Cảnh sát đường thuỷ Tây Nam Bộ căng mình xử lý sà lan quá tải trên sông

Thứ bảy - 08/06/2019 21:16
Hơn 11h trưa, Tổ tuần tra Thuỷ đội thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Tháp kiểm tra trên tuyến sông Tiền, gần khu vực cầu Cao Lãnh phát hiện sà lan chở cát có dấu hiệu vi phạm nên ra hiệu lệnh dừng lại.

Tài công xuất trình giấy tờ cùng biên bản vi phạm đã bị Công an tỉnh An Giang xử lý lỗi chở quá vạch mớn nước an toàn từ 1/5 đến 1/2 chiều cao mạn khô của phương tiện.

“Vạch dấu mớn nước an toàn là vạch đánh dấu giới hạn phần thân phương tiện được phép chìm trong nước khi lưu thông. Cán bộ tuần tra quan sát, dựa vào mức mớn nước xác định phương tiện nào vi phạm tải trọng, phương tiện nào không”, Trung tá Uông Vũ Điền, Thuỷ đội trưởng Thuỷ đội giải thích.

Đây cũng là lỗi thường gặp của sà lan chở cát, đá… trên các tuyến sông qua thuỷ phận các tỉnh, thành sông nước Tây Nam Bộ. Mỗi ngày, Thủy đội thực hiện công tác tuần tra kiểm soát và liên tục phát hiện, xử lý phương tiện vi phạm chở quá tải trên sông.

Tài công Trương Công Hậu (34 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) điều khiển sà lan chở cát mang số hiệu VL-144.99 thừa nhận, dù biết chở quá tải nhưng chủ phương tiện yêu cầu vì đã có hợp đồng với khách.

Cảnh sát đường thuỷ Tây Nam Bộ căng mình xử lý sà lan quá tải trên sông
Một sà lan chở quá tải.

Đêm 28-5, tài công này điều khiển sà lan từ mỏ cát ở thị xã Tân Châu (An Giang) xuôi theo sông Tiền, hướng về tỉnh Vĩnh Long. Tổ tuần tra Công an tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện vi phạm nên lập biên bản. Hơn 10 năm lái sà lan, tài công Trương Công Hậu thú thật đã không còn nhớ vi phạm bao nhiêu lần với lỗi chở quá vạch mớn nước an toàn.

“Cát múc từ dưới sông lên sà lan còn ướt nên rất nặng. Mình chở đầy sà lan thì khoảng 800 tấn, còn nếu chờ cát khô, bơm nước ra ngoài thì phải đợi 24h giờ đồng hồ nhưng lúc này nặng chưa đến 600 tấn. Chủ yêu cầu phải chở, dù biết rõ là quá tải”, tài công này nói.

Theo cán bộ tuần tra, chủ sà lan và tài công biết rõ vi phạm và sự nguy hiểm việc chở quá tải nhưng vẫn phớt lờ. Họ cho rằng, mỗi chuyến quay vòng trên đường thuỷ rất lâu, từ 5 đến 7 ngày nên chở càng khẳm (đầy, nặng không thể chứa được nữa – PV) lời càng nhiều, nếu bị phát hiện thì chấp nhận lập biên bản và nộp tiền phạt.

Những tháng đầu năm 2019, Công an tỉnh Đồng Tháp phát hiện 5.184 trường hợp vi phạm trên các tuyến sông. Riêng số phương tiện chở quá vạch mớn nước an toàn bị kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính hơn 3.000 trường hợp. Còn tại An Giang, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ phát hiện 16.706 phương tiện vi phạm cũng với lỗi chở quá vạch dấu mớn nước an toàn.

“Sà lan bắt buộc phải lấy khẳm, chứ lấy ít không có lời. Dù biết gặp sóng to, gió lớn sẽ nguy hiểm”, anh Đặng Hoài Hận (34 tuổi) - chủ sà lan ở huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) nói. Trên các tuyến sông Cần Thơ, sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên hoặc nhánh sông nhỏ, PV Báo CAND phát hiện phương tiện thuỷ vi phạm lỗi quá vạch dấu mớn nước an toàn.

Từ tuyến sông Hậu ngay ngã ba sông Cần Thơ ngược lên Thốt Nốt, hay nhánh sông rẽ vào thuỷ phận Vĩnh Long, Đồng Tháp, nhiều phương tiện như ghe, sà lan chở hàng hoá ngập hết mạn thuyền, nước tràn lên boong, ì ạch lưu thông. Trên nhiều tuyến kênh, nhánh sông, tài công, chở rơm rạ, trấu lúa chất cao và che khuất tầm nhìn phía trước, bỏ qua sự an toàn của chính mình.

Công an nhiều tỉnh, thành Tây Nam Bộ cho biết, trường hợp vi phạm quá tải trên sông vẫn đang rất phổ biến và có dấu hiệu ngày càng tăng. Lực lượng Công an đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tuyên truyền, tăng cường tuần xử, kiên quyết xử các vi phạm về an toàn giao thông thuỷ nhưng “bí chỗ” hạ tải phương tiện thuỷ vi phạm. Trong khi, chủ phương tiện cố tình vi phạm, chấp nhận xử phạt để chở hàng hoá nhiều hơn.

Đại tá Phạm Phú Cường, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, đây cũng là khó khăn chung cho lực lượng Công an các tỉnh, thành trong việc xử lý phương tiện thuỷ vi phạm.

“Trên đường bộ, phương tiện quá tải trọng bị lập biên bản xử phạt buộc phải hạ tải, còn đường thủy chưa làm được vì không có bến hạ tải và hàng hoá vận chuyển là những khối lớn như gỗ, container không thể cưa hoặc xé nhỏ. Cát cũng có nhiều loại và không thể sang, hoặc hạ tải trên sông”, Đại tá Phạm Phú Cường nói.

Công an tỉnh Đồng Tháp nhiều lần đề nghị xây dựng bến bãi hạ tải đường thuỷ nhưng chưa được chấp nhận. Hiện nay, mức xử phạt và chế tài đối với chủ sà lan, tài công chưa đủ sức răn đe nên một bộ phận tham gia giao thông thủy chưa ý thức và cố tình không chấp quy định vì mục đích lợi nhuận.

“Lực lượng tuần tra phát hiện vi phạm thì lập biên bản, nhắc nhở rồi cho phương tiện di chuyển chứ không thể giữ lại. Chúng ta chưa có bến hạ tải và một phần cũng lo ngại xảy ra sự cố trong quá trình tạm giữ vì sà lan là tài sản giá trị lớn”, Thượng tá Nguyễn Văn Ngôn, Trưởng phòng Cảnh sát đường thuỷ Công an TP Cần Thơ trăn trở.

Cảnh sát đường thuỷ đã tăng cường tổ chức tuần không chỉ các tuyến sông lớn mà cả tuyến kênh, rạch, bến khách ngang sông nhắc nhở chủ phương tiện, người điều khiển chấp hành quy định, chở đúng khối lượng hàng hoá, số người quy định và có đầy đủ chứng chỉ chuyên môn, bến khách an toàn.

Tác giả: Văn Vĩnh

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây