Để tránh bị phát hiện, các đối tượng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm từ nước ngoài, nhât slà từ Trung Quốc về Việt Nam chia ra nhiều công đoạn, cung đường ở khu vực biên giới. Các đầu nậu chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa chờ thời cơ huy động “cửu vạn” gùi, cõng qua biên giới qua các đường tiểu ngạch rồi phân tán vào nhà dân, các kho trong khu vực biên giới sau đó hợp lý hóa bằng hóa đơn chứng từ nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển qua biên giới thành công, các đầu nậu lại tìm cách “qua mặt” các lực lượng chức năng bằng phương thức thủ đoạn: chia nhỏ ra, thuê các phương tiện như ô tô con, xe máy hoặc gửi hàng qua các xe khách vận chuyển ban đêm từ Cao Bằng về Hà Nội để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện để mang sâu vào nội địa, khi vận chuyển qua địa bàn tỉnh thì hàng hóa đã có giấy tờ hợp pháp. Để thực hiện thành công hành vi vi phạm như trên, các đối tượng cắt cử người đi quan sát, theo dõi động tĩnh của các lực lượng chức năng, sau đó sử dụng điện thoại di động để thông tin cho nhau để đối phó. Nếu có động tĩnh gì hay gặp phải những “trục trặc” ngoài ý muốn thì ngay lập tức chúng thông báo cho đồng bọn tẩu tán, cất giấu hàng “án binh bất động” chờ thời cơ khác hoạt động.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, các đối tượng thường sử dụng các phương thức như: khai báo sai về tên hãng, mã số thuế, xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá; sửa chữa, giả mạo hồ sơ, chứng từ. Một số doanh nghiệp đã thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, doanh nghiệp không có bảng hiệu, thường xuyên thay đổi trụ sở (địa phương không nắm được), thường xuyên thay đổi tên công ty khi làm thủ tục hải quan để trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, xuất trình hóa đơn, chứng từ chậm hàng hóa nhập lậu trong quá trình kiểm tra để hợp thức hóa đơn chứng từ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hàng hóa, chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Trước sự tấn công quyết liệt của các lực lượng chức năng , các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, được tổ chức chặt chẽ, hoạt động liên tỉnh. Tinh vi hơn, một số đối tượng sử dụng mẫu mã các mặt hàng tiêu dùng ưa chuộng tại Việt Nam rồi đưa ra nước ngoài đặt sản xuất, sau đó vận chuyển qua biên giới vào thị trướng nội địa tiêu thụ. Ngoài ra, chúng còn sử dụng các bao bì, nhãn mác đã được xuất khẩu hàng hóa chính ngạch, sau đó đóng hàng lậu vào để vận chuyển quay lại Việt Nam để tiêu thụ hoặc giả mạo nhãn mác "Made in VietNam".
Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn tỉnh đã chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, áp dụng đồng bộ các biện pháp công tác và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quản lý thị trường, Thuế, Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện xử lý các vụ việc vi phạm. Kết quả trong 09 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện, xử lý 4 vụ/04 bị can về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm", 03 vụ/03 bị can về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, tịch thu 516,2 kg pháo nổ, chuyển cơ quan Quản lý thị trường xử phạt hành chính 02 vụ/02 đối tượng buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu số tiền 50.000.000đ, tịch thu 400 bao thuốc lá điếu nhập lậu; các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 33 vụ/34 đối tượng về các hành vi gian lận thương mại khác.
Dự báo thời gian tới tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn tỉnh xác định phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Chính phủ, BCĐ389 Quốc gia, BCĐ389 tỉnh và Kế hoạch của C03, Giám đốc Công an tỉnh về công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, công tác năm tình hình, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.