Đã có những quả núi lớn sạt xuống vùi lấp các thôn, nóc (bản) đồng bào Ca Dong nơi đây, gây ra hẩu quả đau lòng với nhiều người chết và bị thương. Ngay sau khi có lệnh điều động của lãnh đạo đơn vị, CBCS Công an huyện Nam Trà My đã nhanh chóng tập trung xuống những điểm sạt lở để cứu người, cứu tài sản nhân dân, bất chấp hiểm nguy đang rình rập...
Lực lượng Công an Nam Trà My tìm kiếm người bị nạn ngay sau khi xảy ra sạt lở núi tại nóc ông Tuân. |
Một tổ công tác lên đường vào xã Trà Vân, nơi xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp 5 ngôi nhà, làm 4 người chết và nhiều người khác bị thương. Một tổ khác lên xã Trà Don, để cứu gia đình anh Võ Văn Tư, trú ở thôn 3, cũng bị sạt lở núi vùi lấp nhà. Lúc này các tuyến đường vào các xã trên địa bàn hầu như đã bị cô lập, chia cắt, nên việc tiếp cận hiện trường vô cùng khó khăn.
Trung úy Phan Lê Trung Tín là một trong 10 CBCS được cử vào tiếp cận vùng sạt lở xã Trà Vân nhớ lại, nhận được mệnh lệnh từ cấp trên lúc 7h30 ngày 7-11, tổ công tác của anh phối hợp với lực lượng Quân sự và Y tế huyện tiếp cận vùng sạt lở.
“Trên đường đi, chúng tôi chỉ đi được đúng 2km đường bê tông và sau đó phải cùng nhau “xé” rừng mới có thể đi tiếp. “Anh em chúng tôi có lúc đi đằng trước thì sạt lở ngay đằng sau chân. Hoặc đi qua những chỗ taluy dương đường có nhiều chỗ bị nứt toác thành những hố sâu hàm ếch, rất nguy hiểm. Nhưng vì để hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành sứ mệnh của một chiến sĩ Công an vì nhân dân phục vụ, chúng tôi bất chấp khó khăn, nguy hiểm chực chờ mà luôn mong muốn làm sao đi thật nhanh đến hiện trường để kịp cứu người”, Trung úy Tín chia sẻ.
Sau khi vượt núi cao, suối sâu, nhiều điểm sạt lở, cuối cùng đoàn ứng cứu cũng tiếp cận được nóc ông Tuân, nơi xảy ra vụ sạt lở làm 4 người chết. Tổ công tác Công an huyện cùng lực lượng cứu nạn lập tức lao vào đào bới đưa những người bị thương nặng ra khỏi đống đất đá, tiến hành sơ cứu ban đầu rồi cùng bà con đưa về Trung tâm Y tế huyện. Mặt khác, động viên các hộ gia đình còn lại di dời ra khỏi nơi nguy hiểm.
Tuy nhiên bà con Ca Dong ở đây không chịu đi và nhất quyết ở lại đến khi tìm thấy xác những người bị chết mới đi, vì họ còn nặng nề tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan sợ “con ma làng” bắt.
“Trong lúc vận động tôi nhớ nhất là có một cụ già dù chúng tôi đã động viên rất nhiều lần nhưng vẫn không chịu đi. Ông cụ nói “có chết thì tôi cũng chết ở đây”, nên chúng tôi phải nhờ các đồng chí Công an xã là người Ca Dong ở địa phương nói chuyện, thuyết phục. Đến khi Thượng sĩ Đặng Ngọc Chinh cõng cụ đi thì cụ đã đại tiện, tiểu tiện luôn trên lưng đồng chí này”, Trung úy Tín nói.
Nhưng chưa hết khó khăn, tập tục của đồng bào Ca Dong là những người khiêng người chết sẽ không được ra khỏi làng từ 3 đến 7 ngày và không được đến nóc khác. Trong khi đó, tại nóc ông Tuân có nhiều người trước đó đã khiêng xác của hai mẹ con chị Hồ Thị Vệ (23 tuổi) và Hồ Thị Mộc Lan (1 tuổi) bị sạt lở núi vùi lấp tử vong nên đã nhất quyết không ra khỏi vùng sạt lở, khiến cho công tác vận động, di dời người dân cũng thêm khó bội phần.
Tuy nhiên, với sự nhanh trí, quyết đoán, quyết tâm của các CBCS Công an, cuối cùng các hộ dân còn lại cũng đã di dời đến nơi an toàn… Sau khi việc cứu nạn những người bị thương và tìm kiếm các trường hợp chết do lở núi và di dời các hộ dân còn lại đến nơi an toàn, các CBCS Công an huyện Nam Trà My vẫn tiếp tục ở lại chăm lo cho người dân di dời đến nơi ở tạm có cái ăn, cái mặc...
Nhớ lại những ngày mưa lũ vừa qua, Trung tá Đinh Việt Trung, Trưởng Công an huyện Nam Trà My cho biết, lúc xảy ra mưa lũ đơn vị anh đã tổ chức lực lượng ứng trực 100% quân số, tổ chức tuần tra nắm tình hình tại các địa điểm có khả năng xảy ra lở núi, lũ quét, tắc đường; đồng thời hướng dẫn Công an các xã tham mưu cho chính quyền các thôn triển khai công tác phòng chống lụt bão (PCLB) tại cơ sở, hỗ trợ di dời tài sản và người dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm…
Tổ chức lực lượng phối hợp với cơ quan Quân sự, Y tế huyện tổ chức tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn các hộ gia đình và nạn nhân bị thương, mất tích do sạt lở núi. “Các CBCS đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn, không có thông tin liên lạc, hạn chế về phương tiện, công cụ hỗ trợ; lương thực, thực phẩm mang theo về cơ sở, anh em đều phân phát hết cho bà con…
Có thể nói, với những việc làm đầy trách nhiệm trên, lực lượng Công an huyện đã phát huy tính xung kích, sự chủ động trong công tác PCLB trên địa bàn, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Sát cánh cùng nhân dân trong việc đối phó với thiên tai, kịp thời chung tay khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, CBCS đơn vị đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng người dân vùng cao Nam Trà My”, Trung tá Đinh Việt Trung chia sẻ.
Tác giả: Hà Vy
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn