Dù mới thành lập được gần 3 năm nhưng đến nay Học viện Chính trị CAND đã xây dựng và hoàn thiện đủ 3 mã ngành đào tạo là: Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Tham mưu chỉ huy CAND và Quản trị nhân lực. Với 3 ngành này đã bước đầu bù đắp thiếu hụt khoảng trống lý luận về xây dựng lực lượng CAND.
Thành tích ấy là quyết tâm lớn của tập thể ban giám đốc cùng đội ngũ giảng viên của học viện, trong đó có Trung tá, TS Tống Văn Khuông, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của học viện – người vừa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Trước khi Học viện Chính trị CAND được thành lập, Trung tá Tống Văn Khuông được bổ nhiệm là Trưởng phòng Đào tạo và Quản lý học viên Trường Bồi dưỡng Nghiệp vụ CAND. Do vậy, khi học viện được thành lập, về công tác bồi dưỡng cán bộ thì có tiền đề, còn công tác đào tạo gần như “trắng”.
Thầy giáo Tống Văn Khuông (giữa) và các đồng nghiệp, học viên tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Bộ. |
Học viện được thành lập mới hoàn toàn, đồng nghĩa với việc phải bắt tay xây dựng từ đầu, trong đó công tác đào tạo luôn được coi là “xương sống” của bất cứ cơ sở đào tạo nào.
Nhắc lại những ngày “khởi đầu nan”, Trung tá Tống Văn Khuông kể rằng ngày đó ngoài khó khăn về cơ sở vật chất thì đội ngũ cán bộ của Phòng Quản lý Đào tạo quá mỏng, hầu hết chưa qua thực tế quản lý giáo dục và giảng dạy.
Trong khi đó, hệ thống giáo trình tài liệu dạy học chưa có, phải xây dựng mới từ đầu và các ngành học như: Tham mưu chỉ huy CAND, Quản trị nhân lực CAND cũng đều là những ngành học mới, chưa có cơ sở nào trong lực lượng CAND đào tạo.
Khó khăn là vậy, nhưng được sự cổ vũ, khích lệ của Ban Giám đốc, Trưởng phòng Tống Văn Khuông và các đồng nghiệp đã gấp rút bắt tay vào xây dựng và hoàn thành 4 đề án mở ngành đào tạo trình độ đại học, gồm: Ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước; ngành Tham mưu chỉ huy CAND; đào tạo Cử nhân chính trị (hệ Văn bằng 2) và ngành Quản trị nhân lực.
Việc xây dựng đề án mở ngành, trong đó có chương trình đào tạo của 4 ngành rất khẩn trương, về đích trước thời hạn, đảm bảo kịp thời phục vụ việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo ngay sau khi Học viện được thành lập.
Đây là những ngành đào tạo mới nên trong quá trình thực hiện đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo các tổng cục, học viện, trường CAND.
Bên cạnh đó, Trung tá Tống Văn Khuông đã phối hợp, tham mưu Ban Giám đốc học viện xây dựng Đề án nhân sự và tổ chức thực hiện việc thi tuyển giảng viên vào học viện đảm bảo chất lượng, đúng quy chế, quy trình.
Học viện là đơn vị đầu tiên của Bộ Công an tổ chức thi tuyển giáo viên theo hình thức này; việc tổ chức thi rất bài bản, khách quan, dân chủ và đảm bảo chất lượng.
Trung tá Khuông còn tham mưu nhiều vấn đề quan trọng như: Xây dựng văn bản báo cáo lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND, lãnh đạo Bộ Công an ban hành lộ trình tuyển sinh, đào tạo của Học viện Chính trị CAND đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; tham mưu xây dựng chương trình và đề án đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ Công an, đã báo cáo và được lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND, lãnh đạo Bộ Công an cho phép học viện được tổ chức đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho cán bộ Công an.
Đây là một bước tiến lớn trong công tác đào tạo của Học viện Chính trị CAND và hiện nhà trường đã mở được nhiều lớp đào tạo với số lượng hàng nghìn học viên, góp phần giải quyết được nhu cầu của đại đa số cán bộ trong lực lượng, qua đó cũng giảm chi phí về kinh tế cho cán bộ Công an phải đi học ở các trung tâm, trường ngoài ngành như trước đây.
Hiện học viện đã hoàn thành Tờ trình báo cáo Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư cho phép Học viện Chính trị CAND đào tạo cấp bằng cao cấp lý luận chính trị và xác nhận trình độ lý luận chính trị cho cán bộ Công an theo tinh thần Nghị quyết số 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đây là nhiệm vụ rất lớn, cần đầu tư nhiều thời gian và công sức nhằm đưa Học viện Chính trị CAND trở thành một trung tâm đào tạo lớn.
Ngoài ra, Trung tá Tống Văn Khuông còn trực tiếp xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng chức danh lãnh đạo chỉ huy trong CAND, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh đối tượng 2 cho hàng ngàn cán bộ trong toàn lực lượng, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo chỉ huy cho cán bộ Công an các cấp.
Trong rất nhiều phần việc quan trọng của công tác đào tạo như: Tổ chức duyệt giảng, thẩm định khả năng giảng dạy cho giảng viên; tổ chức các hoạt động, phong trào dạy giỏi, ban hành quy chế đào tạo đại học chính quy, hệ thống các văn bản quy định về công tác đào tạo, đều có sự tham mưu, đề xuất “có dấu ấn” của Trung tá Tống Văn Khuông.
Chia sẻ về niềm vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng, Trung tá Tống Văn Khuông cho hay: “Tôi may mắn được làm việc trong môi trường sư phạm nghiêm túc, kỷ cương; các đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ, cộng sự nhiệt tình. Tôi đã nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc học viện; đặc biệt là thầy Giám đốc, Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long đã quyết liệt, nhân văn, có tầm, coi trọng người người tài đã tạo động lực cho bản thân tôi được cố gắng hết sức mình”.
Trong tương lai, Học viện Chính trị CAND phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo lớn về chính trị. Để mục tiêu đó sớm trở thành hiện thực, theo Trung tá Tống Văn Khuông, học viện phải đầu tư cho đội ngũ giáo viên xứng tầm; biên soạn giáo trình, tài liệu đầy đủ, có chất lượng; đồng thời phải sử dụng có hiệu quả đội ngũ giáo viên thỉnh giảng là các nhà khoa học có uy tín...
Tác giả: Thu Phương
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn