Anh là Thượng sĩ Hoàng Trung Tiến, Đội Truy bắt, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Lạng Sơn.
Đúng hẹn, 14h một ngày đầu tuần, tôi gặp Thượng sĩ Hoàng Trung Tiến ở trụ sở Phòng PC52, Công an tỉnh Lạng Sơn. Trong gian phòng làm việc đơn sơ của Đội Truy bắt, Thượng sĩ Tiến khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thượng sĩ Tiến có ngoại hình rắn rỏi với đôi mắt khá lanh lợi.
Trò chuyện, chúng tôi được hay, Tiến mới trở về đơn vị sau gần 1 tuần đi địa bàn. Vâng! Đã là lính “tầm nã”, nhất là ở nơi mà có hơn 200km đường biên như tỉnh Lạng Sơn, thì việc “bám bản”, gần dân để nắm bắt thông tin về tội phạm đã thành công việc thường ngày của các anh.
Cũng chính sự gắn kết với địa bàn, chủ động phân tích thông tin, đề xuất kịp thời kế hoạch vây bắt, nên thời gian qua, Thượng sĩ Tiến cùng đồng nghiệp đã “tung lưới”, “cất vó” nhiều đối tượng trốn nã mà nghe qua, ít ai nghĩ rằng, sẽ có ngày số đối tượng này lại bị bắt, khi mà thời gian các đối tượng lẩn trốn lên đến hơn 20 năm.
Vụ bắt giữ Bùi Văn Chính (SN 1962, ở huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) là một điển hình. Nghe Thượng sĩ Tiến kể về hành trình vây bắt Chính, chúng tôi càng thêm thán phục trước tinh thần đấu tranh, “tầm nã” của anh nói riêng và tập thể cán bộ chiến sĩ Phòng PC52 nói chung. Tính đến thời điểm bị bắt giữ, Chính đã trốn nã được hơn 24 năm.
Vào một ngày cuối năm 1991, do mâu thuẫn trong quá trình sử dụng đất, Chính đã sử dụng súng quân dụng bắt chết anh C.T.T. ở huyện Lộc Bình. TAND tỉnh Lạng Sơn sau đó đã tuyên phạt Chính 9 năm tù giam. Ngày 25-3-1992, trong quá trình thụ án, Chính đã trốn khỏi nơi giam giữ. Lệnh truy nã đặc biệt sau đó được phát ra. Ngay lập tức, lực lượng “tầm nã” Công an tỉnh Lạng Sơn được tung đi các địa bàn để vây bắt đối tượng. Tuy nhiên, với bản tính ranh mãnh, có mối quan hệ phức tạp ngoài xã hội nên hễ thấy động, Chính lại lặn mất tăm.
Thượng sĩ Hoàng Trung Tiến. |
Với quyết tâm bắt Chính cho kỳ được, đầu năm 2015, hồ sơ vây ráp đối tượng tiếp tục được xây dựng. Thượng sĩ Tiến cùng đồng nghiệp lại lên đường xác minh, lần tìm dấu vết của Chính. Nhưng, một lần nữa, dấu vết của Chính lại… bị xóa trước khi lực lượng “tầm nã” tìm đến. Trung tuần tháng 9-2015, khi các cán bộ Đội Truy bắt đang mở rộng địa bàn xác minh, thì nguồn tin báo về cho Thượng sĩ Tiến rằng, hiện Chính đã thay tên đổi họ và đang sinh sống ở tỉnh Lâm Đồng.
Không chút chậm trễ, sau khi báo cáo chỉ huy Đội cũng như xin ý kiến trực tiếp đồng chí Trưởng phòng, Thượng sĩ Tiến cùng anh em trong Đội Truy bắt lập tức lên đường. Sau 15 ngày rà soát, xác minh thông tin, Tổ công tác của Phòng PC52 xác định Chính đã đổi tên là Chu Văn Khang và đang ở cùng vợ và người con trai 23 tuổi. Xã Lộc Thành, huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng), chính là nơi mà Chính đang ẩn náu.
Một bản kế hoạch vây bắt chi tiết ngay sau đó được lập ra. Thượng sĩ Tiến nhớ lại, khoảng 17h, ngày 5-10-2015, theo kế hoạch, anh “nằm vùng” trước cổng ngôi nhà được xác định là địa điểm mà Chính đang ở, để nắm bắt mọi di biến liên quan đến Chính. Cuộc vây bắt Chính ngày hôm đó xác định, phải đảm bảo yếu tố bất ngờ, không để Chính chống trả nên những thông tin mà Thượng sĩ Tiến truyền về cho các thành viên trong Tổ công tác “tầm nã” của Công an tỉnh Lạng Sơn là rất giá trị.
Một tiếng, rồi hai tiếng đồng hồ trôi qua. Bóng tối bao trùm lên trên các nóc nhà. Đúng 19h30, sau khi xác định Chính đang ở trong nhà, Thượng sĩ Tiến thông báo cho các mũi vây bắt. Lệnh bắt giữ được phát ra. Tổ công tác của Phòng PC52, Công an tỉnh Lạng Sơn dưới sự phối hợp của Công an tỉnh Lâm Đồng đã ập vào bắt giữ Chính.
Nhấp chén trà nóng, Thượng sĩ Tiến say sưa chia sẻ về đặc thù công việc “tầm nã” của mình. Anh bảo, từ nhỏ, anh đã có ước mơ, khi lớn lên sẽ được vận bộ sắc phục CAND, tham gia truy bắt tội phạm, góp yên bình cho cuộc sống người dân. Nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh đã đăng ký và thi đỗ vào Trường Cao đẳng CSND I. Năm 2014, cầm tấm bằng tốt nghiệp với chuyên ngành Cảnh sát truy nã tội phạm trên tay, anh được phân công về công tác tại Phòng PC52 – Công an tỉnh Lạng Sơn. Từ đây, ước mơ thuở bé đã thành hiện thực.
Thượng sĩ Tiến bảo rằng, bên cạnh công tác truy bắt, bản thân anh cũng như đồng nghiệp luôn xác định và nỗ lực thực hiện có hiệu quả việc “lấy nhân tâm thu phục lòng người”. Bởi, việc vận động thành công các đối tượng trốn nã ra đầu thú còn góp phần vào công tác tuyên truyền, giúp các đối tượng tự nhận thức về hậu quả do hành vi của mình gây ra, qua đó không tái phạm
Mới đây, sau một thời gian, trực tiếp xuống cơ sở, ngày 9-12-2016, Thượng sĩ Tiến đã vận động người thân Hoàng Văn Phúc (SN 1999, ở phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) có lệnh truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa Phúc tới cơ quan Công an đầu thú sau nhiều ngày lẩn trốn.
Khi gặp Thượng sĩ Tiến tại trụ sở Phòng PC52, Phúc có nói: “Cảm ơn anh, sau này em sẽ không vi phạm pháp luật nữa…!”.
Tác giả: Diễm Lệ
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn