Từ hàng chục năm trở lại đây, Bình Dương phát triển vượt bậc, giữ vị thế quan trọng trong nền vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – Bình Dương được xem là nơi an cư, lạc nghiệp, là “quê hương thứ hai” của rất nhiều người. Giờ thì không phải chỉ ở Tây Nam Bộ mà người dân nhiều vùng, miền khác của cả nước đã rất quen với cụm từ “đi Bình Dương”.
Cùng với sự phát triển về kinh tế Bình Dương phải tiếp nhận lượng người nhập cư khá lớn, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề phức tạp nảy sinh khiến công tác quản lý nhà nước nói chung, trong đó quản lý về ANTT gặp không ít khó khăn.
Chính từ thực tế này mà có nơi, có lúc trên vùng đất Gốm bị tiếng là “đất dữ”; lực lượng CAND bị áp lực nặng nề. Không quản ngại ngày đêm, bằng nhiều cách làm linh hoạt, huy động được sức mạnh tổng hợp, với vai trò nòng cốt, chủ công, Công an tỉnh Bình Dương đã tạo ra những bước chuyển biến mạnh trên địa bàn ổn định tình hình ANTT.
Kỳ 1: Làm bạn với… gian nguy, vất vả(!)
Trưa 7-7, tại khu vực giao cắt giữa đường Mỹ Phước – Tân Vạn với đường ĐT 743, chiếc xe tải BKS 70C-063.62 hướng từ thị xã Dĩ An về TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) va chạm, làm người phụ nữ và chiếc xe máy mà chị điều khiển bị cuốn vào gầm xe tải, kéo lê trên đường. Nạn nhân bị xe tải cán tử vong tại chỗ. Gây tai nạn xong, tài xế nhanh chóng rời khỏi hiện trường; giao thông từ các hướng bị ùn tắc cục bộ.
Một CSGT cho biết, không chỉ thường xảy ra TNGT có người chết, đường Mỹ Phước – Tân Vạn, nhất là vị trí giao cắt với đường Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Lũy, ĐT743, ĐX083, Thủ Khoa Huân, Điện Biên Phủ,… còn rất thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm tan ca của công nhân (7-8h sáng, trưa từ 11h30-13h và chiều từ 16h-19h).
Trên tuyến QL13, những ngày đầu tháng 7 vừa qua, đi qua đoạn từ ngã tư Hòa Lân đến ngã ba A&B, ngã tư 22/12 đến KCN Việt Hương; từ cổng KCN Việt Hương đến cổng KCN VSIP I; ngã tư Bình Hòa đến ngã tư Cầu Ông Bố,... chúng tôi nhận thấy CSGT rất vất vả vì giao thông bị ùn tắc do đường bị ngập sau cơn mưa ảnh hưởng bởi cơn bão số 2.
Hôm ấy đã gần 19h, dòng xe máy vẫn đông nghẹt, chen chúc với dòng xe tải, xe đầu kéo sơmi rơmoóc nối đuôi nhau bấm còi inh ỏi.
Công an tỉnh Bình Dương đảm bảo hiệu quả tuần tra đêm tại các khu vực có đông công nhân. |
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương bày tỏ sự trăn trở tkhi số vụ TNGT, số người chết do TNGT vẫn còn cao. Năm 2018, TNGT đã làm chết 315 người, gần 2.000 người bị thương.
6 tháng đầu 2019, thêm 132 người chết, gần 800 người bị thương. Số vụ TNGT cao tại những nơi tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp (thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An và TP Thủ Dầu Một). Một trong những nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn thấp. Khi bị phát hiện vi phạm, một số đối tượng còn bỏ trốn, bất hợp tác, thậm chí hung hăng chống trả, gây trọng thương cho CSGT.
Đảm bảo trật tự ATGT hay an toàn cháy nổ thật ra chỉ là một mảng công tác trong công việc khá vất vả hằng ngày của Công an tỉnh Bình Dương. Tại một địa phương có trên 40 khu, cụm công nghiệp, hơn 50% dân số toàn tỉnh (khoảng 1,2 triệu người) là công nhân, người lao động, thành phần dân cư lại phức tạp, nên công tác đảm bảo ANTT là nhiệm vụ hết sức nặng nề, từng phút, từng giờ lên vai CBCS Công an địa phương.
Hôm chúng tôi đến trụ sở Đồn Công an KCN Việt Nam – Singapore (VSIP, đặt tại thị xã Thuận An), dù đã 12h20 nhưng các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị này chưa thể ngồi vào mâm cơm do vẫn có hàng chục công nhân ghé vào trình báo vụ việc liên quan hoặc nhờ tư vấn thủ tục đăng ký tạm trú.
Sau khi tiếp chuyện và nghe tường trình của một nữ công nhân quê Tiền Giang, Trung tá Nguyễn Tiến Thiện, Trưởng Đồn Công an VSIP, cho biết chị là nạn nhân bị lừa mất cả trăm triệu đồng thông qua việc kết bạn với một “doanh nhân ở nước ngoài” trên mạng xã hội.
“Có nhiều nữ công nhân là nạn nhân trong các vụ lừa đảo qua kết bạn trên mạng, qua xin việc làm. Từ thực tế tội phạm luôn “nhắm” vào “con mồi” là công nhân, Đồn đã tổng hợp tình hình, phối hợp với các doanh nghiệp trong KCN đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công nhân bằng việc nhắc lại các mánh khóe, chiêu trò của tội phạm”, Trung tá Thiện cho biết rồi lại tiếp một nữ công nhân vừa bị giật túi xách khi chị vừa tan ca.
Chỉ chồng hồ sơ dày cộm trên bàn, một cán bộ cho biết số vụ cướp giật, đánh bạc vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Vài ngày trước, các anh đã triệt phá vụ đánh bạc trong công ty liên quan đến hàng chục công nhân.
Bình Dương hiện có gần chục Đồn Công an KCN (ngoài VSIP còn có Đồn Sóng Thần, Kim Huy, Bàu Bàng, Mỹ Phước, Tân Uyên, Đồng An và Tân Đông Hiệp), trực tiếp làm công tác đảm bảo ANTT các KCN lớn với số lượng công nhân lên đến hàng trăm ngàn người. Nhớ lại tình hình căng thẳng thời điểm gần giữa năm 2014, khi số đông công nhân (nhất là tại ác KCN có đông doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan,...) bị kích động đình công, kéo nhau ra đường, đập phá tài sản doanh nghiệp, lực lượng Công an rất vất vả.
Công an hướng dẫn pháp luật cho Đội công nhân xung kích tự quản Công ty Vison, KCN Việt Nam-Singapore, thị xã Thuận An, Bình Dương. |
Chúng tôi vẫn nhớ những lưng áo đẫm mồ hôi khi các anh vừa tham gia giải thích để đám đông công nhân thấu hiểu bản chất của vấn đề, một mặt tham gia điều tra, vạch trần thủ đoạn của các đối tượng, thế lực chống phá, kích động, kịp đưa ra xử lý trước pháp luật.
Rút kinh nghiệm từ lần trước đó, giữa năm 2018, khi có dấu hiệu đối tượng bên ngoài lợi dụng, kích động công nhân, Công an Bình Dương đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, qua đó hầu hết công nhân nhận thức được đâu là sự thật của vấn đề nên vẫn yên tâm lao động.
Nhóm PV Báo CAND đến Bình Dương vào thời điểm Công an các đơn vị, địa phương đang tiếp tục cao điểm tấn công tội phạm “tín dụng đen”. Hôm đó, ngày cuối tháng 6-2019, phố đã lên đèn nhưng Trung tá Trần Minh Tâm, Phó trưởng Công an TP Thủ Dầu Một cùng các cộng sự vẫn miệt mài với tập hồ sơ dày cộp.
“Trong số nạn nhân, có nhiều người là công nhân nghèo. Để xoay xở cho cuộc sống, họ đã bị sập bẫy đối tượng cho vay nóng với lãi suất cắt cổ lên tới 720%/năm. Quyết tâm của chúng tôi là góp phần đẩy lùi tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội”, lãnh đạo Công an Thủ Dầu Một giải thích cho sự cặm cụi của mình và cho biết các anh đang tập trung điều tra cùng lúc đến 9 vụ liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, trong đó, có 3 vụ liên quan đến hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản.
Điều khiến cho Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn Bình Dương “đau đầu” chính là xu hướng ngày càng phổ biến - đối tượng gây án, nhất là trọng án hầu hết có tiền án, tiền sự, hoạt động mang tính chuyên nghiệp, hết sức manh động và hầu hết là người từ địa phương khác đến...
Có rất nhiều vụ trọng án xuất phát từ nguyên nhân do có sự khác biệt trong văn hoá ứng xử vùng miền; sử dụng rượu bia quá đà không kìm chế được hành vi khi phát sinh mâu thuẫn; mâu thuẫn hôn nhân, tình ái; tranh giành địa bàn hoạt động bảo kê; đòi nợ thuê…
Đại tá Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, từ 2016 đến 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2.567 vụ phạm pháp hình sự; trong đó có 115 vụ giết người do nguyên nhân xã hội (chiếm tỷ lệ 4,5 %) làm chết 119 người, gây thương tích cho 18 người.
Đáng lưu ý, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình phạm pháp hình sự có chiều hướng gia tăng. Cụ thể đã xảy ra 15 vụ giết người, 3 vụ cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, 54 vụ cố ý gây thương tích; hậu quả làm 17 người chết, 72 người bị thương...
Không khó giải thích cho thực tế mặt trái đáng ngại vừa kể. Cách đây hơn 20 năm Bình Dương là một tỉnh thuần nông, kinh tế chẳng mấy nổi bật so với các địa phương khác trong vùng. Sau khi tách từ tỉnh Sông Bé (1997), nhờ thực hiện hiệu quả chính sách “trải chiếu hoa thu hút đầu tư”, Bình Dương đã khoác lên mình một diện mạo rất mới với mức tăng trưởng kinh tế trung bình hơn 20 năm qua trên 13%/năm.
Dễ thấy nhất Bình Dương đã thuộc tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước về nhiều chỉ số, trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nằm trong tốp đầu cả nước (chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội) với hơn 33,2 tỉ USD, gần 3.600 dự án FDI đang hoạt động. Mục tiêu thu ngân sách năm 2019 của tỉnh ở mức gần 55.000 tỷ đồng – tương đương tổng thu ngân sách của 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Công an hướng dẫn pháp luật cho Đội công nhân xung kích tự quản Công ty Vison, KCN Việt Nam-Singapore, thị xã Thuận An, Bình Dương. Theo Đại tá Phạm Quốc Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong công nhân đã tồn tại nhiều phức tạp về ANTT, trong đó có việc các thế lực thù địch tăng cường lôi kéo, móc nối công nhân để xây dựng cơ sở nội địa, chống phá trong nước; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trong công nhân chưa có các giải pháp xử lý hiệu quả. Tình trạng này đã tác động trực tiếp đến ANTT trên địa bàn. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn, Công an tỉnh đã tổ chức hàng chục phương án đảm bảo, phương án phòng chống khủng bố tại KCN trên địa bàn. Tính từ năm 2010 đến nay, trên cơ sở làm tốt công tác nắm tình hình, Công an tỉnh đã tham gia giải quyết dứt điểm trên 565 vụ đình công, với trên 316.000 lượt công nhân tham gia, xử lý hơn 200 đối tượng kích động công nhân đình công, gây rối; tổ chức đấu tranh 45 chuyên án, phát hiện, điều tra, xử lý trên 140 băng nhóm, bắt, xử lý hình sự trên 1.800 đối tượng. |
Tác giả: Th.Bình – Đ.Mừng – N.Sơn
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn