Đợt cao điểm sẽ diễn ra từ nay cho đến hết ngày 31/12/2022, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Cấp căn cước công dân; bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua Dịch vụ công trực tuyến; cấp tài khoản định danh điện tử; công tác tham mưu, triển khai thực hiện bảo đảm các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng từ 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Với mỗi nhiệm vụ cụ thể, Công an tỉnh đều đưa ra các chỉ tiêu cần hoàn thành và thời gian thực hiện.
Xác định rõ đây là mệnh lệnh chiến đấu, là trách nhiệm cũng là danh dự của lực lượng Công an nhân dân trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, vì sự phát triển của đất nước, vì nhân dân phục vụ. Do đó, Công an các đơn vị địa phương cần nâng cao nhận thức, xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Cư trú 2020 liên quan đến quy định về việc Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022; lợi ích, hiệu quả của việc thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, tài khoản định danh điện tử, tài khoản VNeID, thiết bị đọc mã QRcode, đọc chíp trên thẻ CCCD nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính bảo đảm liên thông, minh bạch, thuận lợi khi giải quyết thủ tục đăng ký cư trú, giao dịch dân sự; hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện 07 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú; thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06/CP tại địa phương./.