Trong năm 2021, Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh đã phát hiện điều tra và làm rõ 24 vụ việc với 20 đối tượng, 01 tổ chức vi phạm về lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, nộp ngân sách Nhà nước số tiền 432 triệu đồng.
Những tháng đầu năm 2022 đặc biệt là thời điểm trước dịp Tết Nguyên đán tình hình tội phạm trên lĩnh vực kinh tế thường có diễn biến phức tạp. Việc lợi dụng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng tăng cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán…các đối tượng đã đẩy mạnh hoạt động vận chuyển, mua bán hàng lậu, hàng cấm như: pháo nổ, thuốc lá, rượu, động vật hoang dã, các mặt hàng nhu yếu phẩm. Để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với loại tội phạm này, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm hạn chế tối đa sự gia tăng của loại tội phạm này.
Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa lưu thông trên tuyến, địa bàn. Kịp thời ngăn chặn các tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh, phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất sứ. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng hóa trái phép, nhập lậu. Điển hình như, ngày 16/9/2021, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã bắt giữ và khởi tố hai đối tượng Lê Văn Lưu, sinh năm 1991 và Hồ Đăng Ánh, sinh năm 1994, cùng trú tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An về hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép 04 cá thể tê tê sống, có tổng trọng lượng 25,4 kg.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, trốn thuế, buôn lậu và gian lận thương mại. Tập trung đấu tranh mạnh với các hành vi lợi dụng thực hiện chính sách để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái phép cát, đá, sỏi, đất sét; vi phạm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lập phương án đấu tranh, không để hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm kinh tế phức tạp.
Tuy nhiên, việc đấu tranh, xử lý tội phạm kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn nhất là dịp Tết Nguyên đán cận kề. Các đối tượng hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng lậu ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Tội phạm và vi phạm về lĩnh vực kinh tế đa phần là những người có trình độ, kiến thức về pháp luật cũng như chuyên ngành, lĩnh vực mà họ kinh doanh hay đảm nhận. Khi bị phát hiện, điều tra, các đối tượng tìm mọi cách để thoát tội gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu luôn chủ động, kiên quyết xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến kinh tế, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế…, góp phần ổn định thị trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản suất, kinh doanh chân chính và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng./.