Đại úy Tùng cho biết, Phòng 3 thực hiện chức năng phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trên một số lĩnh vực: Thanh toán trực tuyến của các ngân hàng và các tổ chức có liên quan, các dịch vụ giá trị gia tăng, các ứng dụng trên nền viễn thông, một số tội phạm sử dụng CNC có yếu tố nước ngoài...
Tội phạm sử dụng CNC là loại tội phạm phi truyền thống, phương thức, thủ đoạn, cách thức hoạt động thay đổi rất nhanh do sự du nhập của tội phạm CNC quốc tế; được lan truyền qua các loại hình phương tiện thông tin hiện đại. Hầu hết đối tượng có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin, thường cảnh giác trong việc che giấu hành vi phạm tội của mình…
Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát PCTP sử dụng CNC nói chung mới được thành lập từ năm 2010, cán bộ chiến sỹ (CBCS) trình độ chưa đồng đều, tuổi đời còn trẻ, thiếu kinh nghiệm…
Đại úy Triệu Mạnh Tùng. |
“Trước những khó khăn như thế, tôi đã cùng cấp ủy, tập thể lãnh đạo phòng định hướng cho CBCS thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của ngành và sáng tạo, phát triển thêm các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ đặc thù để thu thập thông tin liên quan đến hành vi vi phạm của các đối tượng” – anh chia sẻ.
Tốt nghiệp Học viện CSND năm 2007, anh được phân công về công tác tại Cục Cảnh sát Kinh tế. Đến tháng 8 - 2013, anh được điều động sang Cục Cảnh sát PCTP sử dụng CNC và bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng.
Hơn 3 năm qua, anh đã cùng với tập thể đạt được nhiều thành tích, được lãnh đạo các cấp ghi nhận. Điển hình là chuyên án triệt phá ổ nhóm đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, cư trú tại TP Móng Cái, Quảng Ninh điều hành các website tổ chức cho công dân Trung Quốc đánh bạc trái phép qua mạng internet.
“Đây là vụ án mà đơn vị đã trực tiếp phát hiện nguồn tin, thu thập tài liệu có liên quan, đặc biệt là dữ liệu điện tử, kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ trao đổi thông tin với Bộ Công an Trung Quốc xác minh về các đối tượng phạm tội” - anh nói.
Căn cứ đề nghị của Bộ Công an Trung Quốc, hai bên đã đồng loạt tổ chức phá án cùng một thời điểm. Phía Việt Nam bắt giữ 28 đối tượng người Trung Quốc, thu giữ toàn bộ tang vật máy tính, điện thoại, sổ ghi chép.
Phía Trung Quốc đã triển khai phá án trên địa bàn 28 huyện, thành phố thuộc 13 tỉnh; bắt giữ 119 đối tượng, thu giữ 463 máy chủ, phong tỏa 850 tài khoản với số tiền 264 triệu nhân dân tệ (tức gần 800 tỷ đồng). Công an tỉnh Giang Tô, Trung Quốc được giao khởi tố vụ án, đã bắt giam tổng cộng 147 bị can.
Qua đấu tranh sơ bộ, các đối tượng khai nhận sử dụng gần 1.000 tài khoản ngân hàng để nhận và thanh toán tiền đánh bạc, với số tiền hơn 410 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.200 tỷ đồng). Với thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, đấu tranh chuyên án này, Đại úy Triệu Mạnh Tùng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Chuyên án bắt giữ 7 đối tượng người Hàn Quốc thiết lập tổng đài VOIP lừa đảo chiếm đoạt tiền của công dân Hàn Quốc cũng là chiến công mà anh cùng đồng đội khám phá.
“Từ nguồn tin của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, tôi đã chỉ đạo CBCS tập trung làm rõ ổ nhóm tội phạm do 2 đối tượng truy nã quốc Quốc tịch Hàn Quốc là Kwagl Kyung Soo và Kim Do Young cầm đầu.
Nhóm đối tượng này cùng 5 đối tượng khác người Hàn Quốc thuê phòng tại một khách sạn trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh để thiết lập tổng đại VOIP gọi điện về Hàn Quốc lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các đối tượng lập ra các trang bán hàng trực tuyến giá rẻ, khi người mua liên hệ thì cho số tài khoản ngân hàng để đặt cọc. Ngay sau khi bị hại chuyển tiền thì chúng rút ra và chiếm đoạt. Nhóm này đã lừa đảo gần 1.800 bị hại với số tiền khoảng 4 tỷ WON, tương đương 80 tỷ đồng.
Kết quả điều tra khám phá chuyên án này, Đại úy Triệu Mạnh Tùng được Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc tặng Kỷ niệm chương, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen.
Anh cũng tham gia chỉ đạo khám phá chuyên án làm rõ đối tượng tấn công, đánh cắp hàng chục Gb dữ liệu của một sân bay lớn ở nước ngoài. Cục Cảnh sát PCTP sử dụng CNC sau đó đã phối hợp Cơ quan điều tra bắt giữ, khám xét nơi ở của đối tượng; qua đó thu được nhiều thông tin của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp trong nước bị đối tượng truy cập trái phép và đánh cắp dữ liệu, trong đó có những cơ quan quan trọng... Anh đã tham mưu đề xuất kịp thời thông báo cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp có phương án nâng cao hệ thống bảo mật thông tin, khắc phục hậu quả.
Đại úy Tùng tâm sự, dù không được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin nhưng đây là lĩnh vực hấp dẫn, có nhiều cái mới, là điểm nóng mà lực lượng Cảnh sát PCTP sử dụng CNC cần thiết phải có biện pháp đầu tư nghiên cứu thích đáng để theo kịp với tình hình thế giới.
Từ sự đam mê, anh đã tự tìm tòi nghiên cứu, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ được đào tạo để đưa ra những giải pháp hiệu quả. “Bản thân tội phạm CNC là ngành khó, đặc thù tài liệu chứng cứ có thể được xoá đi rất nhanh, công tác bảo quản tài liệu cũng gặp khó khăn... Do đó cán bộ lúc nào cũng phải chịu khó tư duy để tìm ra điểm đột phá trong từng vụ án”.
Anh cũng cho rằng, đối với các đoàn viên trẻ công tác trong lĩnh vực này cần cố gắng xây dựng mối quan hệ với các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT để hỗ trợ mình trong công tác chuyên môn.
Ngoài sự đam mê, các trinh sát cần nghiên cứu sâu đặc điểm tình hình, phương thức của các loại tội phạm, từ đó khi được giao các chuyên án thì như được vạch sẵn đường, áp dụng hiệu quả vào công việc được giao…
Tác giả: Quỳnh Vinh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn