Ấm áp tình người trong khu cách ly giữa mùa dịch COVID-19

Chủ nhật - 16/08/2020 06:21
“Cơn bão” COVID-19 lại tràn về. Số ca mắc bệnh diễn tiến phức tạp, kéo theo đó là hàng loạt nguy cơ lây nhiễm cận kề đối với những trường hợp tiếp xúc gần, trở về từ vùng dịch. Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng như đảm bảo sức khỏe những trường hợp tiếp xúc gần nguồn bệnh, hàng loạt điểm cách ly tập trung y tế được hình thành. Và cũng chính trong khu cách ly ấy, vô số câu chuyện xúc động, lay động tình người còn được kể mãi.


Những chiến sĩ Công an “2 trong 1”

Bóng tối ập xuống con phố nhỏ nằm trong Khu đô thị Văn Phú – quận Hà Đông (Hà Nội). Chiếc xe chuyên dụng chở anh N.X. cùng các trường hợp F1 - tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 dừng trước cổng Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội. Đây là điểm cách ly tập trung mà anh N.X. cùng một số trường hợp F1 được đưa tới. Hình ảnh đầu tiên mà anh N.X cảm nhận được nơi đây chính là sự khẩn trương của các cán bộ, chiến sĩ Công an “2 trong 1” – cán bộ Công an làm công tác khám, chữa bệnh.

Hai căn phòng riêng biệt trên tầng 4 của tòa nhà bệnh viện thông thoáng, công trình phụ khép kín được bố trí làm nơi cách ly, theo dõi sức khỏe cho anh N.X cùng đồng nghiệp. Đại úy Dương Thanh Loan, điều dưỡng Khoa Nội tổng hợp – một trong những cán bộ trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ trong khu cách ly chia sẻ, Bệnh viện có 44 phòng phục vụ các trường hợp cách ly. 

Ấm áp tình người trong khu cách ly giữa mùa dịch COVID-19
Người cách ly tại Bệnh viện Công an TP Hà Nội được cung cấp đầy đủ đồ dùng cá nhân.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 107 trường hợp F1 và trở về từ vùng dịch đang được cách ly tập trung tại đây. Những ngày qua, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, lãnh đạo bệnh viện, chị cùng đồng nghiệp không ngừng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những quy định nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống dịch được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên bệnh viện cũng như người đi cách ly tại đây thực hiện rất nghiêm túc. Hàng ngày, trước khi vào khu cách ly thực hiện các nhiệm vụ theo dõi sức khỏe, chuyển thức ăn, phát khẩu trang, tuyên truyền – phổ biến kiến thức, phun khử khuẩn phòng dịch, các cán bộ, chiến sĩ Công an “2 trong 1” phải ăn vận trang phục bảo hộ y tế phòng dịch với đầy đủ kính chắn giọt bắn, khẩu trang hai lớp, mũ bảo hộ v.v… 

Ấm áp tình người trong khu cách ly giữa mùa dịch COVID-19 - Ảnh minh hoạ 2
Nhân viên y tế - Bệnh viện Công an TP Hà Nội tận tay chuyển thức ăn tới người đang cách ly

Bình thường, khi “leo” cầu thang bộ lên tầng 4, 5, 6 - lối đi riêng dành cho khu cách ly đã thấy vất, nay mọi người vừa vận trang phục bảo hộ y tế kín mít, vừa phải mang theo những thùng đồ, vật dụng cá nhân cho các trường hợp cách ly… sự vất vả trên lại càng nhân lên. Nhưng khi được hỏi các nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ nơi đây về công việc vất vả thường ngày của mình, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “Có gì vất vả đâu! Công việc thường ngày đó mà. Miễn sao mọi người đi cách ly an toàn, dịch bệnh được kiềm chế, không lây lan nữa là được!”, Thiếu úy, bác sĩ Nguyễn Thành Đạt – Khoa Nội tổng hợp cho biết.

Cùng với việc theo dõi sức khỏe, phát khẩu trang, hướng dẫn người cách ly chủ động phòng, chống dịch bệnh, kể từ thời điểm Bệnh viện được chọn là một trong những điểm cách ly y tế tập trung, các chiến sĩ Công an “2 trong 1” trong khu cách ly nơi đây còn đảm nhận thêm công việc “người vận chuyển”. Lẽ vì, ngoài việc chuyển những suất cơm (ngày 3 bữa), các anh, các chị còn trực tiếp chuyển cơ số vật dụng, trái cây, thực phẩm… do người nhà gửi cho các trường hợp đang thực hiện việc cách ly tập trung ở đây. 

Nhìn hình ảnh các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của Bệnh viện hàng ngày lên xuống cả chục lượt, khênh những thùng đồ, vật dụng từ tầng 1 lên tầng 4, 5, 6..., chúng tôi thấy thật xúc động. Anh N. X bảo rằng: “Thấy các chị khênh đồ lên phòng, mình chỉ muốn chạy xuống giúp các chị thôi…!”.

Không riêng gì anh N.X., mà các trường hợp cách ly nơi đây khi chứng kiến hình ảnh thân thương, nhiệt tình của  những “người vận chuyển” bất đắc dĩ, bất giác sự lo âu về nguồn dịch lơ lửng trên đầu bỗng tan biến.

Xúc động giây phút chia xa

Số lượng trường hợp cách ly tập trung không ngừng tăng, trong khi số bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trực tiếp làm công việc này còn mỏng. Song không vì thế mà những chiến sĩ Công an “2 trong 1” nơi đây chểnh mảng công việc. Với mọi người, dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, khi có các trường hợp F1 vào cách ly, các công đoạn từ tiếp nhận cho đến theo dõi sức khỏe ban đầu được thực hiện một cách thuần thục, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch. 

Anh T.Q. – trường hợp thuộc diện F1 tập trung cách ly ở Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội cách đây chưa lâu nhớ lại: “Hôm đó, khi vừa bước chân lên tầng 4 để thực hiện việc cách ly, tôi nhận được ngay lời nhắc từ phía một nhân viên y tế (Đại úy Dương Thanh Loan – PV) về việc không được rời khỏi phòng, lên xuống các tầng, bởi đã vào khu cách ly là phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu…! Sau đó tôi thực hiện ngay.”. 

Ấm áp tình người trong khu cách ly giữa mùa dịch COVID-19 - Ảnh minh hoạ 3
Các y, bác sĩ - chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ trong khu cách ly.

Anh T.Q. kể rằng, nhờ lời nhắc và những tin nhắn, cuộc điện thoại động viên, thăm hỏi sức khỏe của Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội, Đại úy – điều dưỡng Dương Thanh Loan, chị Võ Thị Minh Nga, Thiếu úy – điều dưỡng Nông Thị Bưởi…, mà trong thời gian thực hiện cách ly ở đây, bản thân anh không còn cảm thấy trống vắng và lo lắng nữa.

Ấm áp tình người trong khu cách ly giữa mùa dịch COVID-19 - Ảnh minh hoạ 4
Nhân viên y tế Bệnh viện Công an TP Hà Nội thường xuyên theo dõi sức khỏe, hướng dẫn người cách ly từ vùng dịch trở về.

Ngoài những trường hợp là F1, trong thời gian qua, khu cách ly Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội còn đón các trường hợp trở về từ vùng dịch. Nhiều trường hợp trước khi về nước đặt câu hỏi: không biết điều kiện cách ly y tế trong nước ra sao, có đảm bảo các yêu cầu không? Và rồi, sau một thời gian ngắn trong khu cách ly, những cảm xúc thân thương cứ thế trào dâng. Tình người, tình đồng bào thêm thắm lại. Anh L.Q.V – trường hợp trở về từ nước Mỹ, nơi dịch COVID-19 đang hoành hành tâm sự: 

“Trở về Việt Nam từ Mỹ, nơi đang bùng phát dịch COVID-19, tôi hiểu rằng mình có thể mang virus về cho gia đình và mọi người. Những gì tôi được hưởng trong thời gian cách ly thực sự đã giúp tôi vơi đi lo ngại, cảm nhận rõ hơn thành tích hết sức ý nghĩa về phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta. Tôi đã thấy ở đây sự nỗ lực, trách nhiệm, ân cần của các bác sĩ, y tá và nhân viên….”; hay như lời chia sẻ của em Đ.T.N. trong bức thư cảm ơn gửi Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội: “…Em là du học sinh từ Mỹ trở về Việt Nam. Từ lúc em hạ cánh ở sân bay Nội Bài, bọn em đã được chăm sóc tận tình chu đáo bởi các anh, chị y tá, bác sĩ. Tuy rằng chúng em đang được cách ly nhưng mọi thứ đều được cung cấp đầy đủ cho chúng em… Em mong các anh, chị sẽ luôn giữ gìn sức khỏe để giúp cho những ai bị cách ly cảm thấy đây như một trải nghiệm đáng nhớ!”.

Thật khó có thể diễn tả hết được những cung bậc cảm xúc mà các trường hợp cách ly sau khi trở về nhà dành tặng các chiến sĩ Công an “2 trong 1” nơi đây. Phía sau tâm trạng bịn rịn, lưu luyến trong giây phút “người ở lại, người rời điểm cách ly”, tình người thân thương còn đọng lại mãi.

“Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, bệnh viện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ y tế, qua đó đáp ứng các yêu cầu của ngành Y tế trong việc tiếp nhận, theo dõi sức khỏe đối với các trường hợp cách ly tập trung; tạo môi trường cách ly an toàn, thân thiện cho các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh và trở về từ vùng dịch…”, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội cho hay.

Tác giả: Trần Huy

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây