Ngày 26/2/2020, Chị H. T. H, 36 tuổi, trú tại phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn đến Công an thành phố Bắc Kạn trình báo về việc bị một nhóm đối tượng lừa đảo hơn 200 triệu đồng qua mạng xã hội facebook. Theo đơn trình báo, vào khoảng cuối tháng 1 năm 2020, chị H được một tài khoản facebook tên là Patrick gửi lời kết bạn facebook. Sau đó người này lập tức nhắn tin và giới thiệu là sống tại Luân Đôn – Vương quốc Anh. Qua một thời gian trò truyện, ngày 29/1/2020 người này ngỏ ý muốn tặng quà cho chị H gồm: Đồ trang sức và một số tiền USD, chị H đã đồng ý. Ngay buổi sáng này hôm sau, chị H nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là Nguyễn Thị Cúc công tác tại chi Cục Hải quan báo là quà đã đến sân bay Nội Bài và yêu cầu chị H chuyển tiền trả phí máy bay vận chuyển, phí rửa tiền và phí dịch vụ. Vì tin tưởng tuyệt đối vào Nguyễn Thị Cúc, chị H đã chuyển 05 lần tiền cho các số tài khoản khác nhau với tổng số tiền là 233 triệu đồng. Khi phát hiện bị lừa thì tiền đã mất, những người chị tin tưởng cũng không còn liên lạc được.
Lừa đảo qua mạng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội facebook không còn là chiêu thức mới của các nhóm đối tượng lừa đảo. Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, nhưng nhiều vụ lừa đảo vẫn liên tiếp xảy ra. Hầu hết các nhóm đối tượng lừa đảo đều lợi dụng sự thiếu hiểu biết và lòng tham của người dân để thực hiện hành vi. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lưu Văn Vinh – Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh để thông tin đến bạn đọc để đề cao cảnh giác tránh tiền mất, tật mang.
PV: Thưa đồng chí, được biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xảy ra một số các vụ việc người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, với giá trị tài sản lớn. Ở Bắc Kạn, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo có gì mới?
Thượng tá Lưu Văn Vinh: phương thức không có gì mới, tuy nhiên các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân. Sử dụng các số điện thoạt giả mạo hoặc gần giống với số điện thoại của cơ quan chức năng để gọi điện đến số người dân, sử dụng mạng xã hội làm quen, kết bạn có quá tặng gửi đến, sau đó các đối tượng giả danh ngành hải quan cửa khẩu nói có quà tặng gửi, nhưng yêu cầu người gửi gửi 1 số tiền vào tài khoản mới nhận được, hoặc các đối tượng giả danh là cán bộ công an, tòa án, ngân hàng đang điều tra các vụ án về ma túy, rửa tiền.
PV: Khó khăn nào trong công tác xác minh, điều tra các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Bắc Kạn, thưa đồng chí?
Thượng tá Lưu Văn Vinh: Đa số các đối tượng ở các tỉnh khác, thậm chí là ở vùng giáp biên, thậm chí là ở nước ngoài nên trong thực tế công tác điều tra của lực lượng Công an là rất khó khăn, các bị hại cũng không hề biết về các đối tượng này, hầu như nhiều vụ chúng tôi không thể xác định được đối tượng ở đâu, nên công tác điều tra, khám phá là rất phức tạp,
PV: Qua công tác đấu tranh của các đồng chí thời gian qua, đâu là nguyên nhân chính khiến các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Bắc Kạn đã và đang diễn ra thời gian qua?
Thượng tá Lưu Văn Vinh: Theo tôi đánh giá, nhận thức của người dân còn hạn chế, tinh thần cảnh giác chưa cao, các thông tin người dân nhận được hoàn toàn có thể gọi điện đến đường dây nóng để xác minh, nhưng hầu như người dân không xác minh, mà ngay lập tức chuyển tiền vào tài khoản. Khi người dân trình báo đến mà chúng ta phong tỏa được tài sản thì đối tượng cũng đã rút hết tiền rồi. Chính nhận thức của người dân, sự thiếu cảnh giác, đấy là một nguyên nhân để đối tượng lợi dụng lừa đảo
PV: Xin cám ơn đồng chí về cuộc trao đổi này.