Buổi gặp mặt là hoạt động do BLL tổ chức chào mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Thiếu tướng Trần Văn Ba, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an trung ương đã đến tặng hoa, chúc mừng các cựu cán bộ công an nữ còn có nhiều hội viên nam của BLL.
Đại diện BLL, bà Nguyễn Thị Hải cho biết, 36 thành viên nữ trong BLL hiện nay chỉ chiếm một phần quân số các nữ công an từng vào chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Người ít tuổi nhất đã ngoài 60, nhiều người đã trên 70 tuổi.
Ngày lên đường vào miền Nam nhận nhiệm vụ, nhiều người mới 14, 15 tuổi. Tham gia nhiều hoạt động khác nhau nhưng phần lớn các nữ công an làm công tác y tế, cơ yếu và thông tin. Bản thân bà, 16 tuổi cũng vào chiến trường miền Nam.
Hoàn thành chương trình đào tạo của trường Nữ trinh sát đặc biệt, năm 1967, bà cùng 9 đồng nghiệp khác khoác ba lô lên đường. Hành trang trĩu nặng trên vai, những khó khăn gian khổ, hiểm nguy suốt 3 tháng trời nhiều vô kể nhưng tinh thần, khí thế “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước vẫn hừng hực cùng bầu nhiệt huyết của các nữ công an trẻ.
Thiếu tướng Trần Văn Ba, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an trung ương chúc mừng và chụp hình cùng một số thành viên BLL |
Cùng các cựu cán bộ công an trong BLL kể lại chuyện xưa, bà Hoàng Thị Minh Hồng cho biết, bà cùng một số đồng đội được đào tạo từ trường Nữ trinh sát đặc biệt nhận quyết định vào chi viện cho chiến trường miền Nam trước Tết Mậu Thân 1968 khoảng 3 tháng. Ròng rã vượt Trường Sơn, đoàn vào đến căn cứ trung ương Cục Miền Nam vào đúng dịp Tết. Ngay sau đó là những chuỗi ngày gian lao, vất vả nhưng rất đỗi tự hào sát cánh sống, chiến đấu cùng nhân dân miền Nam ruột thịt…
Các nữ công an chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ hội ngộ ngày 6/3 |
Cho đến hôm nay, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, những năm tháng ấy vẫn in đậm trong ký ức của các nữ cựu cán bộ công an. Đó không chỉ là những tháng ngày đói cơm, nhạt muối, những trận sốt rét rừng xanh xao, những mùa mưa xối xả không gạo, không rau hay tiếng gầm rú của B52 rải thảm mà còn là những nỗ lực không ngừng để hàng triệu bức điện mật được chuyển đến và đi chính xác, kịp thời. Đó là kỷ niệm về những đội ngũ y, bác sĩ ngày đêm tận tình chăm sóc, chữa trị cho các thương bệnh binh trong các trạm xá dã chiến, thiếu thốn trăm bề của lực lượng an ninh miền nam…
Kể lại những kỷ niệm cũ, bà Phan Thị Thúy Mỳ, nữ công an từng giấu mẹ viết quyết tâm thư bằng máu, đề nghị được vào miền Nam chiến đấu để đền nợ nước, trả thù nhà tự hào khẳng định: đội ngũ các nữ công an chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã sống xứng đáng với lý tưởng cách mạng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, có người đã không còn trở về lành lặn. Di chứng chiến tranh, tuổi xuân trôi qua nơi trận mạc khiến nhiều người không được hưởng hạnh phúc đời thường, kể cả niềm vui được làm vợ, làm mẹ. Thế nhưng, tất cả vẫn tiếp tục tỏa về nhiều nơi, đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau nhưng tất cả vẫn luôn giữ vững phẩm chất của người công an nhân dân đã được thử thách, trui rèn qua lửa đỏ.
Cho đến tận hôm nay, khi đã hoàn thành trách nhiệm với tổ quốc, với nhân dân, những nữ công an ấy vẫn luôn ý thức sống gương mẫu tại cộng đồng địa phương nơi cư trú. Nhiều người không chỉ trở thành những người bà, người mẹ, người vợ đảm đang, trung hậu mà còn là những nhân tố tích cực, tiếp tục đóng góp cho địa phương trong các tổ chức đoàn thể…
Tác giả: N.Nguyễn
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn