Trước đó, khoảng 08 giờ 45 phút ngày 13/9/2019, chị Nguyễn Thị Th. (Sinh năm 1974, trú tại tổ 12 phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ thông báo chị Th. có một bưu phẩm chưa nhận ở thành phố Đà Nẵng, nội dung bưu kiện thể hiện việc chị Th. nợ ngân hàng Agribank chi nhánh Đà Nẵng số tiền hơn 45 triệu đồng, đồng thời người này đọc chính xác số CMTND của chị Th. và khẳng định số CMDNT này liên kết với tài khoản nợ số tiền trên, nếu có thắc mắc chị Th. có thể báo tin bị lừa đảo, lợi dụng thông tin cá nhân của mình qua đường dây nóng của Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đà Nẵng theo số điện thoại người này cung cấp.
Ngay sau đó chị Th. nhận được cuộc điện thoại từ số máy “đường dây nóng của Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đà Nẵng” được người tự xưng là nhân viên bưu cục vừa cung cấp cho chị Th. Người gọi cho chị lúc này tự xưng là Điều tra viên Công an thành phố Đà Nẵng, qua trao đổi người này đọc số CMTND của chị Th. và khẳng định tài khoản vay nợ gắn với số CMTND này có liên quan đến một đường dây vận chuyển ma tuý toàn quốc và toàn bộ tài sản của chị Th. bị nghi ngờ gắn liền với đường dây ma tuý trên, yêu cầu chị Th. liệt kê toàn bộ tài sản của mình. Lúc này chị Th. tin tưởng, nghe theo lời đối tượng yêu cầu nên đã liệt kê toàn bộ tài sản mà mình đang có.
Sau đó, người này cho biết sẽ phải xin ý kiến của cấp trên về trường hợp của chị Th. và bật loa ngoài điện thoại để chị Th. nghe được cuộc đối thoại giữa người tự xưng là Điều tra viên và “cấp trên” của người này. Qua điện thoại chị Th. nghe được người được giới thiệu là “cấp trên” nói “yêu cầu bắt khẩn cấp chị Th.”, nhưng sau khi nghe người tự xưng là “Điều tra viên” nói “chị Th. là người thật thà, nhiều khả năng bị lừa đảo” thì người này nói “yêu cầu chị Th tiếp tục liệt kê tài sản vì nhiều tài sản đã được liệt kê đều là tài sản trong ngân hàng”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của người “cấp trên”, người tự xưng là “Điều tra viên” yêu cầu chị Th. phải tiếp tục liệt kê tài sản khác như vàng, đất… chị Th. vẫn tin tưởng và tiếp tục làm theo. Lúc này người tự xưng là “Điều tra viên” này yêu cầu chị Th. phải rút hết tiền trong tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng, bán vàng, bạc lấy tiền mặt của gia đình gửi vào số tài khoản mang tên Nguyễn Ngọc T. do người này cung cấp để niêm phong, điều tra, nếu quá trình xác minh xác định chị Th. không phạm tội thì sẽ trả lại tiền cho chị Th. Do tin tưởng toàn bộ lời các đối tượng đưa ra chị Th. đã rút toàn bộ số tiền, bán vàng đang có được hơn 170 triệu đồng và chuyển toàn bộ số tiền này vào số tài khoản mà đối tượng đã cung cấp trên. Sau khi chị Th. thông báo đã chuyển tiền, người tự xưng là Điều tra viên yêu cầu “chị Th. giữ bí mật để phục vụ công tác điều tra, không được thông báo với bất kỳ ai khác trong thời hạn 24 giờ đến 48 giờ, khi trao đổi với “Điều tr viên” không được tắt máy, không được liên lạc với bất kỳ ai, tắt toàn bộ thiết bị liên lạc khác ngoài điện thoại đang goi với “Điều tra viên” đồng thời hứa hẹn sẽ tiếp tục giữ liên lạc với chị Th trong quá trình điều tra”.
Sau đó do chị Th. gọi lại số điện thoại trên thì thấy không liên lạc được thì mới biết mình bị lừa và đến Cơ quan Công an trình báo. Vụ việc trên hiện Cơ quan CSĐT Công an thành phố Bắc Kạn đã tiếp nhận và tổ chức điều tra.
Qua sự việc trên, Công an thành phố Bắc Kạn khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi tương tự. Trong thực tế, Cơ quan Công an thường không làm việc qua điện thoại, khi cần làm việc sẽ có giấy mời ghi rõ thời gian, địa điểm và đề nghị công dân trực tiếp trụ sở để làm việc, đồng thời không bao giờ nêu yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng, thì cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Bên cạnh đó, để phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, người dân cần lưu ý không mua, bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng. Cần hết sức thận trọng, không nên đưa các thông tin cá nhân của thân nhân, bạn bè như họ tên, chức vụ, nghề nghiệp, đơn vị công tác...lên mạng xã hội vì đây sẽ là kẽ hở để bọn tội phạm lừa đảo qua mạng Internet triệt để lợi dụng để hoạt động.
Trường hợp vụ việc của chị Th. như đã nêu ở trên là xét về phương thức, thủ đoạn hoạt động không mới. Tuy nhiên nếu người dân nhẹ dạ, cả tin, bản thân thường không chú ý, cảnh giác, thiếu sự theo dõi quan tâm đối với thông tin trong lĩnh vực an ninh trật tự đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng (chính thống) sẽ rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Khi bị lừa đảo thì hậu quả mà bị hại phải gánh chịu thường rất lớn. Việc điều tra loại tội phạm này đối với Cơ quan chức năng thường rất khó khăn, phức tạp và kéo dài.