Khi nhắc tới nhiều tộc người dưới tán rừng Trường Sơn hùng vĩ ở miền tây Quảng Bình, nhiều người đều giật mình nghĩ tới hủ tục kinh hoàng: Mẹ chết chôn con theo. Trước đây, người Ma Coong, người Khùa, Sách, Mày, Rục… thường rỉ tai nhau lời nguyền: "Giàng bảo, nếu người mẹ chết mà con không chôn theo thì con ma mẹ luôn về nhà quấy nhiễu những người còn sống. Phải chôn theo thôi, ai không làm theo thì cả bản bị con ma bắt".
Công an Minh Hóa, Quảng Bình bám bản để vận động, giúp đỡ dân bản xóa bỏ các tập tục lạc hậu. |
Nhìn đứa con tròn xoe đang ngủ yên trên đôi tay của mình, Y Cư phải nhìn đi hướng khác khi trao con cho dân bản. Tiếng khóc thét của con trẻ khi đặt bên cạnh thi thể của vợ như nhát dao chém vào lòng Y Cư. Tiếng khóc thét của đứa trẻ vẫn vậy, đã gần 20 mùa rẫy vẫn hằn in trong tâm khảm Y Cư... Hơn 20 năm qua dân bản ở Cà Roòng vẫn thấy Y Hoi lầm lũi như con gấu rừng lẻ bạn khi vợ của Y Hoi là Y Bắp qua đời.
Chôn cất vợ xong, Y Bắp chạy về nhà thì thấy bà con dân bản đã vây chật nhà để thực hiện lời nguyền. Vợ Y Hoi sinh đôi 2 bé trai kháu khỉnh, nỗi đau mất vợ không nguôi thì Hoi lại phải tự tay chôn sống 2 đứa con của mình. Đêm, khi mảnh trăng cuối cùng vắt qua đồi núi để nhường chỗ cho sao mai, Y Hoi đưa 2 đứa con vào rừng.
Gió lạnh xé lòng cùng tiếng khóc con trẻ. Từ rừng trở về nhà, Y Hoi uống hết 3 bát rượu sắn, cầm rựa chém nát cả thân cây già trước hiên, nhưng nỗi đau vẫn cứ lớn dần. Bỏ lại cả tiếng kèn, tiếng trống của những đêm tự tình. Y Hoi lầm lũi trở thành con người khác. Cách đây tròn 8 năm, bà Hồ Thị L, ở bản Ka Ai trở dạ.
Do băng huyết bà L đã qua đời khi đứa con còn chưa được kịp bú sữa mẹ lần đầu. Cả bản người Mày ngồi lại bên nhau bàn cách chôn cả mẹ và con. Bởi cái lý của dân bản “mẹ nó chết rồi phải chôn nó theo thôi, để nó lại nó biết bú sữa ai, rồi nó cũng chết thôi. Ai nuôi đứa bé sẽ bị hồn ma mẹ nó về đòi con mà gây chết chóc, nên phải chôn nó thôi…”.
Những hủ tục, những lời nguyền của bà con tộc người thiểu số sinh sống dưới những tán rừng Trường Sơn đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống dân bản như cây rừng mọc xuyên núi đá. Để thay đổi nhận thức của cả một tộc người, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để cùng ăn, cùng ở với bà con dân bản. Thiếu tá Thái Văn Thủy, Công an huyện Minh Hóa dẫn chúng tôi về xã Trọng Hóa, nơi nhiều bà con có chung đường biên với nước bạn Lào.
Trọng Hóa có 18 bản với 873 hộ, trong đó có 728 hộ người Khùa với 3.523 nhân khẩu còn lại người Mày với 1.840 khẩu. Nhiều bản như bản Tà Vờng, bản Giỗ, bản Lòm, bản Chà Káp… nhiều hủ tục vẫn luôn vây quanh lấy cuộc sống của bà con dân bản. Ngoài việc giữ gìn bảo đảm an ninh biên giới, nhiều cán bộ, chiến sĩ nơi đây đang ngày đêm tìm cách xóa bỏ hủ tục mẹ chết chôn con theo, hôn nhân cận huyết thống, tìm cách tự tử khi buồn… ở bản làng.
Tròn 8 năm trước, khi đứa bé đang khóc thét bên huyệt mộ vì bị chôn theo mẹ là bà Hồ Thị L như đã nói ở trên. Những cán bộ chiến sĩ Công an xã Dân Hóa cùng Bộ đội Biên phòng đã kịp thời có mặt giằng lấy đứa bé trong tay trưởng bản.
Trước trưởng bản và bà con trong bản Ka Ai, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và Công an cắm bản phải cùng làm một bản cam kết sẽ nuôi nấng đứa trẻ và “thề độc” sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu ma bắt vạ…
Để thay đổi hủ tục của bản làng, không cách nào tốt hơn là chứng minh cho bà con thấy bằng những việc làm cụ thể, bằng tình yêu thương và sự sẻ chia. Để giúp bà con dân bản xóa bỏ các hủ tục cho đồng bào sinh sống dọc dãy Trường Sơn, anh Hồ Xuân Bách, Trưởng Công an xã Trọng Hóa cho biết; đó là một cuộc chiến thực sự với lạc hậu, mê tín để cứu mạng sống cho nhiều người.
Những năm gần đây, hủ tục ghê rợn mẹ chết chôn con theo đã được xóa bỏ ở một số bản, làng nhưng một số nơi hủ tục đó vẫn ăn sâu trong tâm trí bà con, vì vậy không thể chủ quan, lơ là địa bàn được.
Hiện nay, hủ tục hôn nhân cận huyết thống cũng đang làm bào mòn, đảo lộn cuộc sống bình yên nhiều bản làng. Một số nơi anh chị em ruột lấy nhau, con chú lấy con bác, con cô lấy con cậu… đã sinh ra những đứa trẻ bị dị tật, và khi thấy vậy, bản làng lại tổ chức cúng tế, một số đối tượng bên ngoài lại tìm đến lợi dụng việc mê tín của người dân để thực hiện ý đồ gây mất an ninh chính trị trên địa bàn.
Theo Thiếu tá Hồ Kiên Công an huyện Minh Hóa, người đang bám bản sinh sống với bà con dân tộc Khùa, Mày thì “Việc vận động, giúp đỡ bà con dân bản xóa bỏ các hủ tục lạc hậu được lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an đóng trên địa bàn hết sức quan tâm và thực hiện liên tục, thường xuyên hàng chục năm qua.
Trước đây do địa bàn chia cắt, thiếu thốn về phương tiện nên nhiều việc đau lòng xảy ra ở một số nơi, có những trẻ bị chết vì chôn theo mẹ, phụ nữ sinh nở băng huyết chết, có những trường hợp say rượu bị rầy la cũng thắt cổ tự tử… Mấy năm gần đây, cuộc sống của bà con đã dần đổi thay, các bản làng được Nhà nước đầu tư nhiều về điện, đường, trường, trạm nên các hủ tục dần bị đẩy lùi”.
Tác giả: Dương Sông Lam
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn