Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thuỷ đã có 15 năm gắn bó với nghề giáo. Từng là sinh viên khoá D28 của Học viện ANND tốt nghiệp xuất sắc được trường giữ lại làm giảng viên, chị tâm sự rằng, đôi lúc thấy mình thật may mắn vì đã thực hiện được ước mơ, tiếp nối truyền thống gia đình có bố từng là chiến sĩ Công an tỉnh Nam Định.
15 năm đứng trên bục giảng, Trung tá Nguyễn Thị Thu Thuỷ đã dồn toàn tâm toàn ý cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chị gần như chưa bao giờ cho phép mình được nghỉ ngơi.
TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ (bìa phải) trong buổi giao lưu những nữ cán bộ, giảng viên tiêu biểu, xuất sắc các trường, Học viện CAND |
Nhìn lại quá trình làm việc, giảng dạy và những công trình nghiên cứu khoa học của chị, tôi lại càng thêm khâm phục người phụ nữ bé nhỏ này.
Trung tá Thuỷ ngoài làm công tác quản lý là Phó Trưởng khoa, chị còn tham gia giảng dạy toàn bộ các chương, bài của các bộ môn An ninh nội bộ; tham gia biên soạn hàng chục giáo trình, đề cương giảng dạy chương trình đào tạo chính quy, cao học và nhiều bài báo đăng trên các tạp chí, nội san CAND.
Chị đã trực tiếp biên soạn 20 đề cương chi tiết học phần dành cho các bậc, hệ học, các chuyên ngành đào tạo đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng; chủ trì và tham gia nghiên cứu 4 đề tài khoa học cấp Bộ.
Với khối lượng công việc lớn như vậy, nhưng trong năm học 2014-2015, Trung tá Thuỷ đã thực hiện 556 giờ/280 giờ nghĩa vụ, hoàn thành vượt mức gần 200% chỉ tiêu công tác.
Chị đã có nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và giáo viên dạy giỏi cấp Học viện. Đặc biệt năm 2012, chị được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen giáo viên dạy giỏi cấp Bộ.
Mới đây, chị lần lượt đạt các danh hiệu “1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu của Tổng cục Chính trị CAND năm 2015” và giải thưởng “Phụ nữ tiêu biểu Bộ Công an” lần thứ nhất.
Nhắc đến kỉ niệm ngày đầu đứng trên bục giảng, Trung tá Thuỷ chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được sắp xếp đứng giảng một lớp tại chức 17 của Học viện. Khi đó tôi mới đeo quân hàm Trung uý, chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy nên khi bước vào lớp, tôi thực sự bị choáng.
Ngồi dưới lớp đều là các học viên lớn tuổi, trông ai cũng nghiêm nghị, lại có thâm niên công tác lâu năm trong nghề nên chắc chắn họ sẽ có sự hiểu biết, nhiều kinh nghiệm thực tế hơn tôi rất nhiều. Nhưng sau vài phút trấn tĩnh tôi xác định, hãy bắt đầu buổi học với tinh thần cầu thị, mong muốn được trao đổi về kinh nghiệm thực tiễn và mong được đóng góp thêm những ý kiến để bổ sung xây dựng lý luận cho Khoa sau này.
Kết quả là buổi học đã diễn ra khá suôn sẻ và các học viên ủng hộ nhiệt tình”. Sau này, để có những “bài dạy giỏi”, chị đã cần mẫn cập nhật các tình huống nghiệp vụ mới; cần mẫn đổi mới phương pháp, làm mới mình, tích cực cùng học viên phản biện, thảo luận những tình huống nghiệp vụ mới, giúp người học không bị động và khơi lên trong họ niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Có một điều khá thú vị là phu quân của Trung tá Nguyễn Thị Thu Thuỷ cũng đang công tác trong ngành, đặc biệt 2 người lại từng là “bạn cùng lớp” với nhau. Anh rất thông cảm với công việc của vợ, luôn cùng sánh bước bên cạnh chị vượt qua nhiều khó khăn.
Tuy rất bận rộn, nhưng mỗi khi về tới nhà chị luôn gác lại công việc và dành thời gian để chăm sóc chồng con. Đối với Trung tá Thuỷ, ngoài việc chăm sóc, dạy dỗ con thì chị cũng phải học cách làm bạn với con, đồng thời phải làm sao để con luôn thấy tự hào về bố mẹ của mình.
Với chị, niềm yêu thích đặc biệt dành cho những cuốn sách chính là bí quyết để chị luôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Chị cũng rất thích đọc truyện thiếu nhi, xem phim hoạt hình vì phim hoạt hình hay truyện thiếu nhi tuy dành cho trẻ con nhưng lại có ý nghĩa thông điệp sâu xa dành cho cả người lớn.
Niềm đam mê công việc nghiên cứu khoa học, say mê với nghề giáo và tình yêu của gia đình, cộng thêm sự động viên của Học viện sẽ khích lệ chị cố gắng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để xứng đáng với hình ảnh người nữ nhà giáo CAND.
Tác giả: Thu Trang
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn