Đây là năm thứ 6 Công an tỉnh Yên Bái thực hiện kế hoạch “Tăng cường cơ sở đảm bảo ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với nhiều kết quả vượt ngoài mong đợi.
Dẫn chúng tôi đi trong tiết trời mưa tầm tã để hiểu về công việc mà những cán bộ tăng cường cơ sở của Công an tỉnh Yên Bái đã thực hiện suốt 6 năm qua, Thượng tá Nguyễn Huy Lộc, Phó trưởng Phòng Phong trào quần chúng BVANTQ giải thích: “Bốn cùng với dân là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với nhân dân. Những xã được chọn để tăng cường cơ sở đều là những địa bàn phức tạp về ANTT, xuất nhập cảnh trái phép, di cư tự do, hoạt động, tuyên truyền đạo trái phép…”.
Lực lượng Công an tăng cường xuống cơ sở tuyên truyền đồng bào không di cư tự do. |
Nậm Có là xã “vùng sâu, vùng xa” của huyện xa xôi nhất tỉnh Yên Bái – Mù Cang Chải mùa này gần như biệt lập với bên ngoài. Những cơn mưa giăng trắng trời, đường đi bị bùn đất làm cho đặc quánh hoặc nước lũ san bằng.
Những cán bộ Công an tăng cường chỉ có cách liên lạc ra bên ngoài bằng điện thoại, nhưng muốn gọi điện hay nhắn tin cũng phải đội mưa, lội nước ra nơi cao ráo mới có sóng. Lương thực mang theo dự trữ vơi cạn, họ phải học ăn món ăn của đồng bào dân tộc mà nói theo Thượng tá Nguyễn Huy Lộc thì không phải dễ dàng.
Thế nhưng, “bốn cùng” với dân trong một thời gian, mọi phong tục, tập quán của người dân anh em đều phải biết, học thuộc và đương nhiên những món ăn khó nhất cũng phải biết ăn.
Mỗi chuyến tăng cường thường là 4 tháng, nhưng có những đợt kéo dài tới 6 tháng. Việc cán bộ Công an tăng cường cơ sở đã mang đến những điều mới mẻ cho vùng đất mà vốn được coi là “đặc biệt” trước kia.
Trong cơn mưa bắt đầu nặng hạt, bầu trời sấm chớp lóe sáng, chúng tôi gặp Thượng tá Sùng A Ly, Phó trưởng Phòng Phòng chống phản động và chống khủng bố, Công an tỉnh Yên Bái - người đã 5 lần đi tăng cường cơ sở trong 6 năm qua.
Sinh ra ở Mù Cang Chải, là người dân tộc Mông, anh hiểu nỗi vất vả cũng như khó khăn của người dân trên đỉnh núi cao quanh năm mây mù bao phủ.
Với những địa bàn phức tạp về ANTT, người dân di cư tự do và xuất cảnh ra nước ngoài trái phép, để vận động họ trở về, yên ổn địa bàn, đảm bảo ANTT trong vòng 4 tháng là điều không dễ. Năm xã mà anh đi tăng cường cơ sở đều là những xã trọng điểm của tỉnh Yên Bái.
Để đảm bảo ANTT ở những nơi tổ công tác tới nhận nhiệm vụ, anh cho biết: “Cán bộ tăng cường cơ sở cần đặc biệt quan tâm đối với già làng, trưởng bản, người có uy tín ở địa bàn và vận động họ tham gia tuyên truyền, chỉ bảo con cháu, anh em dòng họ, người thân tích cực tham gia phong trào Toàn dân BVANTQ, giữ vững ổn định về ANTT”.
Là người có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc phong tục của đồng bào dân tộc, Thượng tá Sùng A Ly hiểu hơn ai hết sức mạnh của việc dựa vào dân, vận động già làng, trưởng bản để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, phức tạp về ANTT trong nhân dân.
Anh bảo, ở địa bàn dân tộc thiểu số, các đối tượng phản động thường lợi dụng để kích động, tuyên truyền luận điệu ly khai chống Đảng và Nhà nước. Thế nên, việc đầu tiên khi đến địa bàn là tuyên truyền cho người dân nắm được âm mưu, ý đồ xấu của đối tượng.
Đây là trách nhiệm của CBCS Công an tại cơ sở. Do làm tốt công tác này nên tại các địa bàn dân tộc thiểu số của Yên Bái thời gian qua, người dân luôn cảnh giác trước các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu.
Trong khoảng thời gian ít ỏi, chúng tôi được biết, “bốn cùng” với dân của những cán bộ Công an tăng cường tại Yên Bái thực sự đem lại hiệu quả.
Thượng tá Sùng A Ly đúc kết: “Trong 4 lần tăng cường cơ sở, Tổ công tác của chúng tôi đã được già làng, trưởng bản giúp đỡ vận động nhân dân tự giác giao nộp hàng trăm khẩu súng tự chế và 2 khẩu súng quân dụng”.
Tại nhiều địa bàn, các vụ việc phức tạp về ANTT, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo được giải quyết kịp thời, đem lại bình yên, ổn định nơi mà họ đi qua. Và chúng tôi thật lấy làm vui khi được biết, những cán bộ Công an tăng cường đã không nề hà bất cứ việc gì khi giúp đỡ nhân dân.
Từ đi gặt lúa cùng dân, làm đường nông thôn, dọn vệ sinh bể công cộng trong mùa mưa bão, dọn nhà khi bị mưa làm sạt lở, phát cống, rãnh, thậm chí họ còn đóng góp tiền để giúp dân làm lại nhà khi bị lốc xoáy…
Thượng tá Nguyễn Huy Lộc cho biết, năm 2016 Công an tỉnh Yên Bái chọn 13 địa bàn để cử CBCS tăng cường cơ sở, trong đó Công an tỉnh tăng cường 10 địa bàn, 3 địa bàn còn lại do Công an huyện đảm nhiệm.
Mỗi tổ công tác gồm 3 cán bộ của các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và 2 cán bộ Công an huyện do một đồng chí lãnh đạo cấp phòng làm tổ trưởng.
Tăng cường cơ sở là chủ trương được Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái đánh giá cao, sau 6 năm thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ANTT ở các xã được tăng cường; tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế và đẩy lùi; phong trào toàn dân BVANTQ được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, công tác đảm bảo ANTT được xã hội hóa cao hơn, thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chức hơn.
Theo Thượng tá Nguyễn Huy Lộc thì trong những năm tiếp theo, tăng cường cơ sở vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công an tỉnh Yên Bái.
Tác giả: Trần Hằng – Xuân Mai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn