Chuyện về những chiến sỹ cứu nạn cứu hộ quả cảm

Chủ nhật - 30/12/2018 03:10
Trong đám cháy rừng rực lửa, dưới vực sâu hàng trăm mét, giữa dòng nước lũ gầm gào chảy xiết, hay trong căn hầm đang bị cả nghìn tấn đất đá đè lên… những chiến sỹ Cảnh sát cứu nạn cứu hộ vẫn xả thân làm nhiệm vụ.

“Khi người ta chạy ra thì mình chạy vào” – câu nói gói gọn công việc đặc thù của người lính cứu nạn cứu hộ. Loạt bài này, chúng tôi xin viết về các anh – những chiến sỹ Công an tinh nhuệ, dũng cảm, sẵn sàng quên mình vì nhiệm vụ để giành giật tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Bài 1: Những cuộc giải cứu ngoạn mục

Giữa đống đổ nát của gạch vỡ, vôi vữa, đồ đạc, chiếc cáng được đưa ra cùng một cô gái trẻ toàn thân phủ lớp bụi trắng xóa. Niềm vui chợt vỡ òa giữa cơn mưa tầm tã tháng 8. Cô gái ấy là một trong những nạn nhân được các chiến sỹ của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) Hà Nội cứu sống trong vụ sập nhà. Họ đã phải dùng đôi tay dỡ từng viên gạch, bới từng lớp vữa, hết sức thận trọng…

Chạy đua với tử thần trong ngôi nhà sập             

Với các cán bộ chiến sỹ tham gia CNCH trong vụ sập nhà ở số 43 Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, đó là kỷ niệm khó quên. 3h30 ngày 4-8-2016, ngôi nhà 4 tầng bất ngờ đổ sập hoàn toàn do ảnh hưởng của việc đào móng xây nhà bên cạnh. Các loại vật liệu xây dựng như tường gạch, sàn bê tông, mái tôn đổ chồng lên nhau thành nhiều tầng lớp. Thông tin do người dân cung cấp, có tới 4 nạn nhân ở dưới đống đổ nát, nhiều người đã chạy thoát và bị thương.

Ngay lập tức, lực lượng CNCH của Công an, Quân đội được huy động, trong đó, chủ công là Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 2 Hà Nội. Các máy móc, thiết bị chuyên dụng, từ thô sơ đến hiện đại như thiết bị tìm kiếm hình ảnh của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH được huy động.

Tuy nhiên, hiện trường đổ nát và có nguy cơ sập thêm bất cứ lúc nào sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của nạn nhân và cả người tham gia cứu nạn. Bởi vậy, sử dụng máy móc hiện đại trong tình huống này gần như không phù hợp, phương án tối ưu là dùng tay đào bới tìm nạn nhân.

Chuyện về những chiến sỹ cứu nạn cứu hộ quả cảm
Lực lượng cứu nạn cứu hộ nỗ lực cứu sống nạn nhân trong vụ sập nhà ở phố Cửa Bắc, Hà Nội.

Đại úy Trung úy Đinh Văn Quang lúc đó là chiến sỹ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 2 Hà Nội kể lại, anh cùng đồng đội nhận tin báo của Trung tâm 114 lúc 3h sáng, xuất phát từ Ngọc Hồi, Thanh trì di chuyển đến Cửa Bắc. Nhìn cảnh tượng tan hoang, ai cũng xót xa. Tình thế cấp bách, lực lượng CNCH chia thành nhiều mũi, xác định vị trí nạn nhân nhưng phải hạn chế người tiếp cận hiện trường vì nguy cơ khối đổ nát đó sẽ tiếp tục đổ sập. Trung uý Quang cùng Thượng úy Cao Hồng Hải (hiện ở Đội chữa cháy và CNCH khu vực số 2) tìm người ở khu vực tầng 3 bị đổ, có tiếng phụ nữ kêu cứu yếu ớt. Mọi người nhìn nhau mừng rỡ rồi nhanh chóng xác định vị trí nhạn nhân.

Ở góc tường có một khoảng trống nhỏ, nhờ đó mà nạn nhân sống sót. Nhưng, nếu không thận trọng, gạch vữa có thể đổ ập, nguy hiểm cho cả tính mạng của người tham gia cứu nạn. Vậy là các chiến sỹ phải dùng tay tháo gỡ từng viên gạch, bới từng mảng vữa. Toàn thân cô gái phủ một lớp vôi vữa trắng xóa. Mái tóc dài bị kẹt, phải cắt bỏ một đoạn.

Cuối cùng thì cô gái Bùi Thị Thoa 18 tuổi đã được giải cứu, đưa đến bệnh viện trong cơn mưa tầm tã. Cùng với Thoa, một nạn nhân khác cũng bị vùi trong đống đổ nát được cứu sống, nhưng trong vụ tai nạn thương đau này, 2 nạn nhân khác đã bị tử vong. Cuộc cứu nạn tại ngôi nhà sập ở Cửa Bắc đã diễn ra từ lúc trời còn tối sẫm cho đến gần trưa mới hoàn thành. Nhiều cán bộ chiến sỹ người ướt sũng nước mưa, mệt nhoài.

Cứu nạn trong ngày núi lở

Tháng 6-2018, một clip ghi lại vụ lở núi cuốn phăng chiếc máy xúc đang hoạt động xuống vực sâu lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội và các báo điện tử. Xem clip, ai cũng bàng hoàng trước hình ảnh đáng sợ và không dám tin rằng người lái máy xúc sẽ thoát nạn. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra.

Chúng tôi đã gặp những cán bộ chiến sỹ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Lai Châu trong chuyến công tác về nơi núi lở xoá sổ cả một bản làng ở huyện Sìn Hồ. Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ tại điểm sạt núi trên quốc lộ 12 các anh tiếp tục di chuyển đến điểm nóng tiếp theo. Đại úy Vũ Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC người chỉ huy cứu nạn cũng chính là người đu dây xuống vực cùng đồng đội đưa nạn nhân lên.

Hùng nhớ lại, sau khi nhận tin về vụ việc, anh và 14 chiến sỹ trong đơn vị ngay lập tức đến hiện trường. Chiều 26-6-2018, hai chiếc máy xúc của Công ty CP Xây dựng và Quản lý đường bộ 1 Lai Châu làm nhiệm vụ san gạt đất đá sạt lở từ trên núi xuống để thông tuyến quốc lộ 12, địa phận xã Tả Ngảo. Trong lúc đang thi công, bất ngờ cả mảng núi sạt xuống, cuốn phăng hai máy xúc và 2 công nhân xuống vực sâu hơn 100m. May mắn 1 công nhân chỉ bị thương nhẹ và leo ra ngoài được. Còn một lái máy xúc bị thương, nhiễm lạnh, không còn khả năng vận động, nằm dưới vực và ngất đi.

Do hiện trường cách xa trụ sở đơn vị, lại là đường núi cua tay áo và phải vượt qua nhiều điểm sạt lở, 21h nhóm cứu hộ mới tiếp cận được hiện trường. Lúc này các lực lượng khác không có thiết bị chuyên dụng nên việc cứu nạn vô cùng khó khăn. Dùng đèn chiếu công suất lớn rọi xuống vực, các anh phát hiện nạn nhân đang nằm bất động trên một tảng đá.

Ngay lập tức Đại úy Hùng cùng một chiến sỹ đu dây xuống vực, một tay cầm dao phát cây làm lối xuống. Chiến sỹ Lầu A Páo chia sẻ: “Tình thế lúc đó vẫn rất nguy hiểm. Đất đá bên trên có thể sạt lở bất cứ lúc nào, đường thì trơn trượt”. Chính vì thế, một mặt lực lượng cứu hộ cần phải triển khai rất nhanh nhưng mặt khác cần phải thật thận trọng.

Thấy ánh đèn loang loáng, nghe tiếng người gọi, anh Phạm Văn Sáng, người lái máy xúc chợt tỉnh lại, mừng vui khôn tả nhưng cũng không thể tự đu dây lên trên. Anh được các chiến sỹ đeo đai vào cả đôi, rồi nằm trên lưng một chiến sỹ. Bên trên, các chiến sỹ dùng ròng rọc kéo người lên. Sau này, khi chúng tôi gặp anh Sáng khi điều trị tại Bệnh viện Lai Châu, anh kể lại rằng cứ ngỡ đang trong mơ.

“Lúc bị rơi, máy xúc lộn đến 5 vòng. Sườn va vào máy, bị rách, cháy máu. Tôi nghiến răng bò ra khỏi xe, bám dây rừng leo lên tảng đá rồi lịm đi. Một lúc sau tôi thấy ánh đèn pin, nhưng chờ mãi không thấy người xuống mà cũng không thể cất tiếng gọi. Trời tối dần, người tôi lạnh toát, máu vẫn chảy. Tôi cứ ngỡ là sẽ không còn cơ hội sống”.

Cuộc giải cứu ngoạn mục của các cán bộ chiến sỹ Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Lai Châu trong ngày đất lở đã khiến người dân cảm phục. Những ngày sau đó, các anh tiếp tục có mặt trên nhiều điểm nóng khác, giúp dân khắc phục hậu quả do mưa lũ, di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Hình ảnh người chiến sỹ Công an tận tâm, trách nhiệm, tinh nhuệ trong công việc… đã vô cùng thân thiện trong ánh mắt của nhân dân vùng núi cao Lai Châu.

Trong những năm gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ cháy, tai nạn thảm khốc.  Điển hình như vụ cháy chung cư Carina Plaza ở TP Hồ Chí Minh, vụ cháy tàu Hải Hà 18 ở TP Hải Phòng, vụ bục túi nước tại hang Cột Cờ tại Hoà Bình…

Ở những vùng nguy hiểm ấy, khi nạn nhân với bản năng sống mãnh liệt luôn luôn cố gắng thoát ra thì những chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH lại lao vào biển lửa, chui vào hầm sâu, giành giật với tử thần cứu người, cứu tài sản. Sự dũng cảm, tinh thần mưu trí, quên mình vì nhiệm vụ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân.

Tác giả: Việt Hà – Trần Huy

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây