Công tác kiểm tra, giám sát có hoàn thành và đạt chất lượng tốt hay không, trách nhiệm thuộc về cấp ủy, mà trước hết thuộc về đồng chí bí thư, sau đó là các đồng chí trong cấp ủy. Để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo công tác kiểm tra giám sát, theo hướng dẫn của Đảng ủy Công an tỉnh,cấp ủy phải có nghị quyết lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát; có phương hướng, xác định rõ trọng tâm và chỉ đạo, đôn đốc công tác kiểm tra, giám sát đảng viên theo đúng quy định; theo dõi đôn đốc cấp ủy viên được giao phụ trách công tác kiểm tra, giám sát…
Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát của một số chi bộ thời gian qua cho thấy vai trò của cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát còn mờ nhạt, còn những hạn chế nhất định làm giảm hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Đáng chú ý, nhận thức của một số cấp ủy chưa đầy đủ về công tác kiểm tra, giám sát hoặc không phân định được nội dung của công tác kiểm tra với nội dung công tác giám sát; thiếu chỉ đạo trong công tác chuẩn bị, triển khai nhiệm vụ, ban hành quyết định kiểm tra, giám sát; cấp ủy viên được giao phụ trách công tác kiểm tra, giám sát chưa phát huy hết vai trò của mình, mới chỉ tham gia ý kiến trong các cuộc họp cấp ủy mà chưa chủ động chỉ đạo, báo cáo công tác kiểm tra, giám sát với cấp ủy
Từ góc nhìn vai trò của cấp ủy chi bộ, để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, trước hết, cấp ủy chi bộ cần nắm vững công tác tổ chức của Đảng, hiểu sâu nguyên tắc tổ chức và lãnh đạo của Đảng; đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy chi bộ. Có như vậy thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra mới đúng hướng, đúng nội dung, có trọng tâm. Bên cạnh đó, cấp ủy phải nắm vững về công tác kiểm tra, giám sát – một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng và là một trong ba nội dung mà cấp ủy phải thực hiện (tổ chức, tuyên huấn, kiểm tra). Muốn nắm vững được công tác tổ chức và công tác kiểm tra giám sát của Đảng thì cấp ủy phải tập trung học tập, nghiên cứu trước hết là Điều lệ Đảng, các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác tổ chức và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; đồng thời, tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên sâu do cấp trên tổ chức.
Căn cứ vào nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng ủy Công an tỉnh và cấp ủy chi bộ, cấp ủy xây dựng và chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể sát hợp với nhiệm vụ chính trị của chi bộ; chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm để xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả, đảm nguyên tắc của Đảng song không rườm rà, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến công tác của cán bộ, đảng viên.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cấp ủy viên theo tững lĩnh vực được phân công. Đặc biệt là, cấp ủy viên được giao phụ trách công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên cũng như định kỳ báo cáo cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát; chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và cùng với tập thể cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy cộng đồng trách nhiệm, phát huy trí tuệ tập thể nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của chi bộ.