khu phố này kể có khi cả đám thanh niên ngồi chích ma tuý ngay bên đường.
Hút chích xong rồi, các đối tượng đi tìm tài sản nhà người dân để trộm, bán kiếm tiền mua “hàng”... “Công an địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý nhưng nhiều đối tượng tỏ thái độ coi thường, thách thức pháp luật.
Cái khó ở đây chính là địa bàn giáp ranh, khi bị động thì đối tượng dạt qua bên kia đường - thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh. Còn nếu bị động từ hai phía thì đối tượng ra đường vọt tới nơi khác”, một cán bộ Công an phường kể chuyện vài năm trước.
Đặc thù dân cư như thế, trong khi lực lượng Công an lại “mỏng”, một số cán bộ lại đang đi học nên hầu hết anh em đều phải kiêm nhiệm. Thiếu úy Hoàng Xuân Anh, dù luôn bận bịu với khoảng 15.000 nhân khẩu, vượt gấp 5 lần quy định nhưng phải cùng anh em trực ban hình sự, tuần tra phòng chống tội phạm và trật tự.
Hôm ngồi với lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, chúng tôi được nghe những suy tư của các anh khi thực tế trọng án xảy ra liên tiếp trong các khu trọ của công nhân với đủ mọi nguyên nhân khiến các điều tra viên luôn trong tình trạng quá tải công việc.
Tình hình càng đáng ngại hơn khi Bình Dương lại được xem là nơi ẩn náu “lý tưởng” của nhiều đối tượng sau khi gây án từ nơi khác, có cả các tỉnh từ khu vực biên giới phía Bắc. Đã có khá nhiều đối tượng bị truy xét, bắt theo lệnh truy nã từ các dãy trọ có đông công nhân. Có trường hợp ẩn mình trong nhà trọ hơn chục năm trời với “mác” công nhân, mới bị phát hiện.
Cùng nhìn vấn đề từ mặt trái của “cuộc di cư khổng lồ”, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương - Đại tá Võ Văn Phúc nhìn nhận, sự gia tăng “nóng” về dân số thời gian qua, cùng với những sơ hở, thiếu chặt chẽ của Luật Cư trú, khiến ANTT trên địa bàn diễn biến phức tạp.
Một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật Cư trú để nhập khẩu theo diện bảo lãnh. Mục đích nhập khẩu của số đối tượng này không phải để cư trú, làm ăn, sinh sống mà nhằm hợp pháp hoá các loại giấy tờ (hộ khẩu, CMND, hộ chiếu,...), qua mặt lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Không chỉ trà trộn trong dòng người tạm trú để trốn tránh pháp luật, không ít đối tượng đến Bình Dương không công ăn việc làm, không giấy tờ tuỳ thân, tụ tập hình thành các băng nhóm lưu manh, côn đồ vi phạm pháp luật, tạo nhiều phức tạp mới về ANTT.
Dẫn một nội dung quy định của Nghị định 107/2007/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Cư trú), một đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh cho biết theo cách hiểu của địa phương, chỗ ở hợp pháp phải là ở trên đất thổ cư.
Thực tế thời gian qua, nhiều hộ dân đến tự ý cất nhà trên đất lâm phần, đất nông nghiệp, từ đó dẫn đến việc xác nhận chỗ ở hợp pháp để giải quyết việc đăng ký thường trú của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn.
Hay tại quy định “trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn”, một mặt mang lại thuận tiện cho công nhân nhưng cũng đặt ra yêu cầu khác.
“Nếu chủ nhà trọ không nêu cao vai trò của mình trong công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, tình hình ANTT tại khu nhà trọ sẽ khó được đảm bảo dù lực lượng Công an luôn mong muốn và cố gắng. Hay nói cách khác, nếu làm không tốt công tác này, tại hàng chục ngàn nhà trọ sẽ là nơi che chắn an toàn cho đối tượng vi phạm pháp luật ẩn náu, hoạt động, gây ảnh hưởng xấu tới tình hình ANTT địa bàn”, Đại tá Võ Văn Phúc nói.
Sau hơn 20 năm được chia tách từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương đã thật sự khoác lên mình chiếc áo mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng nhìn nhận đã bộc phát những tồn tại, hạn chế, cũng như đã và đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đáng lưu ý là tình hình ANTT, tội phạm từng lúc, từng nơi, diễn biến phức tạp nhất là các địa bàn phát triển công nghiệp, đô thị; TNGT vẫn còn ở mức cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế và để lại hậu quả lớn về xã hội. Bên cạnh đó, dân số cơ học tăng nhanh đã gây áp lực lớn về giáo dục, y tế, chỗ ở, việc làm. Trong đời sống xã hội nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp và khó giải quyết như: tệ nạn, suy thoái đạo đức, lối sống, phân hóa giàu nghèo... |
Tác giả: Th.Bình – Đức Mừng – N.Sơn
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn