Trong giây phút ấy, bản năng của một người mẹ khiến người nữ cán bộ quản giáo thấy cổ mình nghẹn lại, chị nhớ đến hai đứa con thơ. Chồng công tác xa nhà hơn 70km, cả tháng mới có dịp về thăm nhà đôi lần, trong khi công việc của chị lại phải thường xuyên ứng trực nên hai con cũng thiệt thòi so với những đứa trẻ cùng trang lứa.
Cảm nhận được tình cảm của Thiếu tá Dương Thị Thu Hà, phạm nhân Nguyễn Thị N. cảm động chẳng nói nên lời. N. từng có một đời chồng nhưng rồi theo tiếng gọi mù quáng của tình yêu, cô đã nhẹ dạ đi theo một người đàn ông có vợ. Đứa trẻ ra đời nằm ngoài mong đợi của người đàn ông đó. Cũng vì thế, ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, con của N. đã không được bố đẻ và gia đình bên nội thừa nhận...
Khi bị bắt giữ vào trại, N. mang trong mình cảm giác căm hận với cuộc đời. Sau khi sinh nở, N. cùng con được chuyển xuống phân trại quản lý phạm nhân chăm sóc. Khi đó, ngoài những tổn thương trên thân thể, cô còn bị suy sụp cả về tinh thần.
Nữ quản giáo Dương Thị Thu Hà hướng dẫn các phạm nhân lao động, cải tạo. |
Những lần tiếp xúc với N., Thiếu tá Dương Thị Thu Hà và đồng đội đã tìm hiểu được hoàn cảnh và tâm tư của N. Với tư cách là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở, chị đã cùng cán bộ Hội Phụ nữ và các thành viên trong Ban Giám thị thường xuyên gần gũi, quan tâm... Những hộp sữa, dăm ba bộ quần áo được quyên góp từ những đồng lương của cán bộ, chiến sỹ như sưởi ấm trái tim lạnh giá của phạm nhân N.
Từ đó, N. đã dần trải lòng mình, quyết tâm cải tạo để sớm có thể trở về với cộng đồng. Trước khi làm thủ tục chuyển sang Trại giam của Bộ Công an thi hành án, phạm nhân N. còn lưu luyến chẳng muốn chia tay với Thiếu tá Dương Thị Thu Hà và các cán bộ quản giáo ở nơi đây.
Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Dương Thị Thu Hà cho biết: Trong trại giam, công tác quản lý tạm giữ, tạm giam và quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị. Với phương châm “Quản lý chặt chẽ, giám sát nghiêm ngặt, đối xử nhân đạo” trong năm 2018, chị và các hội viên Hội Phụ nữ đã góp phần không nhỏ vào thành tích của đơn vị, từ khâu quản lý, giam giữ số đối tượng bị bắt vào trại, phân loại giam giữ đúng các quy định...
Cùng với đó, số đối tượng án có hiệu lực có quyết định thi hành án cải tạo quản lý tại phân trại quản lý phạm nhân đều được chị và đồng đội giáo dục, cảm hóa. Từ đó, họ nhận thức rõ sai lầm, hành vi phạm tội đã gây ra để yên tâm cải tạo, lao động tích cực, chấp hành nội quy của trại. Với những kết quả đã đạt được, trong những năm qua, Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái không có trường hợp phạm nhân trốn trại, phạm tội mới trong trại, vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Nhiều phạm nhân đã được hưởng sự khoan hồng của Đảng, trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng, làm ăn lương thiện, có cuộc sống ổn định.
Công việc của một cán bộ làm công tác quản lý giáo dục và cải tạo phạm nhân rất vất vả. Bởi quản lý một con người đã khó... quản lý hàng trăm đối tượng gồm cả nam và nữ với những thành phần dân tộc khác nhau càng không đơn giản. Ở Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái còn có một khó khăn khác mà Thiếu tá Dương Thị Thu Hà và đồng đội phải đối mặt đó là đối tượng phạm tội là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế. Một số trường hợp không nói được tiếng phổ thông hoặc không biết đọc, biết viết...
Để hoàn thành nhiệm vụ, chẳng kể ngày hay đêm, người nữ quản giáo ấy vẫn đều đặn có mặt tại phân trại. Cùng với việc giáo dục còn tổ chức nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của phạm nhân để có các biện pháp giáo dục hiệu quả, giúp phạm nhân yên tâm lao động, cải tạo để sớm được hưởng khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Chị đã chỉ đạo cán bộ chiến sỹ thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát con người, kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm cất giấu hoặc chế tạo các đồ vật có thể gây nguy hại cho sức khỏe.
Rồi những đêm về khuya, khi các con đã say giấc, chị lại tỉ mỉ nghiên cứu các văn bản liên quan đến công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Từ đó, tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo đơn vị thực hiện có hiệu quả trong việc tuyên truyền chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân.
Ngoài công tác chuyên môn, Thiếu tá Dương Thị Thu Hà còn tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, giáo dục công dân, kỹ năng sống và hoạt động hướng nghiệp cho các phạm nhân; tích cực nghiên cứu, tổ chức các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng, nhằm trang bị kiến thức cho phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Dùng tình người để cảm hóa những con người lầm lỗi, chị và đồng đội đã giúp nhiều phạm nhân trở về đường thiện. Cho đến bây giờ, Thiếu tá Dương Thị Thu Hà và đồng đội vẫn không quên được trường hợp của phạm nhân tên Cảnh, bị bắt giữ về tội cố ý gây thương tích. Nhưng ngày đầu vào trại, Cảnh suy sụp, phần vì sốc, phần khác do hoàn cảnh gia đình. Sau khi Cảnh bị bắt giữ, vợ của anh ta cũng bỏ đi, để lại 3 đứa con nhỏ cho bà nội nuôi dưỡng.
Trong quá trình cải tạo, Cảnh có tư tưởng chán nản, tâm lý không ổn định. Nắm bắt được hoàn cảnh của Cảnh, chị thường xuyên gặp gỡ. Được sự động viên của nữ quản giáo và các cán bộ phân trại, đối tượng Cảnh sau đó đã yên tâm cải tạo.
Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liên tiếp, Thiếu tá Dương Thị Thu Hà đã được công nhận danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cơ sở; vinh dự được nhận Bằng khen của các cấp... Hội Phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái được Đảng ủy cơ sở công nhận Hội Phụ nữ xuất sắc. Trong năm, 2 cá nhân của hội đã được Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn