Hiệu quả điều trị nghiện ma túy bằng methadone

Thứ sáu - 29/11/2019 04:17
Sau hơn 7 năm triển khai đồng loạt chương trình điều trị nghiện ma túy bằng methadone trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp cho nhiều người nghiện làm lại cuộc đời, ổn định sức khỏe, tinh thần, chất lượng cuộc sống của họ được cải thiện.
Người nghiện đến uống thuốc methadone tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh
Người nghiện đến uống thuốc methadone tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh
Vào những cuối thập niên 80, đầu thập 90 của thế kỷ trước khi các mỏ vàng trên địa bàn tỉnh rộ lên, ông Hà Minh T, thôn Chộc Toòng, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới tham gia đi khai thác vàng, rồi nghiện ma túy. Sống trong khổ cực cả về vật chất lẫn tinh thần, ông đã rất nhiều lần quyết tâm cai nghiện nhưng đều không thành công. Năm 2012 khi chương trình điều trị nghiện ma túy bằng thuốc methadone, ông đã làm đơn xin tham gia. Tại đây ông đã được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe, tư vấn, phát thuốc uống và đến bây giờ sức khỏe của ông đã hồi phục, kinh tế gia đình ổn định, ông T cho thêm: “Trong thời gian tôi nghiện thì gia đình tan nát hết, sức khỏe giảm sút, ốm đau thường xuyên, kinh tế không hộ giúp được gì mà chỉ phá của gia đình thôi, có cái gì là bán đi hết. Sau khi uống thuốc Methadone tôi thấy sức khỏe dần hồi lại, hòa nhập được với cộng đồng, cuộc sống gia đình ổn định, kinh tế ổn định và giờ không còn cảm giác thèm khát ma túy nữa”.
Hiện nay cả tỉnh có 7 cơ sở điều trị là Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn; các huyện Chợ Mới, Chợ Đồn, Na Rì, Ba Bể, Bạch Thông và cơ sở cấp phát thuốc tại thị trấn Nà Phặc. Methadone được sử dụng hoàn toàn qua đường uống, có tác dụng làm giảm thèm muốn và khóa tác động của các chất gây nghiện từ từ nên được coi là giải pháp an toàn cho sức khỏe của người nghiện ma túy, giúp điều trị hiệu quả, cũng như làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C qua đường tiêm chích trong cộng đồng. Sau khi điều trị bằng methadone, người nghiện sẽ giảm dần tần suất sử dụng ma túy hàng ngày. Theo thống kê cho thấy, bình thường người nghiện có tần suất sử dụng ma túy rất cao với 48,5% sử dụng trên 5 lần/ngày, 45,1% sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% người nghiện sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên sau khi điều trị, không có trường hợp nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy tập trung theo nhóm chỉ còn từ 2-3 lần/tháng. Giảm nhu cầu sử dụng về ma túy, giúp cho mỗi người nghiện phục hồi lại sức khỏe, ổn định tinh thần, nhiều người có việc làm và thu nhập ổn định, từ đó số người nghiện có các hành vi bán và cầm cố tài sản, trộm cắp, nói dối hoặc thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm nhanh chóng từ 90,3% xuống 2,27%. Thời gian tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của người nghiện càng cao.
Do đặc thù địa hình tỉnh miền núi nên việc người nghiện tham gia điều trị hàng ngày cũng gặp không ít khó khăn, số người nghiện ma túy cư trú phân tán, trong khi đó các điểm “uống” methadone chưa được triển khai hết trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa, việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện vẫn còn nặng nề nhất là người nghiện nhiễm HIV. Ngoài ra một số người nghiện chưa có ý thức cao trong việc chấp hành các quy định của cơ sở điều trị, họ còn ngại tiếp xúc, không dám tham gia điều trị do sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng. Có người nghiện chưa thực sự hiểu rõ về bản chất và lợi ích của điều trị bằng methadone nên dẫn đến tình trạng bỏ liều còn phổ biến. Hiện nay số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có hơn 1300 người, tuy nhiên số người nghiện vào điều trị bằng methanon tại 7 cơ sở chỉ có gần 700 người, tức là mới huy động đi điều trị được 50% số người nghiện ma túy. Công tác tuyên truyền về lợi ích của điều trị methadone ở nhiều địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhận thức về lợi ích về điều trị methadone của cấp ủy, chính quyền và của cộng đồng chưa cao. Cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi có người nghiện mới, người tái nghiện chưa chủ động động viên, khuyến khích họ tham gia điều trị methadone.
Có thể thấy được rằng việc điều trị bằng methadone đã góp phần hạn chế những “tiêu cực” từ hệ lụy của người nghiện ma túy. Sau một thời gian điều trị bằng cách uống methadone người nghiện đã dễ dàng vượt qua cơn vật ma túy, giảm hoặc không còn ham muốn sử dụng ma túy nữa. Đặc biệt một số cá nhân trong diện chính sách được hỗ trợ 95% chi phí khám và điều trị hàng tháng, số còn lại phải chi trả một phần kinh phí trong các dịch vụ khám và điều trị.
Sau 7 năm triển khai đi vào hoạt động, điều trị bằng methadone đang được đánh giá là phương pháp thiết thực và mang lại hiệu quả nhất trong giảm tác hại đối với người nghiện, giúp cho nhiều người nghiện làm lại cuộc đời, gia đình hạnh phúc, qua đó hạn chế phát sinh nhiều tiêu cực trong xã hội nhất là những vụ việc liên quan đến ANTT. Để tiếp tục giúp đỡ người nghiện vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, gia đình hạnh phúc và giữ gìn cần có sự quan tâm tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, sự đồng thuận tham gia của người nghiện, gia đình người nghiện…góp phần làm ổn định tình hình ANTT trên địa bàn.
 
 
 

Tác giả: Bá Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây