Phụ nữ công an trực tiếp tham gia “đánh án”, nếu không say nghề, không đam mê thì khó có thể gắn bó và thành công với công việc đã lựa chọn - Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Phòng phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử (Phòng 4), C50 - Bộ Công an tâm sự...
1. Phải mất khá nhiều thời gian, thông qua các đồng nghiệp, chúng tôi mới tìm được tấm ảnh hiếm hoi có mặt Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng đang tham gia khám xét một vụ án do chị chỉ đạo. Trung tá Hằng cười bảo, khi đã bước vào “trận đánh” thì chỉ nghĩ đến công việc, làm sao đảm bảo các bước phá án an toàn, hiệu quả như kế hoạch đã được phê duyệt, chứ chẳng nghĩ đến việc ghi hình để tuyên truyền. Thế nên ở đơn vị, nhiều khi các thủ trưởng vẫn nhắc chị, làm được mà không “nói” thì ai biết được thành tích của mình?
Đức tính “làm nhiều, nói ít” của chị được hình thành từ sự kiên nhẫn, ham học hỏi và thận trọng trong giải quyết các vụ việc liên quan đến pháp luật. Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng tâm sự, chị theo học ngành kiểm sát, ra trường công tác tại một viện kiểm sát 8 năm liền. Sau khi hoàn thành chương trình cao học tại Học viện Cảnh sát, chị mới chính thức vào lực lượng Công an, công tác tại Phòng Thanh tra pháp luật - Cục C16 (sau là Văn phòng Cơ quan CSĐT) và Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng - đại biểu đại diện phụ nữ tiêu biểu của Bộ Công an được tuyên dương trong ĐH Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. |
Với kiến thức, kinh nghiệm nhiều năm giải quyết, thẩm định hồ sơ các vụ án nên chị đáp ứng nhanh công việc mới và được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ trong điều tra chuyên án, hỏi cung một số nhân vật đình đám trong các vụ “đại án” về kinh tế, điển hình như vụ Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên giám đốc BQL dự án Đại lộ Đông - Tây nhận hối lộ, vụ Trần Xuân Đính - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng miền Trung (Cosevco)...
Năm 2010, sau khi được bổ nhiệm phó phòng và giao nhiệm vụ công tác tại Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng lại bước vào những thử thách mới khi đối tượng đấu tranh ở một lực lượng mới thành lập hoàn toàn mới mẻ, nhiều điểm khác biệt so với tội phạm “truyền thống” trước đây. Sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện các hành vi phạm tội, hoạt động trên không gian mạng nên tội phạm công nghệ cao đa phần ẩn danh, sử dụng những thông tin ảo, gây khó khăn cho cơ quan Công an trong việc điều tra, xác định “người thật - việc thật”.
Hơn nữa, đối tượng gây án thường có trình độ cao, rất giỏi về công nghệ thông tin. Không có kiến thức về công nghệ thì khó có thể đấu tranh, buộc đối tượng thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, Trung tá Hằng vừa làm, vừa học hỏi kiến thức về công nghệ thông tin từ chính đối tượng đang đấu tranh, từ những đồng nghiệp trẻ được đào tạo chính quy về công nghệ. Sự ham học cộng với kinh nghiệm sẵn có trong nghề kiểm sát và điều tra nên các vụ án có sự tham gia, chỉ đạo của Trung tá Hằng đều đảm bảo các yêu cầu về pháp luật và nghiệp vụ, đã chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra là khởi tố.
Phụ nữ “đánh án”, nếu không đam mê nghề nghiệp thì khó có thể trụ được với nghề và giỏi nghề. Trung tá Hằng đã tự đúc kết như vậy khi chị kể những vụ án mà để điều tra, tìm ra những kẻ phạm tội giấu mặt trên mạng Internet, chị và đồng đội xa nhà cả tháng, di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Nửa đêm, khi cả gia đình đã ngủ say, chị lại mày mò trên mạng theo dõi từng động tĩnh của đối tượng xuất hiện trên mạng xã hội, đọc kỹ từng comment để nhận định, đánh giá xem đối tượng đang ở khu vực nào, đang làm gì... để tổng hợp tình hình.
“Tội phạm công nghệ cao đa phần rất thông minh, thậm chí nhiều đối tượng là tài năng về công nghệ thông tin nhưng bị tác động, lôi kéo vào con đường phạm tội. Nếu gia đình, nhà trường có sự định hướng cho các em ngay từ đầu về chuyên môn cũng như pháp luật thì đây sẽ là tài năng thực sự cống hiến cho xã hội” - đây là những suy nghĩ luôn khiến Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng trăn trở, day dứt sau mỗi vụ việc.
2. Đầu năm 2015, trong bối cảnh không ít người mê muội lao vào đầu tư, kinh doanh vàng tài khoản trên mạng Internet, vụ việc C50 Bộ Công an phối hợp Công an Hà Nội triệt phá ổ nhóm kinh doanh trái phép vàng tài khoản, vàng miếng xảy ra tại Công ty Cổ phần kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (địa chỉ tầng 8 tòa nhà 165 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) đã kịp thời cảnh tỉnh nhiều người dân trước mánh khóe chiếm đoạt tài sản mới của tội phạm công nghệ cao, đồng thời thu hồi hiệu quả tài sản cho người bị hại.
Đồng loạt khám xét trụ sở chính của Công ty IG tại Hà Nội, chi nhánh công ty tại Hải Dương, Thanh Hóa và nhà ở của các đối tượng, cơ quan Công an đã đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, thu giữ số lượng lớn tang vật gồm 1,49 tỷ đồng tiền mặt, 1.025 tỷ đồng tiền trong tài khoản, 276 lượng vàng miếng SJC, 8kg vàng trang sức các loại, 35 máy tính xách tay, 6 CPU, 3 két sắt cùng nhiều hợp đồng ủy quyền, giấy tờ tài liệu liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Căn cứ kết quả đấu tranh và tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp, tạm giữ 9 đối tượng chủ chốt tham gia trong ổ nhóm tội phạm này.
Kể lại quá trình triệt phá sàn vàng “ảo” này, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, những ngày đầu sau khi nắm được thông tin về hoạt động bất hợp pháp của Công ty IG, được sự đồng ý của lãnh đạo Cục C50, chị (lúc đó là Phó phòng 3 - C50) đã trực tiếp xác minh. Vào thời điểm trên, C50 cũng đã phối hợp Công an các địa phương xử lý một số công ty kinh doanh trái phép vàng tài khoản trên mạng nên các đối tượng hoạt động sau đã rút được nhiều kinh nghiệm đối phó với cơ quan Công an.
Do các đối tượng đổi trụ sở chính liên tục nên để thu thập tài liệu về tổ chức, hoạt động của công ty, Trung tá Hằng phải xuống chi nhánh của công ty ở Hải Dương nắm tình hình. Trong nhiều ngày liền, cứ hành trình sáng đi Hải Dương, tối về Hà Nội, tham gia tất cả các cuộc hội thảo do các đối tượng tổ chức nhằm lừa bịp, lôi kéo các nhà đầu tư thiếu hiểu biết, tiếp cận được hầu hết các đối tượng chủ chốt của công ty, qua đó chị đã nắm được toàn bộ phương thức hoạt động của chúng, thu thập tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Đồng thời, chị tranh thủ làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để xác minh, làm rõ hoạt động của công ty đã vi phạm những quy định nào. Từ đó, tổng hợp, đánh giá tính chất vụ việc để lập kế hoạch đấu tranh, xử lý hình sự. Sau khi sàn vàng “ảo” IG bị đánh sập, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản cơ bản đã chấm dứt.
Đây chỉ là một trong hàng chục chuyên án lớn đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của người dân mà Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo đấu tranh. Bên cạnh việc triệt phá các ổ nhóm, đường dây hoạt động kinh doanh vàng tài khoản trái phép, “thương hiệu” của nữ trưởng phòng đơn vị chuyên trách phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử còn gắn liền với việc chủ động phát hiện và đấu tranh, triệt xóa các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng mới lừa đảo người dân.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng cùng gia đình trong buổi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Học viện Cảnh sát. |
Điển hình như vụ phối hợp Công an Hà Nội triệt xóa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng của các đối tượng trong Công ty Cổ phần thương mại Diamond Holiday thông qua thủ đoạn kinh doanh du lịch đa cấp qua mạng Internet. Đây là một trong những vụ án đầu tiên về hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam mà lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã điều tra, khám phá thành công trong bối cảnh hầu như lực lượng công an chưa có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với loại tội phạm mới này.
Từ việc khám phá thành công vụ án này, Trung tá Hằng cùng lực lượng cảnh sát công nghệ cao đã tiếp tục truyền đạt, hướng dẫn kinh nghiệm cùng các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương tiếp tục khám phá hàng loạt các doanh nghiệp có hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, cuối năm 2015, qua công tác nắm tình hình, Trung tá Hằng phát hiện tại một số địa phương xuất hiện loại hình câu lạc bộ hoạt động dưới danh nghĩa từ thiện nhưng hình thức thì như đa cấp, lôi kéo hàng nghìn người tham gia. Lợi dụng lòng hảo tâm, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam, các đối tượng kinh doanh đa cấp biến tướng đã tự thành lập các quỹ từ thiện, sử dụng một số ít hình ảnh đi làm từ thiện tại một số chùa chiền và vùng sâu, vùng xa... nhằm khuếch trương thanh thế, dụ dỗ những người dân ít thông tin ở các vùng nông thôn tham gia.
Để lôi kéo được nhiều người, các đối tượng đưa ra chính sách chi trả tiền hoa hồng cho những ai giới thiệu được người mới. Đánh trúng vào tâm lý vừa làm từ thiện giúp người, lại được hưởng lãi suất, rất nhiều người tham gia vào mô hình mà không nhận ra sự thật là các đối tượng chi trả tiền hoa hồng rất nhanh chóng, dễ dàng bằng chính khoản tiền đóng góp của người tham gia, còn hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng chỉ thực hiện nhỏ giọt.
Sau khi nắm được thủ đoạn mới trên, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng đã triển khai phối hợp công an các địa phương nhanh chóng xác minh, điều tra và xử lý mô hình đa cấp biến tướng này ở địa phương. Điển hình như phối hợp Công an Bắc Ninh điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phùng Văn Tuấn, kẻ cầm đầu thành lập website “nhandaoanhminh.com” tổ chức quỹ từ thiện trái phép, hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền của người sau trả cho người trước.
Phối hợp Công an Hải Dương đấu tranh làm rõ các dấu hiệu sai phạm của giám đốc Công ty Cổ phần An Sinh và phát triển cộng đồng Việt Nam tại Hải Dương, có dấu hiệu lợi dụng hoạt động từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua xử lý 2 vụ việc trên, năm 2016, tình trạng lợi dụng hoạt động từ thiện để núp bóng kinh doanh đa cấp biến tướng tạm thời chấm dứt.
3. Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ, những thành tích mà chị đạt được, ngoài sự giúp đỡ, chung tay của đồng nghiệp là một nền tảng truyền thống gia đình, hậu phương vững chắc để chị yên tâm công tác và phấn đấu. Người cha đáng kính của chị - Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Duy Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân thời kỳ 1990-2005 là tấm gương lớn trong gia đình. Ông vừa là cha, vừa là người thầy luôn bên cạnh chỉ bảo, dìu dắt chị trong công việc chuyên môn, động viên, cổ vũ chị vượt qua mọi khó khăn.
Chị hào hứng kể rằng, có lẽ sinh ra trong một gia đình có truyền thống về giáo dục, học tập như vậy nên bên cạnh công tác chuyên môn, chị luôn ý thức sắp xếp thời gian, công việc và gia đình để tiếp tục học tập nâng cao trình độ, kiến thức cho bản thân. Ngoài bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Học viện Cảnh sát nhân dân, trong thời gian 7 năm công tác tại lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, chị còn hoàn thành 2 văn bằng đại học chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng và Kinh tế chính trị. Đây là những kiến thức quan trọng đối với một người chỉ huy đơn vị chuyên trách đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử như chị.
Trên cương vị Chủ tịch Hội phụ nữ C50, Thường vụ - Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ Tổng cục Cảnh sát, với bề dày thành tích chuyên môn và những cống hiến cá nhân, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng vinh dự là gương mặt đại diện cho phụ nữ Bộ Công an được bầu chọn 1 trong 100 phụ nữ tiêu biểu được tuyên dương trong Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.
Hương VũNguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn