Bộ trưởng đã trả lời các đại biểu những vấn đề dư luận quan tâm như đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, ma túy, xâm hại phụ nữ, trẻ em, tình hình tai nạn giao thông...
Ngăn chặn tội phạm ma túy
Báo cáo trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy và đã dành nhiều nguồn lực cho công tác này. Trong số 13 hình phạt đối với các tội danh về ma túy thì có tới 9/13 tội danh có khung hình phạt cao nhất là chung thân và tử hình. Chính phủ cũng đã có kế hoạch triển khai phòng, chống ma túy và các lực lượng liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ và cùng vào cuộc trong công tác đấu tranh, xử lý những vấn đề liên quan đến tội phạm ma túy.
“Trước hết phải khẳng định, tội phạm ma túy là một vấn đề của tội phạm quốc tế, không một quốc gia nào có thể không có sự hợp tác mà giải quyết được tội phạm ma túy. Chúng tôi đã tính đến những nguy cơ tội phạm ma túy ở Việt Nam phát triển, tức là chúng ta rất gần vùng trung tâm thứ hai sản xuất ma túy là Tam giác vàng” - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và khẳng định Bộ Công an đã đánh giá được tình hình phức tạp và dự báo trước; đã triển khai những biện pháp tích cực ngăn chặn nguồn ma túy rất lớn chiếm 70% vào nước qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình và Sơn La.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn trước Quốc hội. |
Mặc dù đã phát hiện và bắt giữ được một số vụ ma túy lớn từ trước tới giờ chưa từng có nhưng nguy cơ vẫn còn đang rất hiện hữu và đòi hỏi phải tăng cường sự đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa. Các đối tượng đang có ý đồ chuyển công nghệ vào Việt Nam để tổ chức sản xuất, tinh chế ma túy rồi đưa ra nước ngoài. “Chúng tôi đã phát hiện và đập tan được những ý đồ, âm mưu này” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về người nghiện ma túy và quản lý người nghiện ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết “Chúng tôi thấy tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Từ tội phạm ma túy sẽ nảy sinh ra trộm cắp, cướp của, thậm chí giết người, cướp tài sản. Chúng tôi lượng tính được nếu mỗi bánh heroin lọt được vào Việt Nam thì khoảng 10 gia đình có người đi tù, có người vi phạm pháp luật từ vận chuyển, mua bán đến tàng trữ ma túy”.
Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm ma túy, cho thấy hiện nay các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy, trung tâm phân phối ma túy đang nhằm vào các đối tượng lớp trẻ, thanh niên, học sinh, sinh viên để cung cấp ma túy, thậm chí miễn phí để các đối tượng này sử dụng các chất gây nghiện. Công tác đưa vào cai nghiện đối với những đối tượng trẻ tuổi này cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình không hợp tác, giấu giếm con cháu bị nghiện.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, chủ trương của Bộ Công an là phải làm giảm tội phạm, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm. Từ những tháng đầu năm 2019 đã giảm ít nhất gần 3% phạm pháp hình sự, đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Bộ Công an cũng chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu này và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. |
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc quản lý người nghiện ngoài xã hội là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, trong đó lực lượng công an sẽ tiếp tục rà soát, lập hồ sơ người nghiện mới, tập trung quản lý phòng ngừa đối tượng nghiện, đối tượng ngáo đá ở các địa phương, kể cả trong những trường hợp chưa có hành vi vi phạm pháp luật.
“Chúng tôi sẽ tăng cường nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây về các tổ chức cung cấp, buôn bán ma túy, xử lý các tụ điểm có khả năng gây nghiện như điểm tổ chức karaoke, sàn nhảy, quán ăn” - Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời cho biết tỷ lệ người nghiện tiếp cận với các hoạt động ở các quán karaoke, sàn nhảy rất nhiều nên đề nghị các ngành chức năng phối kết hợp cùng quản lý các tụ điểm này. Hiện Bộ Công an đang nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với tội phạm này; đồng thời đề nghị khôi phục xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ luật Hình sự.
Tập trung đấu tranh tội phạm “tín dụng đen”
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tội phạm “tín dụng đen”, xuất phát từ quan hệ dân sự kinh tế thông thường giữa người vay và người đi vay, bọn tội phạm đã lợi dụng quan hệ này để tiến hành hoạt động tội phạm.
“Người đi vay cũng có nhiều dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm, nếu sản xuất kinh doanh bình thường thì rất khó có đủ điều kiện kinh doanh để có thể trả lãi cao lên tới 300%, người đi vay đó cũng có mục tiêu sử dụng trong những việc vi phạm pháp luật, việc không lành mạnh như cờ bạc, buôn bán hàng lậu, gian lận về thương mại. Người ta cần khoản tiền rất nhanh ngay trong một phi vụ thì người ta bất chấp lãi suất của các tổ chức “tín dụng đen”, sẵn sàng huy động để đạt được những việc đó” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đồng thời cho biết, các tổ chức “tín dụng đen” là tổ chức tội phạm, những ông chủ bản thân là đối tượng hình sự hoặc nếu không thì cũng nuôi, chăn dắt một số lượng đối tượng hình sự để phục vụ mục tiêu hoạt động “tín dụng đen” của mình. Nếu người vay không trả nợ đúng thời hạn thì dùng những đối tượng xăm trổ, những đối tượng hình sự đến đe dọa, đòi nợ thuê, gần như đến cướp ngày.
Nói về giải pháp đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hiện nay. Bộ Công an đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 về phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành trong giải quyết “tín dụng đen”.
Thời gian qua, lực lượng Công an đã tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm ma túy và “tín dụng đen”. |
Đồng thời đề xuất khẩn trương có hướng dẫn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm “tín dụng đen”, vi phạm pháp luật của hoạt động này, không để đối tượng lợi dụng những kẽ hở của luật pháp để có những hoạt động gây khó khăn cho việc xử lý. Đề nghị ngân hàng đa dạng hóa hình thức cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với vốn ngân hàng lành mạnh để “tín dụng đen” không có cơ hội, có đất hoạt động.
Đánh mạnh tội phạm theo kiểu xã hội đen lợi dụng hoạt động kinh tế
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây là loại tội phạm lợi dụng làm ăn kinh tế để hoạt động tội phạm, trong đó, nhiều đối tượng cầm đầu đã là đối tượng hình sự, bên ngoài cải tà quy chính, gác kiếm để làm ăn nhưng trong bản chất vẫn lợi dụng những hoạt động làm ăn kinh tế để hoạt động tội phạm. Tội phạm này diễn biến rất phức tạp như “tín dụng đen”, khai thác cát, đá, sỏi... Chúng sử dụng loại tội phạm hình sự đứng đằng sau các hoạt động về kinh tế, thậm chí kể cả những ông chủ của các công ty, các tổ chức kinh tế này cũng là tội phạm hình sự.
Thủ đoạn đơn giản ban đầu là lôi kéo, mua chuộc, khống chế, đe dọa bằng vũ lực, không được thì quay sang vu khống, xuyên tạc, nói xấu đến các cơ quan chức năng, thậm chí cả lực lượng trấn áp các loại tội phạm. Chúng lợi dụng những vấn đề về kinh tế để có nguồn tiền, nguồn kinh phí và đồng thời cũng sử dụng các đối tượng hình sự để dùng “luật rừng” phục vụ cho mục tiêu của mình.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng công an xác định đây là tội phạm hết sức nguy hiểm, Bộ Công an đang tập trung đấu tranh với loại tội phạm này. Lực lượng Công an rất hoan nghênh các tổ chức, quần chúng tham gia đấu tranh. Bộ Công an đang đề xuất với Quốc hội sẽ xây dựng luật gọi là lực lượng trị an ở cơ sở, sẽ điều chỉnh các hoạt động của các lực lượng quần chúng tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh ở cơ sở.
Cần xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Trả lời chất vấn về vấn đề kiểm soát giao thông, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, trong thời gian qua lực lượng CSGT nỗ lực đảm bảo trật tự giao thông nhưng trong quá trình làm việc đã nảy sinh nhiều bất cập. Hiện nay chúng ta điều chỉnh vấn đề về trật tự an toàn giao thông mới trên cơ sở luật về giao thông đường bộ nên với phạm vi luật này và một số văn bản dưới luật thì việc điều chỉnh, quản lý trật tự an toàn giao thông hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Chúng tôi đề xuất với Quốc hội trong thời gian tới xây dựng luật đảm bảo trật tự, an toàn về giao thông mới có thể đáp ứng yêu cầu quản lí tình hình giao thông hiện nay, vấn đề đang gây bức xúc cho cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội”.
Những giải pháp nâng cao năng lực của lực lượng CSGT, tổ chức lại lực lượng CSGT hoạt động cho hiệu quả cả đường bộ, đường thủy và nâng cao đạo đức, giảm những tiêu cực, nâng cao năng lực làm việc cho anh em cảnh sát giao thông trên mặt đường là những giải pháp Bộ Công an sẽ thực hiện trong thời gian tới, phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông để tổ chức hoạt động giao thông trong xã hội được tốt hơn.
“Đối với lực lượng cảnh sát giao thông, chúng tôi không tăng thêm, giải pháp đảm đảm trật tự an toàn giao thông là phải huy động được sự vào cuộc của các ngành, các cấp, đặc biệt là của lực lượng nhân dân. Đối với đảm bảo an toàn giao thông, nếu chỉ riêng lực lượng công an thì không thể đảm bảo. Chúng tôi sẽ tăng cường những biện pháp để huy động được sức dân và của các ngành, các cấp trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan “tín dụng đen” Bộ Công an đã chỉ đạo mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, trong đó trọng tâm là triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Năm 2018, công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”; trong đó khởi tố 34 vụ, với 66 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và 2.353 vụ án khác có liên quan (84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “tín dụng đen”). 5 tháng đầu năm 2019, đã triệt phá 933 băng, nhóm tội phạm vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê. Những kết quả này đã kiềm chế, làm cho hoạt động của tội phạm có tổ chức nói chung, các băng nhóm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng không còn manh động, công khai như trước. |
Kiểm tra, phát hiện 182 lái xe dương tính với ma túy Từ 16-11-2016 đến 15-2-2019, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 8.916.646 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; phạt tiền 5.615 tỷ 335 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 775.316 trường hợp; tạm giữ 1.375.888 phương tiện các loại. Năm 2018, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố điều tra 4.972 vụ, 4.613 bị can phạm các tội liên quan đến trật tự an toàn giao thông; 3 tháng đầu năm 2019, khởi tố điều tra 769 vụ, 744 bị can. |
Nguồn tin: http://antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn