THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP LÀM GIẢM TỘI PHẠM, TỆ NẠN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Thứ hai - 23/09/2019 00:21
Thời gian qua, cùng với các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy. Không để địa bàn hình thành “điểm nóng”, “phức tạp” về ma túy; tệ nạn ma túy cơ bản được kiềm chế và kiểm soát. Bài viết khái quát thực trạng và một số giải pháp làm giảm tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới.
Các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua địa bàn huyện Bạch Thông bị lượng phòng chống ma túy bắt giữ ngày 3/9/2019
Các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua địa bàn huyện Bạch Thông bị lượng phòng chống ma túy bắt giữ ngày 3/9/2019
Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn từng bước phát triển và đạt được những thành tựu nhất định, cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện và nâng cao. Tuy vậy, nhiều nơi điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thì tình hình các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung và tội phạm, tệ nạn ma túy nói riêng cũng có chiều hướng ngày càng phức tạp. Chỉ tính riêng trong năm 2018, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy về ma túy Công an toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 111 vụ, 130 đối tượng phạm tội về ma túy, vật chứng thu giữ được hơn 75kg heroine, 381,796g ma túy tổng hợp và tạm giữ trên 600 triệu đồng[1]. Điển hình: ngày 02/03/2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) Công an tỉnh Bắc Kạn triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ tỉnh Sơn La về tỉnh Bắc Kạn, thu giữ được 05 bánh heroine và bắt giữ 05 đối tượng; ngày 16/10/2018, Công an huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn bắt giữ được 03 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn, thu giữ được 198 bánh heroine và tạm giữ một số tài sản có liên quan. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện, lập hồ sơ xử phạt hành chính 16 đối tượng có hành vi trồng cây thuốc phiện; lập 30 hồ sơ cai nghiện tại cộng đồng theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP;  lập hồ sơ và áp giải được 56 trường hợp đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm cai nghiện của tỉnh theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP. Theo số liệu thống kê của Công an các huyện, thành phố và Trung tâm phòng chống bệnh tật - Sở y tế tỉnh Bắc Kạn tính đến ngày 15/11/2018 toàn tỉnh Bắc Kạn có 1.394 người nghiện (tăng 113 người so với cùng kỳ năm 2017), người nghiện có ở 8/8 huyện, thành phố và 107/122 xã, phường, thị trấn (trong đó có 08 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy loại [1]; có 699 bệnh nhân điều trị thay thế bằng Methadone tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật - Sở y tế tỉnh Bắc Kạn[4]
So với các tỉnh khác ở khu vực Đông Bắc và trên tuyến Quốc lộ 3, tình hình tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy ở Bắc Kạn diễn ra với tần suất thấp hơn, đa số vẫn là mua bán ma túy nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, triệt phá được một số đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lượng lớn từ các tỉnh Tây Bắc qua Bắc Kạn đi Cao Bằng, thậm chí sang Trung Quốc tiêu thụ. Nguồn ma túy cung cấp cho địa bàn Bắc Kạn chủ yếu là do các đối tượng người địa phương mua ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và tỉnh Sơn La về để sử dụng, sau đó bán để hưởng chênh lệch. Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi và thường xuyên thay đổi phương thức phạm tội, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Các đối tượng phạm tội thường hoạt động theo đường dây khép kín và luôn đem theo hung khí, vũ khí để chống trả khi bị bắt giữ. Thực trạng người nghiện trên địa bàn diễn biến khá phức tạp, loại ma túy người nghiện sử dụng không chỉ có thuốc phiện, Heroine mà còn có cả ma túy tổng hợp, ma túy đá, cỏ Mỹ, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã xảy ra một số vụ việc mất an ninh trật tự do đối tượng nghiện phê cỏ Mỹ, phê ma túy tổng hợp thực hiện. Qua công tác quản lý địa bàn, hiện nay không còn hiện tượng người nghiện sử dụng ma túy công khai tại trung tâm các huyện, thành phố mà chủ yếu diễn ra ở những địa điểm, khu vực vắng vẻ, ít người qua lại. Tình trạng người nghiện ma túy có hành vi vi phạm pháp luật hình sự hàng năm vẫn xảy ra, chỉ tính riêng trong 09 tháng năm 2018 lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã bắt giữ 25 người nghiện ma túy có hành vi trộm cắp tài sản (chiếm 36,8% trong tổng số đối tượng phạm tội trộm cắp)[3]. Số người nghiện tính theo bình quân dân số của tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên chưa hình thành các tụ điểm sử dụng ma túy gây mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân. Theo số liệu thống kê hàng năm, số người nghiện có hồ sơ quản lý tăng, giảm không ổn định, như: năm 2015 có 1.286 người, năm 2016 có 1.261 người, năm 2017 có 1.281 người, năm 2018 có 1.394 người [2], nguyên nhân tăng, giảm được cho là do người nghiện chết, bị bắt, chuyển đi nơi khác hoặc từ địa phương khác đến Bắc Kạn, hết thời gian cai nghiện, tập trung cải tạo trở về địa phương.
Trước đặc điểm và tình hình có liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy, Công an tỉnh (Cơ quan thường trực Phòng chống ma túy) đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành nhiều Chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác này gắn với tình hình thực tế của địa phương, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm; tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở (gọi tắt là BCĐ), thành lập các đoàn kiểm tra do đồng chí Phó trưởng BCĐ làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra toàn diện các mặt công tác phòng chống ma túy ở cơ sở; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và BCĐ cấp huyện tổ chức các hoạt động, triển khai công tác phòng chống ma túy, tháng hành động phòng chống ma túy hàng năm.
Trong công tác tuyên truyền, các ngành, các cấp ở địa phương đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung pháp luật về phòng chống ma túy nói riêng, các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như mở các buổi tuyên truyền trực tiếp, qua các buổi tập huấn, sinh hoạt Câu lạc bộ, tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền về phòng, chống ma tuý, treo băng zôn, áp phích, chiếu phim lưu động vùng cao.
Với vai trò nòng cốt, lực lượng Công an Bắc Kạn đã thường xuyên làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, Chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện công tác phòng, chống ma túy ở địa phương. Chủ động làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm ma tuý. Thường xuyên gọi hỏi răn đe, giáo dục, kiểm điểm số đối tượng có tiền án, tiền sự về ma túy. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an các huyện, thành phố đã bóc gỡ, triệt phá nhiều điểm, ổ nhóm, đường dây hoạt động phạm tội về ma túy. Tính từ năm 2015 đến năm 2018, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn tỉnh đã điều tra, khám phá 485 vụ, 566 đối tượng phạm tội về ma túy. Vật chứng thu giữ, tạm giữ: 80.591,786g heroine, 1.647,624g ma túy tổng hợp, hơn 02 tỷ đồng và nhiều tài sản, đồ vật khác có liên quan[2].
Việc rà soát, phát hiện và triệt xóa trồng cây có chứa chất ma túy trái phép tiếp tục được quan tâm thực hiện. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy, tiến hành kiểm tra, rà soát phát hiện các trường hợp trồng cây có chứa chất ma túy trái phépvà cho ký cam kết không tái phạm.
Việc phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa các ngành về công tác phòng, chống tội phạm - phòng, chống ma túy cũng được chú trọng như: Liên ngành giữa Công an với Hội Cựu chiến binh, với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…các cấp trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để từ đó khắc phục những thiếu sót, nhược điểm và phát huy những ưu điểm để tiếp tục nhân rộng trong công tác phòng, chống ma túy.Nhiều mô hình hay trong phòng ngừa tội phạm và tệ nạn nói chung cũng như tội phạm và tệ nạn ma túy nói riêng đã được phát huy và nhân rộng.
Dự báo trong thời gian tới,tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường; là địa bàn trung chuyển, sẽ có thêm nhiều đường dây vận chuyển ma túy trái phép số lượng lớn; người nghiện ma túy vẫn còn nhiều; công tác cai nghiện và sau cai chưa có hiệu quả, tỉ lệ tái nghiện cao; công tác phối hợp trong đấu tranh còn hạn chế; lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy còn thiếu; không có thiết bị, phương tiện để phát hiện, kiểm tra...Vì vậy, để làm giảm tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới cần làm tốt những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo và ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị và Chương trình mục tiêu Quốc gia Phòng chống ma túy nhằm tạo sự chuyển hơn nữa trong nhận thức về đấu tranh phòng chống ma túy ngay từ cơ sở, từng bước kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tệ nạn ma túy tiến tới làm giảm tội phạm, tệ nạn ma túy, giảm người nghiện, tăng địa bàn xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở và kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể và cá nhân, những mô hình, cách làm hay trong phòng, chống ma túy.
Hai là, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống ma túy nói riêng đến các tầng lớp nhân dân để mọi người thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức, tinh thần trách nhiệm trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Đồng thời phổ biến các phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm cũng như hậu quả tác hại do tội phạm, tệ nạn ma túy gây ra để mọi người biết chủ động phòng ngừa. Phải lựa chọn phương thức, cách thức tuyên truyền, đối tượng tuyên truyền cho phù hợp với đặc điểm đối tượng cần tuyên truyền, địa bàn tuyên truyền. Nhân rộng các mô hình hay, có hiệu quả.
Ba là, Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành của Tỉnh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý người có tiền án, tiền sự về ma túy, công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính bằng biện pháp giáo dục tại xã phường theo Nghị định 111 và công tác cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221 của Chính phủ, công tác quản lý người nghiện sau cai, tạo công ăn việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác điều trị thay thế Mathadone tại Trung tâm bệnh tật xã hội, mở rộng các điểm điều trị tại 8/8 huyện, thành phố có hiệu quả.
Bốn là, tập trung chuyên sâu cho lực lượng phòng chống ma túy, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ; trang cấp phương tiện công cụ phục vụ phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh; có chế độ đãi ngộ cho lực lượng trực tiếp. Triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy. Đặc biệt, cần duy trì sự phối hợp giữa các ngành tư pháp thực hiện tốt công tác điều tra, xử lý tội phạm ma túy, đưa một số vụ án điển hình xét xử lưu động, xử án điểm tại các địa phương nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Năm là, thường xuyên trao đổi thông tin về đối tượng giữa các lực lượng, ban ngành, đoàn thể; nhất là lực lượng Công an cấp xã, phường, thị trấn với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp và gia đình trong việc quản lý, cảm hóa, giáo dục, người nghiện ma túy, người đã cai nghiện ma túy sau khi trở về địa phương, không để họ tái phạm tội, tái nghiện ma túy. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác phòng chống ma túy; tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại cần khắc phục để đề ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tiếp theo.
         
Phòng chống tội phạm và tệ nạn về ma túy vẫn đang là “cuộc chiến” nóng bỏng của nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Hy vọng với những giải pháp nêu trên, công tác phòng chống ma túy tỉnh Bắc Kạn sẽ đạt được nhiều kết quả, góp phần giữ ổn định trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Công an tỉnh Bắc Kạn (2018), Số 983/BC-CAT-PV01, ngày 25/11/2018: Báo cáo Tổng kết công tác Công an năm 2018.
[2] Công an tỉnh Bắc Kạn (2015, 2016, 2017, 2018), Số 3364/BC-CAT-PV11, ngày 25/11/2015; Số 3269/BC-CAT-PV11, ngày 25/11/2016; Số 3651/BC-CAT-PV11, ngày 24/11/2017; Số 983/BC-CAT-PV01, ngày 25/11/2018: Báo cáo Tổng kết Công tác Công an năm 2015, 2016, 2017, 2018.
[3] Công an tỉnh Bắc Kạn (2019), Số 289/BC-CAT-PC02, ngày 17/4/2019: Báo cáo sơ kết 9 tháng thực hiện Kế hoạch số 25/KH-CAT-PC45 ngày 18/6/2018 về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trộm cắp tài sản.
[4] Sở y tế tỉnh Bắc Kạn (2019), Số 22/BC-MMT, ngày 14/01/2019: Báo cáo tình hình điều trị Methadone tỉnh Bắc Kạn tháng 12 năm 2019.

Tác giả: Nguyễn Đồng Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây