Chuyện đời, chuyện nghề của nữ nhà báo Công an

Thứ hai - 21/11/2016 21:10
Trong năm 2015 và đến tháng 10-2016, Thượng úy Đặng Khánh Hiền và đồng nghiệp đã sản xuất được nhiều chương trình format ở các thể loại: "Hành trình phá án", "Phía sau bản án", "An ninh với cuộc sống"... Với những cố gắng không ngừng của chị và đồng nghiệp, tác phẩm của chị và đồng đội đã đoạt nhiều giải báo chí...
 

Thời gian qua, khán giả theo dõi kênh ANTV của Truyền hình Công an nhân dân (CAND) đã quen thuộc với những chương trình chuyên biệt như: "Hành trình phá án", "Phía sau bản án", "An ninh với cuộc sống"... phản ánh bức tranh toàn diện về những chiến công, khó khăn, vất vả, cuộc sống đời thường của những cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an trên mọi miền Tổ quốc trong cuộc chiến đấu chống các loại tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự. Để có được những chương trình đặc sắc, mang đậm dấu ấn riêng của Truyền hình CAND, Thượng úy Đặng Khánh Hiền, Ban chuyên đề Truyền hình ANTV đã có những ngày trèo đèo, lội suối cùng đồng nghiệp, dấn thân trước những hiểm nguy cùng trinh sát để có những thước phim "đắt" phục vụ khán giả.

Trong bản tóm tắt thành tích của Đặng Khánh Hiền gửi BCH Hội Phụ nữ Bộ Công an, phục vụ cho việc tổ chức Đại hội đại biểu phụ nữ Bộ Công an lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2016-2021, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 11-2016 tại Hà Nội, chúng tôi có được thì thông tin thật ít ỏi. Thượng úy Đặng Khánh Hiền luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, chăm chỉ đi công tác xa, nhất là miền núi, biên giới, Tây Nam Bộ... Trong năm 2015 và đến tháng 10-2016, chị và đồng nghiệp đã sản xuất được nhiều chương trình format ở các thể loại: "Hành trình phá án", "Phía sau bản án", "An ninh với cuộc sống"...

Với những cố gắng không ngừng của chị và đồng nghiệp, tác phẩm của chị và đồng đội đã đoạt giải Huy chương vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 34 năm 2014; Huy chương bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 năm 2015; giải C báo chí về đề tài Lao động việc làm do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Báo chí Tuyên truyền và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức.

Tác phẩm được giải ba về đề tài “Vì An ninh cuộc sống” do Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng 2011-2013; tác phẩm đạt giải C báo chí về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình  yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức năm 2014 -2016. Đặc biệt, tháng 3-2016, Thượng úy Đặng Khánh Hiền vinh dự được nhận giải thưởng phụ nữ Công an tiêu biểu do Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng...

Trải lòng về công việc, Thượng úy Đặng Khánh Hiền chia sẻ: "Nghề báo không có sự ưu ái cho nhà báo nữ, nghề báo luôn đòi hỏi sự bình đẳng. Muốn có những tác phẩm được khán giả đón nhận thì dù là nhà báo nam hay nhà báo nữ đều phải có sự nỗ lực như nhau, tìm tòi đào sâu, đương đầu với hiểm nguy như nhau. Đặc biệt là một phóng viên, biên tập viên truyền hình thì lịch trình công tác thường kéo dài từ 1 tuần cho đến một tháng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi, Tây Nguyên như vậy rõ ràng là một nữ nhà báo sẽ gặp khó khăn và vất vả hơn nhiều so với các nhà báo nam...".

 
Chuyện đời, chuyện nghề của nữ nhà báo Công an
Nhà báo Đặng Khánh Hiền (bìa trái) trong một lần tác nghiệp.

Thượng úy Đặng Khánh Hiền nhớ lại những vất vả của chuyến đi công tác, có những lần xe ôtô không thể vào được, muốn có được cảnh quay thực tế chỉ có thể đi bộ, cả kíp phóng viên, biên tập viên, quay phim, lái xe đều phải đi bộ, đi hết một ngày trời, leo hơn 10 quả đồi, lội qua nhiều con suối trong khi không thể thiếu phương tiện tác nghiệp là máy tính, máy quay, đèn, chân máy quần áo tư trang mới tới nơi... đó là chuyến công tác trong bản ở Cao Biền, Thái Nguyên làm về vụ ngộ độc nấm, tính từ điểm dừng xe, đoàn đi bộ từ sáng đến gần 4h chiều mới tới nơi. Nhiều chuyến công tác, cả đoàn chỉ có mỗi chị là nữ, các bạn đồng nghiệp là nam thấy chị mệt quá bảo nên nghỉ ngơi cho lại sức, nhưng nghĩ tới trách nhiệm với công việc, chị lại cố gắng pha trò vui vẻ để động viên cả kíp vượt khó khăn, sớm hoàn thành nhiệm vụ...

Một câu chuyện mà Thượng úy Đặng Khánh Hiền chia sẻ cũng là tâm tư của rất nhiều nữ nhà báo chính là muốn đạt được kết quả trong công việc chuyên môn tốt nhất và tham gia tích cực vào các hoạt động của tổ chức quần chúng Hội Phụ nữ, Thanh niên, công đoàn, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì điều quan trọng chính là sự ủng hộ, quan tâm của cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Và một điều quan trọng nữa đó chính là có hậu phương vững chắc, sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là chồng, con đã luôn thông cảm, tạo điều kiện cho chị hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Mỗi chuyến đi dài ngày về thấy con chạy ra ôm chặt, khóc vì nhớ mẹ, nũng nịu đòi mẹ không được đi công tác lại thấy chạnh lòng. Thế nhưng, khi thu xếp công việc nhà ổn định, làm tư tưởng cho gia đình, chồng con, chị lại gói ghém đồ đạc cho một cuộc hành trình mới. Với chị, những chuyến công tác dù khó khăn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy là những trải nghiệm quý báu, giúp chị trưởng thành hơn và thêm yêu nghề hơn, thêm tự hào là nữ nhà báo Công an...

Anh Hiếu
 

Tác giả: Anh Hiếu

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây