Những kỷ niệm sâu sắc của các đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an với Báo CAND

Chủ nhật - 05/03/2017 20:51

 

 

Ở cương vị “tư lệnh” của lực lượng Công an, một mặt trận chính trị, bảo vệ an ninh trật tự vô cùng nóng bỏng, dù bận trăm công ngàn việc, các đồng chí Bộ trưởng ở thời kỳ nào cũng rất quan tâm tới công tác báo chí của ngành, quan tâm tới đội ngũ nhà báo – chiến sỹ CAND với kỳ vọng, tờ báo CAND, từ Công an mới, Nội san Rèn luyện đến Tập san CAND và bây giờ là Báo CAND luôn xứng đáng là anh cả, là máy cái trong hệ thống báo chí CAND.

Những bài học thấm thía

Hà Nội, một ngày giữa thu, tôi đã đến gặp Đại tá Trần Liêu, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1988. Bác Trần Liêu dù tuổi đã cao, nhưng vẫn mẫn tiệp và có trí nhớ thật tuyệt. Bác chia sẻ, cuộc đời làm báo đã cho bác may mắn được tiếp xúc, gần gũi với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và Bộ trưởng Phạm Hùng, được Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo nhiều vấn đề liên quan đến công tác báo chí; qua đó thấy đúc rút được nhiều kinh nghiệm làm báo quý báu và được trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị. Nhắc đến Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, bác Trần Liêu xúc động kể:

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã nhiều lần phát hiện những sai sót trong tác nghiệp báo chí của anh em chúng tôi, mà hồi đó làm báo khó khăn lắm, kỹ thuật in thô sơ, công tác phát hành chậm trễ, nên việc khắc phục sai sót cũng không phải dễ.

Vậy mà có lần, Báo CAND đã đăng nhầm ảnh đức vua X.Vắtthana của nước bạn Lào thành một nhân vật phản diện với những lời đả kích. May mắn thay, người phát hiện sai sót này chính là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Ngay lập tức, Bộ trưởng cho thu hồi báo.

Khi đó, chúng tôi thấy hú vía, thầy trò chạy “tóe khói” để khắc phục hậu quả. Nếu Bộ trưởng không phát hiện sơ suất ấy thì hậu quả chắc chắn sẽ rất lớn.

 
Những kỷ niệm sâu sắc của các đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an với Báo CAND
Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ thăm, làm việc với Báo CAND tại trụ sở số 3 Hồ Giám, Hà Nội (ngày 10-4-1984).

Nhưng Bộ trưởng không chỉ phê bình cái sai mà còn khen cái đúng cũng rất kịp thời. Có lần sau khi tích cực làm việc xong về kế hoạch công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn lật lại những bài báo Công an đã đánh dấu và nói với chúng tôi: Nên viết nhiều bài như thế này, Bộ trưởng đọc, Bộ trưởng thích; chiến sỹ đọc, chiến sỹ cũng thích.

Trong số bài Bộ trưởng khen, tôi có một bài tường thuật buổi đón tiếp Bác Hồ đến thăm Đại hội “Vì An ninh Tổ quốc, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, lần đầu tiên của lực lượng CAND (lúc 19h ngày 5-11-1966), dưới đầu đề “Thư gửi người xa”, vừa đăng báo CAND, vừa phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, chia sẻ với các chiến sỹ an ninh miền Nam, với các chiến sỹ Công an đang làm nhiệm vụ ở biên giới, giới tuyến, hải đảo niềm vinh dự, niềm vui tràn đầy xúc động của các đại biểu dự Đại hội khi được đón Bác đến thăm và nghe những lời Bác ân cần dạy bảo.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi lời căn dặn của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn dành cho các chiến sỹ Công an vũ trang: Anh em chúng ta là con cùng một mẹ, chúng ta phải đoàn kết với nhau, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Lời căn dặn đó đã thấm nhuần trong nhiều bài báo của tôi, với mong muốn những bài báo khi đến với cán bộ chiến sỹ sẽ góp phần hun đúc trong họ lòng yêu quê hương, tự hào dân tộc và kết nối tinh thần đoàn kết, tạo nên sức mạnh vô song.

Bác Trần Liêu chia sẻ tiếp: “Nhưng thời kỳ đồng chí Phạm Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) là thời kỳ tôi được Bộ trưởng hướng dẫn, chỉ bảo nhiều nhất về công tác làm báo. Bộ trưởng cũng là bạn đọc đặc biệt của Báo CAND. Đồng chí thường xuyên điện thoại, lúc viết thư tay, lúc gọi tôi đến nhà riêng, xoay quanh vấn đề: cách tổ chức, lãnh đạo, quản lý một cơ quan làm báo của Bộ Nội vụ.

Tôi nhớ ngày 10-4-1984, giữa ngổn ngang công trường xây dựng ngôi nhà ba tầng của tòa soạn, Bộ trưởng Phạm Hùng đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo CAND.

Bộ trưởng đã chia sẻ nhiều điều quý giá về công tác làm báo với anh em chúng tôi: “Những kinh nghiệm quý báu, những gương người tốt việc tốt tiêu biểu của lực lượng CAND trong cả nước đều quy tụ trong tờ báo CAND. Tờ báo phải đóng góp tích cực vào việc cải tiến tác phong, lề lối làm việc nhằm xây dựng lực lượng CAND tiến kịp với yêu cầu của những nhiệm vụ mới. Tờ báo còn khai thác những kinh nghiệm hay của các nước anh em để làm phong phú và nâng cao chất lượng nội dung. Bởi những lý do đó nên tôi cố gắng chăm lo cho tờ báo, đặc biệt quan tâm đến tờ báo”.

Bộ trưởng Phạm Hùng sát sao công việc tuyên truyền và nhiệm vụ chính trị của Báo CAND. Bộ trưởng luôn đau đáu về công tác phát hành, không muốn chiến sỹ phải ăn “cơm nguội”. Bộ trưởng trăn trở: “Tôi lo nhất là khâu in. Máy móc già cỗi quá. Vấn đề trước mắt là cải tiến khâu in”.

Sau đó, bằng rất nhiều nỗ lực, Bộ trưởng Phạm Hùng đã chủ trì cuộc họp quyết định in báo theo công nghệ offset tại H18, Bộ Công an, đánh dấu một bước chuyển mình trong công nghệ làm báo thời kỳ đó.

Có quyết tâm, có ý chí, sáng tạo thì việc gì cũng làm được

Sau này, khi Báo CAND phát hành công khai, ngày càng khẳng định vị thế trong làng báo chí Việt Nam với công nghệ làm báo hiện đại, chuyên nghiệp và cạnh tranh khốc liệt, thì Báo CAND vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn lao của Đảng ủy Công an Trung ương và các đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an ở các thời kỳ tiếp theo.

Kỳ vọng của các đồng chí Bộ trưởng Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ, Bộ trưởng Lê Minh Hương, Bộ trưởng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Trần Đại Quang và Bộ trưởng Tô Lâm là Báo CAND phải luôn xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Công an Trung ương, là phương tiện quan trọng giúp Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo các mặt công tác công an; là nhịp cầu nối giữa cán bộ chiến sỹ với nhân dân, cùng chung tay trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Nhắc đến kỷ niệm sâu sắc với Bộ trưởng Lê Hồng Anh, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND chia sẻ, Bộ trưởng Lê Hồng Anh rất gần gũi, quan tâm tới đội ngũ các nhà báo CAND. Những lần được trò chuyện, hay dự thảo phỏng vấn Bộ trưởng, đồng chí Phạm Văn Miên luôn thu lượm được từ Bộ trưởng nhiều bài học sâu sắc về đạo đức cách mạng của người làm báo, về trách nhiệm chính trị xã hội của nhà báo – chiến sỹ.

Trong đó, có lần, Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã thân tình tâm sự, thời làm báo Công an mới, hay Rèn luyện là minh chứng rõ nhất về ý chí làm báo cách mạng. Ngày đó, nhân bản bằng in bản đá, bìa được vẽ bằng thuốc đỏ y tế, báo in chỉ có 15 bản, dần dần tăng số lượng in lên hơn 2.000 bản, báo được gửi tới các đơn vị Công an cả nước, từ Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu V và Công an Nam Bộ. Bộ trưởng Lê Hồng Anh nhắc lại thời kỳ gian khó đó để muốn căn dặn đội ngũ những người làm báo CAND rằng, “dù trong điều kiện khó khăn đến đâu nhưng chúng ta có quyết tâm, có ý chí và tìm tòi sáng tạo thì việc gì cũng có thể làm được.

Bài học đó trong điều kiện hội nhập hiện nay càng trở nên quan trọng, không chỉ riêng với công tác báo chí, mà cả với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội của lực lượng Công an chúng ta”.

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã có những nhận xét báo chí sắc sảo, quý giá, trước hết với tư cách là độc giả của Báo CAND và sau là trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Bộ Công an. Bộ trưởng Lê Hồng Anh căn dặn những người làm báo CAND: Thông tin nhanh nhưng phải chính xác, có tính định hướng, tính chính trị.

Muốn vậy, mỗi cán bộ phóng viên phải rèn cho mình kỹ năng làm báo tốt, trau dồi tư tưởng đạo đức, lập trường quan điểm vững vàng và phải có cái tâm trong sáng… Những lời căn dặn, chỉ bảo của Bộ trưởng Lê Hồng Anh không bao giờ mất tính thời sự, luôn nóng hổi và luôn đúng với công tác làm báo, dù ở thời kỳ nào và công nghệ nào.

Nhưng với Thiếu tướng Phạm Văn Miên, thời kỳ đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang lãnh đạo Bộ Công an là một trong những thời kỳ làm báo mà ông được học hỏi, chỉ bảo nhiều nhất với nhiều kỷ niệm ý nghĩa và rất thú vị.

 
Những kỷ niệm sâu sắc của các đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an với Báo CAND - Ảnh minh hoạ 2
Đại diện Đảng ủy, Ban Biên tập Báo CAND chúc mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào ngày 2-4-2016.

Bộ trưởng Trần Đại Quang hiểu rất rõ công tác làm báo, hiểu cả những “kỹ thuật bếp núc” của báo chí, nên mọi chỉ đạo của đồng chí đối với công việc làm báo rất chuẩn xác. Thú vị nữa là Bộ trưởng Trần Đại Quang là cộng tác viên “ruột” của Báo CAND từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi Báo lưu hành nội bộ.

Độc giả thời ấy quen thuộc và rất yêu thích nhiều bài báo của “nhà báo Trần Đại Quang” tại chuyên mục “Tìm hiểu địch”, “Tường thuật vụ án”…, với những phân tích sắc sảo, đầy chất nghiệp vụ nhưng cũng ngọn ngành lý, tình. Ngày đó, “nhà báo” không chuyên Trần Đại Quang còn dự lớp tập huấn tường thuật vụ án trên Báo CAND.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên kể, Bộ trưởng Trần Đại Quang dù bận trăm ngàn việc nhưng vẫn ưu tiên quan tâm đến tờ báo CAND nói riêng và công tác báo chí nói chung. Bộ trưởng theo dõi rất sát sao các thông tin trên các ấn phẩm báo chí CAND. Có những bài hay, Bộ trưởng gọi điện khen ngay, nhưng có những bài chưa tốt, Bộ trưởng phê bình thẳng thắn. Nhiều lần “nửa đêm gà gáy”, Thiếu tướng Phạm Văn Miên bị Bộ trưởng điện thoại để yêu cầu Báo phải điều chỉnh ngay thông tin cho chính xác trên báo điện tử, sau là trên báo giấy để đảm bảo tính chính trị, tính định hướng.

Bộ trưởng Trần Đại Quang thường xuyên cập nhật thông tin trên Báo Điện tử CAND, nhiều khi Bộ trưởng đang công tác tại nước ngoài vẫn tranh thủ đọc báo và có trao đổi, chỉ đạo kịp thời công việc làm báo của anh em báo chí ở nhà.

Có lần, trong chuyến công tác các tỉnh Tây Bắc của đồng chí Bộ trưởng, có phóng viên Báo CAND tháp tùng, Bộ trưởng nhắc: “Các đồng chí viết bài ở Sơn La được rồi, nhưng sang đến Điện Biên thì phải viết khác đi cho hấp dẫn”.

Nói về cách viết gương người tốt việc tốt, Bộ trưởng từng nói rằng, không phải viết gương là không hấp dẫn, viết không hay bạn đọc mới không đọc, cứ viết hay là sẽ có bạn đọc. Về các vụ án, Bộ trưởng yêu cầu, viết làm sao để thấy được thành tích của lực lượng phá án, mà lại lồng ghép được bài học phòng ngừa.

Nói về mảng bài đấu tranh chống diễn biến hòa bình, Bộ trưởng nhắc nhở: “Không phải mình có tờ báo là nói lấy được, phê bình để người khác tiếp thu được mới là đáng quý”. Có một điều thú vị là Bộ trưởng Trần Đại Quang thuộc khá nhiều tên, thậm chí cả khả năng viết tốt thể loại nào của một số phóng viên Báo CAND. Và anh em làm báo CAND đều có chung suy nghĩ: Bộ trưởng “ốp” sát sao như thế, áp lực thật đấy, nhưng cũng “sướng”, được trưởng thành nhanh hơn về mọi mặt.

Bộ trưởng Trần Đại Quang rất am tường công tác làm báo, hiểu sâu sắc sức mạnh của báo chí, do đó rất nhiều vụ việc quan trọng gần đây, Bộ Công an đã làm rất tốt khâu truyền thông, thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng ủy Công an Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Bộ, định hướng sắc sảo cho dư luận, đồng thời góp phần quan trọng đập tan âm mưu của các thế lực phản động.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên kể lại: Có một vài vụ án nghiêm trọng, sai sót trong công tác tố tụng, cần thể hiện kịp thời quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an trên mặt báo, do đó, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã dành thì giờ chỉ đạo một số anh em các đơn vị, trong đó có Tổng Biên tập Báo CAND làm cả ngày nghỉ chỉnh sửa một văn bản, để thông tin kịp thời tới công chúng.

Thông điệp của lãnh đạo Bộ Công an là phải xử lý nghiêm sai phạm, để củng cố lòng tin cho quần chúng nhân dân. Bộ trưởng còn bảo rằng, việc chúng ta thông tin kịp thời về quan điểm xử lý của Bộ về những vụ án nghiêm trọng và nhạy cảm, vừa thể hiện được trách nhiệm người làm báo, nhưng đó cũng là danh dự của lực lượng CAND chúng ta.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên và các nhà báo đang công tác tại Báo CAND sẽ không quên lời căn dặn của đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang trong những buổi gặp mặt, chúc mừng các cơ quan báo chí CAND, trong đó có cán bộ chiến sỹ Báo CAND: “Để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ báo chí CAND luôn nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là nghiệp vụ báo chí; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức trong sáng của người làm báo cách mạng, xứng đáng là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa”…

Với Bộ trưởng Tô Lâm, do thời gian đảm nhận cương vị cao nhất của lực lượng Công an chưa nhiều, nhưng theo Thiếu tướng Phạm Văn Miên, đồng chí cũng là người rất quan tâm đến công tác báo chí. Khi đại diện Đảng ủy, Ban Biên tập đến chúc mừng đồng chí được Quốc hội bầu vào chức danh Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm đã nói vui với Tổng Biên tập: “Ông Miên nhé, tôi cũng là nhà báo, có thẻ nhà báo và từng viết khá nhiều bài báo đấy!”.

Rồi đồng chí Bộ trưởng trao đổi, Báo thời gian qua tốt rồi, song cần có những bài viết sắc sảo nhưng phải mềm mại, uyển chuyển, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù trước mọi vấn đề của đất nước. Báo cần tăng cường hơn nữa các bài về điển hình của lực lượng Công an, của người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các lực lượng bảo vệ pháp luật, góp phần giữ vững cuộc sống bình yên của người dân...

Đại tá Chu Phùng, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND giai đoạn từ năm 1988 đến năm 1994 (khi Báo bắt đầu phát hành rộng rãi ngoài xã hội), giờ đã thành người thiên cổ. Trong một bài báo nói về những kỷ niệm với Bộ trưởng Mai Chí Thọ, bác Chu Phùng đã viết rằng, Bộ trưởng Mai Chí Thọ chính là “bà đỡ” cho Báo CAND ra với toàn dân.

Ngay từ khi mới về nhận chức, Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã đề nghị các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND làm sao để Báo ra với nhân dân càng sớm càng tốt. Chỉ ít ngày sau, một cuộc họp do Bộ Công an tổ chức đã mời được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa – Thông tin có quyết định cho phép Báo CAND lưu hành trong toàn dân.

Những số báo đầu tiên ra với nhân dân, Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã đọc rất kỹ, thường xuyên nhắc nhở về khâu in ấn, góp ý từng bài. Bộ trưởng nhắc nhở nhiều về nội dung báo sao cho phong phú, hấp dẫn, khuyên Báo nên có nhiều phóng sự, đặc biệt phải hết sức coi trọng tuyên truyền về sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Thu Phương
 

Tác giả: Thu Phương

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây