Thời gian qua, không chỉ riêng ở tỉnh ta mà nhiều địa phương khác, đã có một số người bị các đối tượng mạnh danh là cán bộ công an, thủ trưởng cơ quan điều tra gọi điện đến thông báo số tài khoản, sổ tiết kiệm, tiền...của mình có liên quan đến đường dây tội phạm hoặc vi phạm pháp luật, chúng yêu cầu chủ thuê bao gửi tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Có trường hợp đối tượng điện thoại thông báo chủ thuê bao trúng thưởng hoặc được nhận quà có giá trị...yêu cầu gửi cho chúng một “khoản phí” để nhận tiền, quà. Thực tế, đây là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều người đã mắc mưu, chuyển tiền cho chúng, thậm chí là số tiền lớn.
Vào sáng ngày 3/10/2017, bà P.T.C trú tại tổ 9B, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn nhận được một cuộc điện thoại vào máy bàn ở nhà. Bên kia đầu dây một người đàn ông tự xưng tên là Nguyễn Thanh Bình, Trung tá, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Kạn. Qua điện thoại, người này nói hiện đang phối hợp với Cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra xử lý một vụ án, trong đó có liên quan đến số tiền và tài khoản của bà C tại Ngân hàng. Đối tượng nói tài khoản của bà C đã đánh cắp, nếu không muốn mất tiền bà C phải rút ngay số tiền trong tài khoản của mình và gửi vào số tài khoản do đối tượng cung cấp cho bà C (là tài khoản có tên Bùi Văn Hiệp, số 016866981390 tại ngân hàng Viettinbank, chi nhánh huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh). Theo như lời đối tượng thì đây là tài khoản của Bộ Công an để tạm giữ số tiền của bà C phục vụ cho công tác điều tra, nếu sau khi điều tra làm rõ số tiền không liên quan đến tội phạm thì sẽ trả lại cho bà C...Quá tin tưởng vào lời đối tượng, bà C đã đến Ngân hàng rút toàn bộ số tiền tiết kiệm hơn 1 tỉ đồng của mình và gửi vào số tài khoản do đối tượng cung cấp. Tuy nhiên sau khi gửi tiền được vài phút, do nghi ngờ bị lừa đảo bà C đã yêu cầu phong tỏa số tài khoản mà mình vừa gửi tiền vào và đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh trình báo sự việc.
Qua xác minh, đối tượng đã mạo danh là người của cơ quan Công an điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn để gọi điện và đưa ra nhiều thông tin làm cho bà C tin tưởng gửi tiền cho chúng. Thực tế Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Kạn hiện nay không phải tên Nguyễn Thanh Bình, mặt khác không có Cơ quan điều tra nào lại yêu cầu bị hại gửi tiền vào tài khoản như đối tượng nói. Đây chính là một thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà các đối tượng tội phạm thường sử dụng để đánh vào tình cảm, tâm lý cả tin, hãm vật chất hoặc lo lắng vì vi phạm pháp luật của bị hại (do đối tượng tự bịa ra và nói qua điện thoại)... để bị hại gửi tiền vào tài khoản của bọn chúng. Sau khi tiền của bị hại được chuyển đến tài khoản của chúng, chúng rút ra và chiếm đoạt. Không loại trừ đối tượng đã sử dụng thủ đoạn và số tài khoản nói trên để lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người khác. Trường hợp của bà C nói trên, do cảnh giác và kịp thời báo phong tỏa tài khoản của đối tượng nên bà C còn giữ lại được tiền của mình. Hiện Cơ quan Công an đang điều tra làm rõ vụ lừa đảo này, nếu ai là bị hại hoặc có thêm thông tin về vụ việc trên thì liên hệ với Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Kạn (điện thoại 069.2549284) để giúp làm rõ hành vi lừa đảo của đối tượng.
Một hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác, như trường hợp của anh H.V.T ở xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, vào ngày 5/10/2017, anh nhận được một cuộc điện thoại từ số thuê bao 0868302814 thông báo mình đã trúng thưởng 200 triệu và 1 xe máy trị giá 37 triệu. Qua điện thoại đối tượng yêu cầu anh T mua thẻ cào điện thoại với tổng trị giá là 3 triệu và đọc mã thẻ điện đã mua cho đối tượng để làm thủ tục nhận thưởng. Sau khi đã chuyển toàn bộ mã thẻ cho đối tượng, anh T liên lạc lại với số thuê bao nói trên thì không liên lạc được.
Trường hợp khác, chị H.T.T ở xã Vũ Loan, huyện Na Rì, qua mạng xã hội facebook chị quen một nickname có tên nước ngoài và thường xuyên “chát” với nhau. Qua những lần “chát”, chủ nicname này hứa sẽ gửi tiền và đồ đắt tiền từ nước ngoài về tặng chị T. Đến giữa tháng 9/2017, đối tượng gọi điện cho chị T nói có gói quà từ nước ngoài gửi về cho chị hiện đang ở tại sân bay Tân Sơn Nhất, yêu cầu chị gửi 11 triệu đồng vào tài khoản (do đối tượng cung cấp) để làm “thủ tục” nhận quà. Sau khi chị T gửi 11 triệu cho đối tượng, đối tượng lại điện và yêu cầu chị T gửi thêm 46 triệu nữa vào tài khoản để giải quyết. Đến ngày 25/9/2017, qua điện thoại đối tượng thông báo cho chị T biết trong gói quà có nhiều vàng và đô la, đề nghị chị gửi thêm 114 triệu vào tài khoản để chạy làm thủ tục nhận quà. Chị T lại tiếp tục làm theo lời đối tượng. Ba ngày sau, đối tượng tiếp tục điện cho chị T báo chưa nhận được 114 triệu mà chị T đã gửi hôm trước và đề nghị chị gửi lại 114 triệu vào một tài khoản khác. Chị T tiếp tục làm đúng như lời đối tượng nói. Như vậy, chị T đã 4 lần gửi tiền cho đối tượng với tổng cộng 285 triệu đồng. Cho đến nay, gói quà mà đối tượng nói tặng chị T thì chẳng thấy đâu, còn các số tài khoản mà chị T gửi tiền vào thì đã bị “đóng băng”.
Để phòng ngừa những thủ đoạn lừa đảo như trên, mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe những cuộc điện thoại với nội dung tương tự, những tin nhắn thông báo trúng thưởng, những yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản hoặc qua thẻ cào điện thoại... từ những người không quen biết. Khi có những dấu hiệu nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời xác minh, làm rõ.