Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh, trong 2 ngày 20 và 21-11, các tỉnh miền Trung đã có mưa to đến rất to, khiến mực nước các sông lên rất nhanh. Cộng với việc xả lũ của các hồ thủy lợi, thủy điện thượng nguồn các con sông khiến vùng hạ du lại chìm trong biển nước.
Lực lượng Công an các tỉnh, thành phố đã nhanh chóng được huy động về những vùng bị ngập lũ nặng, vùng nguy cơ sạt lở núi giúp dân đối phó với lũ lụt; sẵn sàng các phương án di dời dân đến nơi an toàn…
* Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến chiều 21-11, mực nước các con sông dâng cao do thủy điện xả lũ đã tràn ngập các vùng thấp trũng, khiến 7.689 nhà dân bị ngập sâu từ 0,2-0,6m. Trong đó, ngập nặng nhất là các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang; thị xã Hương Trà và Hương Thủy...
Ngập lụt đã gây chia cắt giao thông các tuyến đường về các xã như Hương Vinh, Hương Văn, Hương Toàn, Hương Xuân (thị xã Hương Trà); xã Phong Chương, Phong Sơn, Phong Mỹ, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) và các tuyến đường về Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) khi những tuyến đường này đều bị ngập sâu từ 0,3-0,8m.
Ngoài gây thiệt hại hàng trăm hecta hoa màu vụ Đông Xuân, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, đợt mưa lũ lần này còn khiến tỉnh Thừa Thiên-Huế có 2 người chết và mất tích. Trong đó, ông Nguyễn Giỏi (52 tuổi, trú tổ dân phố 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) bị lật thuyền tử vong khi đi kiểm tra khu vực nuôi thủy sản; chị Nguyễn Thị Thu Trang (ở thôn 1, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc) đi làm về vào tối 20-11 bị nước lũ cuốn mất tích.
Hàng trăm công nhân đường sắt cùng lực lượng chức năng đang tích cực khắc phục sự cố sạt lở tuyến đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân. |
Sáng 21-11, ghi nhận tại tuyến tỉnh lộ 11A đi qua thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền bị nước lũ dâng cao gây ngập nhiều điểm từ 0,4-0,6m kéo dài gần 3km. Trung tá Hồ Thành Hưng, Phó trưởng Công an huyện Quảng Điền cho biết, từ 7h sáng, tuyến đường tỉnh lộ 11A đã bị ngập nặng nên đơn vị đã cắt cử lực lượng CSGT chốt chặn tại các điểm ngập nặng để điều tiết giao thông. Vừa giúp nhiều người dân đẩy nhiều xe gắn máy bị chết máy khi đi qua vùng ngập lũ.
Đáng chú ý, do mưa lớn kéo dài nên tuyến đường sắt Bắc- Nam và tuyến đường bộ QL1A đoạn qua đèo Hải Vân sạt lở nhiều điểm. Trong sáng 21-11, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Phòng Tham mưu cùng Công an các đơn vị kiểm tra, có phương án đảm bảo ATGT và cứu hộ, cứu nạn.
Thượng tá Võ Hồng Quang, Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân huy động lực lượng, phương tiện máy ủi, máy xúc, máy đào nhanh chóng giải tỏa đất đá để thông tuyến đường bộ QL1A đoạn qua đèo Hải Vân; đồng thời chỉ đạo Trạm CSGT Phú Lộc tổ chức điều hòa, hướng dẫn giao thông cho người dân đi lại an toàn.
Riêng tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn đi qua đèo Hải Vân có 7 điểm sạt lở, điểm nặng nhất tại Km 757 + 755, 758 + 500, 759 +100 với số lượng đất, đá sạt lở xuống đường sắt khoảng 350m3. Hiện các đơn vị chức năng đang huy động lực lượng, phương tiện để dọn đất, đá sạt lở để có thể thông tuyến trở lại vào tối 21-11.
Trước đó, tối 20-11, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã phối hợp ngành đường sắt thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn đoàn tàu SE3 với gần 300 hành khách đang bị mắc kẹt tại ga Lăng Cô do sự cố sạt lở đất đá trên đèo Hải Vân tại Km đường sắt 758 + 450.
Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã huy động hàng chục CBCS phối hợp các đơn vị chức năng đến hiện trường điều hoà hướng dẫn giao thông, đảm bảo ANTT cho hành khách yên tâm chờ thông tuyến; đồng thời Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã điều gần 100 công nhân cùng phối hợp với các đơn vị sử dụng phương tiện, máy móc để giải tỏa khoảng 10 tấn đất, đá.
“Dự báo trong những ngày tới, tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều điểm trên tuyến QL49B Huế đi A Lưới, QL1A đoạn đi qua đèo Hải Vân dễ xảy ra sạt lở đất, đá. Do vậy, người dân cần chú ý đảm bảo an toàn khi đi qua những tuyến đường này. Hiện đơn vị đang huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện có mặt tại nhiều điểm điểm xung yếu, sẵn sàng phối hợp với các địa phương để ứng phó, xử lý khi có các sự cố do mưa lũ gây ra”, Thượng tá Võ Hồng Quang cho biết thêm.
* Tại tỉnh Quảng Trị, trong 2 ngày 20 và 21-11, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, khiến mực nước lũ các sông lên rất nhanh. Sáng 21-11, nước sông Ô Lâu tại xã Hải Tân, huyện Hải Lăng đã ở mức xấp xỉ báo động 3; 6 xã vùng thấp lũ, sát sông của huyện này đã bị chìm ngập trong biển nước mênh mông.
Có mặt tại xã Hải Tân, chúng tôi chứng kiến cảnh khó khăn vất vả của người dân nơi đây đã phải chống đỡ, đối phó với tình trạng mưa lũ kéo dài triền miên suốt gần một tháng qua. Bà Mai Thị Khuya (65 tuổi, ở thôn Hà Lổ), nói như mếu: “Suốt gần 1 tháng nay, nước lụt bao quanh nhà khiến tui không đi mô được cả”.
Để ý thấy mọi sinh hoạt của các thành viên trong gia đình bà Khuya đều phải lần dò trong dòng nước bạc cuồn cuộn chảy. Lũ chồng lũ khiến cuộc sống của bà con ở Hải Tân chỉ biết trông chờ vào sự cứu trợ, hỗ trợ của chính quyền và các tấm lòng hảo tâm. Hai hôm nay, lương thực giúp bà con ở đây cầm cự qua ngày chủ yếu là mì tôm.
Theo ông Lê Chí Công, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Trị cho biết, trong 6 xã của Hải Lăng bị ngập lụt, có 3 xã bị ngập nhà dân từ 0,1-0,5m, gồm Hải Tân 120 hộ, Hải Hòa 100 hộ và Hải Thành 30 hộ. 3 xã còn lại gồm Hải Sơn, Hải Trường và Hải Thiện bị ngập, chia cắt đường giao thông, không đi lại được.
Ngoài ra, mưa lớn đã làm ngập cục bộ một số tuyến đường có ngầm, tràn ở khu vực miền núi thuộc huyện Đakrông và Hướng Hóa như tại cầu tràn Ba Lòng, cầu tràn xã A Dơi… Lực lượng Công an huyện phụ trách xã đã phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương cắm biển báo thông báo cho người đi đường không được qua lại các khu vực, đường sá bị ngập rất nguy hiểm. Đồng thời, sử dụng ghe thuyền vận chuyển nước uống, lương thực vào giúp bà con ở những vùng bị ngập nặng không đi lại được.
* Tại tỉnh Quảng Nam, trong các ngày 20 và 21-11, mưa to liên tục diễn ra trên diện rộng, có nhiều nơi mưa rất to, phổ biến từ 40-80mm, có nơi lên hơn 100mm, như Tiên Phước (118mm), Tam Kỳ (223mm), Thăng Bình (144mm)… Mưa to khiến mực nước các con sông tiếp tục dâng cao, cộng với thủy điện ở thượng lưu xả lũ đã gây ra lũ lụt trở lại đối với vùng hạ du, nhất là hạ du sông Thu Bồn và sông Vu Gia.
Lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam cũng được huy động về cơ sở giúp dân đối phó với lũ lụt, trong đó lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, ngăn chặn người dân không đi qua các tuyến đường bị ngập lũ đề phòng tai nạn đáng tiếc…
Tuyến đường sắt Bắc – Nam qua đèo Hải Vân đã được thông trở lại vào 22h đêm 20-11 sau 10 giờ đồng hồ bị ách tắc. Thế nhưng đến 8h30 sáng 21-11, tại hầm đường sắt số 10 bất ngờ một khối lượng lớn đất đá trên đèo Hải Vân tiếp tục bị sụt trượt làm cho tuyến đường sắt Bắc Nam qua đèo Hải Vân bị ách tắc trở lại. Điểm sụt trượt đất đá lần này chỉ cách vị trí sạt lở trước đó vài chục mét… Chiều 21-11, ông Nguyễn Văn Tý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam Đà Nẵng cho biết, vị trí sạt lở nặng tại km 758+400, thuộc khu gian Bắc Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khu gian Kim Liên - Nam Ô (TP Đà Nẵng) cũng có 1 điểm sạt lở nặng với khối lượng lên đến 15m3. Trong khoảng 20km đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân hiện có hơn 10 điểm sạt lở nặng. Việc khắc phục, xử lý gặp nhiều khó khăn và phức tạp do mưa lớn kéo dài. Dự kiến, sau khi thông đường, ngành Đường sắt sẽ tổ chức dẫn tàu, cho lưu thông qua đèo Hải Vân với tốc độ hạn chế khoảng 5km/h. Để đảm bảo an toàn cho hành khách và các chuyến tàu Bắc - Nam, Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam Đà Nẵng đã phải cho dừng tàu, phong tỏa hiện trường để tiếp tục khắc phục tình trạng sạt lở đất đá. Đã có rất nhiều chuyến tàu đã phải nằm lại tại các ga của tỉnh Thừa Thiên - Huế và ga Kim Liên, Đà Nẵng. Ngay sau khi ga Đà Nẵng thông báo tình trạng sạt lở trên đèo Hải Vân gây ách tắc tuyến đường sắt, hàng trăm hành khách cũng đã phải trả lại vé tàu, chuyển sang đi phương tiện khác… Đáng chú ý, các điểm sạt lở trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân nằm ở những vị trí hiểm trở nên các phương tiện, biện pháp khắc phục rất khó khăn. Đặc biệt, các điểm sạt lở trên diện tích đất mềm, nguy cơ sạt lở có thể tiếp tục xảy ra. Cơ quan chức năng đang khẩn trương khắc phục sự cố, để thông tuyến đường sắt Bắc - Nam trong thời gian sớm nhất… H.Thu – T.Trí |
Tác giả: A. Khoa – T.Bình – N. Thi
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn