Bắt tội phạm “trên giời”

Thứ năm - 15/09/2016 20:50
Thời gian qua, tội phạm mạng đã và đang “làm mưa làm giói” trở thành nỗi nhức nhối cho nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Trung tâm phục hồi dữ liệu chứng cứ điện tử (Phòng 6) Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (C50) Bộ Công an là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác đấu tranh với tội phạm mạng. CBCS của đơn vị đã khám phá nhiều chuyên án, bắt giữ thành công nhiều tên tội phạm trên giời.

 

Đại tá Trần Văn Thắng, trưởng phòng 6 C50 có khuôn mặt gầy gò, dáng dấp thư sinh. Thời gian qua, ông cùng lãnh đạo Cục liên tục phải “online” 24/24h cùng trinh sát, đồng thời phải di chuyển đến nhiều địa phương khác nhau chỉ đạo phá án.

 
Bắt tội phạm “trên giời”
Cán bộ chiến sỹ phòng 6 Cục C50 trong một cuộc họp án.

Ông cho biết, sau khi cùng cán bộ chiến sỹ của phòng phối hợp với công an tỉnh Hải Dương, Hải Phòng phá thành công hai chuyên án 416B và 216C, ông tiếp tục có mặt tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự (PC45)công an tỉnh Quảng Bình phá tiếp  một đường dây cá độ bóng đá qua mạng với tổng số tiền luân chuyển lên tới 3000 tỷ đồng.

Đại tá Thắng kể, đầu năm 2016 thông qua công tác nắm tình hình, PC45 Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện một đường dây đánh bạc theo hình thức tín chấp đang hoạt động rầm rộ tại TP Đồng Hới. PC45 đã liên hệ với C50, đề nghị phối hợp triệt phá. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo C50, một tổ công tác của Phòng 6 đã bí mật có mặt tại Quảng Bình, phối hợp với PC45 tiến hành các biện pháp trinh sát…

Đồng thời một tổ công tác khác cũng túc trực 24/24 trên mạng Internet, thu thập các tài liệu chứng minh hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc của các đối tượng, chờ thời điểm phá án. Tối ngày 21-6-2016 lệnh phá án được ban ra. Các trinh sát đã đồng loạt xung trận trên địa bàn 6 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Bình bao vây các ổ nhóm và tạm giữ mười một đối tượng trong đường dây.

Cùng thời điểm, Ban chuyên án cũng đã tóm gọn đối tượng Bùi Văn Thái khi hắn đang lẩn trốn tại TP.HCM. Thái được xác định là kẻ cầm đầu đường dây. 

Mạng cá độ được “ông trùm” Bùi Văn Thái “kéo” về từ trang mb88ag.com của một số đối tượng tại TP.HCM, rồi giao cho đối tượng Nguyễn Thanh Xuân (SN 1986 trú tại phường Nam Lý, TP.Đồng Hới) quản lý. Trên cơ sở đó Xuân cắt thành nhiều tài khoản giao cho các đại lý và các con bạc chơi. Là đối tượng không nghề nghiệp, song Thái thường xuyên “cưỡi” trên siêu xe ô tô BMW X6 có giá trị nhiều tỷ đồng.

 
Bắt tội phạm “trên giời” - Ảnh minh hoạ 2
Ðối tượng Nguyễn Ðức Nhật tại cơ quan công an.

Tài liệu điều tra ban đầu của chuyên án cho thấy, đây là hình thức đánh bạc theo kiểu tín chấp. Các con bạc sẽ được giao “hạn mức tín dụng” là từ 10 triệu đến vài trăm triệu đồng để chơi. Đường dây của Thái đã thu hút hàng ngàn con bạc trong và ngoài tỉnh Quảng Bình tham gia cá độ. Chỉ tính riêng từ cuối tháng 5-2016 đến lúc bị bắt, số tiền cá độ là 310 tỷ đồng. Còn tính từ đầu năm 2016 đến khi bị bắt, số tiền luân chuyển trong đường dây này lên tới trên 3.000 tỷ đồng.

 

Cũng theo Đại tá Thắng, sau 6 năm thành lập, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo C50 và Tổng cục Cảnh sát, Phòng 6 gần như có xuất phát điểm từ số “0” đã trở thành một trong những đơn vị tinh nhuệ của Cục. Cán bộ chiến sỹ của đơn vị đã khám phá thành công nhiều chuyên án lớn. Đặc biệt có những chuyên án bắt được những “quái nhân” mà ngay cả lực lượng cảnh sát tinh nhuệ, thiện chiến của Mỹ cũng phải bó tay.

Khoảng giữa năm 2012, C50 nhận được công văn từ Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ truy tìm ba đối tượng có liên quan đến một đường dây rửa tiền quy mô lớn, lên tới 24 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, thông tin mà phía bạn cung cấp rất ít ỏi, nếu không muốn nói là…“vu vơ”. Họ đề nghị truy tìm 3 người mang tên: “Pham Thi Thuy, Bui Thi Tuyen và Doan Van Cong”, có địa chỉ ở Việt Nam!

Khi tiếp nhận thông tin này, nhiều người cho rằng để tìm kiếm các đối tượng khác chi việc… “mò kim đáy bể”. Trên thực tế, một số đơn vị nghiệp vụ khác của Tổng cục CSND cũng vào cuộc, nhưng không có kết quả.

Bắt tay vào nghiên cứu vụ án, Đại tá Thắng nhận thấy nếu truy tìm các đối tượng theo những biện pháp trinh sát thông thường thì có đến cả vạn người cùng mang tên “Pham Thi Thuy, Bui Thi Tuyen và Doan Van Cong” cần phải xác minh. Như vậy thì không thể đủ người và thời gian để tổ chức điều tra. 

Sau một thời gian truy xét theo một hướng khác, liên quan đến những trao đổi của Thuy, Tuyen và Cong trên mạng Internet, các trinh sát Phòng 6 đã xác định được chính xác tên tuổi, địa chỉ của ba người có tên trong danh sách nhận tiền mà FBI cung cấp.

Tuy nhiên, cả ba người trên đều phủ nhận chưa hề nhận đồng xu cắc bạc nào từ nước ngoài, cho dù họ có tên trong hệ thống giao dịch chi trả của dịch vụ chuyển tiền nhanh Western Union.

 
Bắt tội phạm “trên giời” - Ảnh minh hoạ 3
Giao diện trang web chuyên chia sẻ phim khiêu dâm Ryushare.com.

Tiếp tục miệt mài xác minh cho đến cuối năm 2012, một hy vọng lóe lên khi nhiều giao dịch đã “trỏ” về địa chỉ một công ty có trụ sở tại TP Hải Phòng. Đó là Công ty cổ phần Thịnh Vũ (địa chỉ quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) Giám đốc là Vũ Văn Lăng (SN 1982).

 

Có thể nói Lăng là một trong những “quái nhân” trong việc biến tiền ảo thành tiền thật. Để che mắt cơ quan chức năng, Lăng đã thu thập rất nhiều CMND của người dân để lập hồ sơ khách hàng rồi nhận hàng triệu đô la từ nước ngoài chuyển về. Số này có rất nhiều giao dịch “mờ ám”, nghi là từ hoạt động trộm cắp mà có. Trong vòng 4 năm Lăng đã thực hiện trót lọt gần 60 ngàn giao dịch thì mới bị phát hiện.

Theo tài liệu điều tra từ cơ quan công an năm 2008 Vũ Văn Lăng lập ra Công ty cổ phần Thịnh Vũ, làm đại lý phụ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hải Phòng (BIDV Hải Phòng) để chi trả kiều hối thông qua hệ thống Western Union. Tuy nhiên, mục đích của Lăng không phải để kinh doanh mà để có quyền chi trả ngoại tệ phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử Liberty Reserve (LR).

Lăng đã thu mua LR từ trong nước và nước ngoài sau đó bán cho người nước ngoài để thu lợi, qua mạng Internet. Những người mua LR của Lăng trả tiền bằng cách gửi tiền về cho y thông qua đại lý Western Union mà chính Công ty cổ phần Thịnh Vũ làm đại lý. Tổng số tiền mà Thịnh Vũ và 2 công ty khác đã lập hồ sơ của khách hàng để nhận tiền là hơn 24 triệu đô la tương đương hơn 404 tỷ đồng. Để nhận được số tiền trên, Vũ Văn Lăng đã cho thực hiện 59.605 giao dịch và lấy tên của hơn 1.000 người để lập hồ sơ rút tiền.

Thông qua những giao dịch trên, Lăng đã thu lời hơn 5 tỷ đồng từ phí hoa hồng mà ngân hàng chi trả và từ lợi nhuận của việc mua bán LR. Vì thu lợi bất chính dễ dàng như vậy nên Lăng chi tiêu cực thoáng. Lăng sắm xe ôtô Mercedes SLK 350 Coupe (2 chỗ ngồi) giá 2 tỷ đồng, mua 2 máy tính xách tay hiệu Sony Vaio hết 150 triệu đồng, mua 2 điện thoại di động hiệu Mobiado hết 200 triệu, mua căn nhà 92m2 tại quận Dương Kinh, TP Hải Phòng 2 tỷ đồng…

 

Đầu năm 2014 Phòng 6 C50 nhận được đề nghị phối hợp điều tra từ Công an TP Huế. Qua công tác nắm tình hình, phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Huế phát hiện một ổ nhóm đối tượng có nhiều biểu hiện bất minh. Nhóm đối tượng là những thanh niên trẻ, không có việc làm ổn định song lại có phong cách sống như… đại gia.

Điển hình như đối tượng Lê Hữu Hiếu (SN 1986, trú tại xã Phú Lương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Là một kẻ chỉ biết ăn chơi, đốt tiền song Hiếu lại tậu được một ngôi nhà biệt thự bề thế ở xã Phú Lương. Những biểu hiện bất minh đó đã được các trinh sát PC45 bí mật tìm hiểu, song chưa phát hiện ra đối tượng có dấu hiệu phạm tội.

Với sự vào cuộc của các trinh sát C50 chỉ một thời gian ngắn sau, hành vi mờ ám của Hiếu đã bị bóc mẽ. Hóa ra, Hiếu là một trong những người quản lý của một trang web chuyên chia sẻ phim đồi trụy. Cùng điều hành với Hiếu còn có ba đối tượng khác là Lê Văn Tỵ (SN 1988, trú tại thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Ích Vũ (SN 1985, trú tại Phú Thượng, Phú Vang) và Đoàn Văn Vĩnh Quốc (SN 1983, trú tại Phú Dương, Phú Vang).

Tiếp tục “thọc sâu” vào trang web này, các trinh sát phát hiện ra kẻ đứng đầu không ở Huế mà ở một tỉnh thành khác. Hắn là Nguyễn Đức Nhật (SN 1983, trú tại thị xã Dĩ An, Bình Dương). Được biết, đầu tháng 3-2012 Nhật lập và quản trị trang website Ry...com có chức năng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu điện toán đám mây. Nhật thuê máy chủ của một công ty đóng tại Pháp.

Để website hoạt động, Nhật thuê thêm nhiều server của các công ty quốc tế để lưu trữ dữ liệu cho khách hàng. Tất cả người sử dụng Internet đều có thể đăng ký làm thành viên của trang nhưng chỉ được đưa lên (upload) hệ thống lưu trữ miễn phí 88 Gb và tải xuống (download) 1 Gb. Các thành viên muốn lưu trữ và download dữ liệu nhiều hơn thì phải mua tài khoản VIP có trả phí với các mức khác nhau tùy thuộc ngày, dung lượng sử dụng. 

Trước khi bị đánh sập trang web này có khoảng 803.884 thành viên tham gia (trong đó gần 80.000 thành viên VIP trả thuê bao hàng tháng từ 9,96 Euro/người/tháng). Có hơn 410.000 lượt người dùng thẻ thanh toán quốc tế để mua tài khoản VIP, trong đó có 406 chủ thẻ là người Việt Nam. Cơ quan điều tra xác định, đến thời điểm bị phát hiện, Nhật đã thuê của hai công ty tại Pháp và Hà Lan 693 server để lưu trữ hơn 11,3 triệu file do các thành viên website Ry...com tải lên. Hàng tháng riêng tiền thuê server Nhật đã phải chi tới 5 tỷ đồng. Tính riêng từ tháng 8-2012 đến tháng 9-2014, Nhật thu lợi hàng vài chục tỷ đồng qua việc kinh doanh phim khiêu dâm. 

Cơ quan điều tra cũng xác định được Hiếu, Tỵ, Vũ và Quốc thường xuyên sử dụng, đưa lên website Ry...com lưu trữ và phát tán lượng lớn phim sex, phim có nội dung đồi trụy. Hiếu tải gần 5.900 file, được Nhật chia lợi nhuận gần 2,2 tỷ đồng. Tỵ tải gần 5.000 file, thu lợi gần 65 triệu đồng. Vũ tải gần 5.200 file, thu lợi hơn 1,7 tỷ đồng. Quốc đưa lên mạng gần 2.400 file, thu lợi hơn 40 triệu đồng…

Tiến - Trí
 

Tác giả: Tiến - Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây