Thực hiện theo Nghị định 80, các địa phương đã tích cực vào cuộc, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã hội. Nhiều nơi đã từng bước xoá bỏ định kiến, kỳ thị, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng tái phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Bắc Kạn, năm 2019, số chưa được xoá án tích là hơn 700 người. Xác định, đây là số các đối tượng cần được quan tâm, động viên. Thời gian qua, Công an các địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện để họ có thể quay về cuộc sống đời thường. Đại úy Nguyễn Đình Chinh, Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Bắc Cạn cho biết: “Mặc dù được quan tâm, tạo điều kiện, có các kế hoạch thực hiện Nghị định, hướng dẫn công an các địa phương thực hiện tốt Nghị định 80, tìm ra những các nhân điển hình thực hiện tốt, xong ở Bắc Cạn chưa có một mô hình tái hòa nhập nào, bởi điều kiện kinh tế còn hạn chế, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng ít, sự hỗ trợ vốn của chính quyền cũng chưa có, chưa có nguồn quỹ nào”. Đại úy Nguyễn Đình Chinh biết thêm: trong quá trình thực hiện Nghị định 80/CP của Chính phủ, lực lượng Công an với vai trò là cơ quan tham mưu nhưng cũng gặp nhiều khó khăn vì không có nguồn lực để giúp đỡ những trường hợp tù tha về. Đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn nền kinh tế chưa phát triển, không có công ty, xưởng lớn để có nhu cầu sử dụng nhân công đông đảo cũng như trả lương đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người lao động nên khó tạo công ăn việc làm cho những đối tượng của Nghị định 80, hơn nữa đối tượng tù tha về chủ yếu phạm tội liên quan đến ma túy, trật tự xã hội, trong số đó, những trường hợp tái phạm có liên quan và nghiện ma túy vẫn chiếm tỷ lệ cao dù chính quyền có quan tâm nhưng bản thân người nghiện chưa quyết tâm nên tỷ lệ tái nghiện, tái phạm tội vẫn còn gia tăng, tái diễn, tạo thành cái vòng luẩn quẩn: nghiện ma túy dẫn đến phạm tội - vào tù cai nghiện nhưng ra tù lại tái nghiện và lại phạm tội rồi lại vào tù. Đại úy Chinh chia sẻ: từ thực tế là năng suất lao động và hiệu quả lao động của bà con còn thấp, nghị lực, quyết tâm để nâng cao hiệu quả công việc còn sự chênh lệch khá lớn đối với bà con ở xuôi, nên để giúp đỡ những đối tượng tù tha về địa phương hòa nhập với cộng đồng, lực lượng Công an không chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhất mà còn phải cùng với các ban ngành đoàn thể gần gũi, động viên những đối tượng này.
Để những người tái hòa nhập cộng đồng có công ăn việc làm, phát triển kinh tế cần sự chung tay của nhiều ban ngành, lực lượng Công an đã tạo điều kiện cho người tái hòa nhập cộng đồng làm chứng minh thư, hộ khẩu, phân công cho những cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư thường xuyên theo sát họ, lực lượng Công an xã gần gũi những đối tượng này để giúp họ sớm trở về cuộc sống lao động với cộng đồng. Thấy được những khó khăn trong việc xây dựng các mô hình đưa người tái hòa nhập cộng đồng trở về địa phương, nên lực lượng thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Bắc Kạn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cơ quan đoàn thể tổ chức xã hội, tập thể, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ việc quản lý giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; xây dựng ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao nhận thức xã hội, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chấp hành xong án đối với bản thân và xã hội, từ đó tạo cho ý thức chấp hành pháp luật, ý thức nghĩa vụ của công dân khi trở về với cộng đồng giúp người chấp hành xong án vượt qua mặc cảm tự ti đối với quá khứ lỗi lầm nâng cao ý thức cộng đồng, ý thức tự giác tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu trong học tập lao động để hòa nhập cộng đồng. Trung tá Luân Lưu Tuyến – Phó Trưởng Công an huyện Chợ Đồn, người luôn theo sát, quản lý và hướng dẫn những trường hợp tù tha trở về địa phương chia sẻ: “Chúng tôi làm thủ tục ban đầu tiếp nhận, gặp gỡ, trực tiếp trao đổi với họ xem họ có nguyện vọng gì, địa phương tạo điều kiện ban đầu để tái hòa nhập cộng đồng trước, vận động các tổ chức, đoàn thể làm gương để giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng”
Đến thời điểm hiện tại, Bắc Kạn vẫn chưa có nguồn quỹ riêng cho hoạt động giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng nhưng không vì thế mà các trường hợp tù tha trở về địa phương không nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các lực lượng chức năng. Bảo lãnh, giới thiệu tới các tổ chức tín dụng cho vay vốn sản xuất kinh doanh hay tạo điều kiện về mặt thủ tục, hồ sơ, giấy tờ hoặc thường xuyên gặp gỡ, động viên kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương là những việc đang được lực lượng Công an, các hội đoàn ở tỉnh Bắc Kạn thực hiện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những trường hợp ngườichấp hành xong án phạt trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.