Những dấu chân thầm lặng giữa thời bình

Thứ tư - 08/11/2017 19:44
Mảnh đất của hạt gạo làng ta (Nam Sách, Hải Dương) đã đi vào những vần thơ của Trần Ðăng Khoa, nuôi dưỡng tâm hồn anh từ thủa ấu thơ, và vùng đất nơi phên dậu của Tổ quốc, Lai Châu từ bao giờ đã trở thành quê hương của người lính ấy. Dấu chân của anh đã in hình ở hầu khắp các bản vùng cao, nơi cuộc sống của người dân còn muôn vàn khó khăn và thiếu thốn.


Phía sau những chiến công của lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu nói riêng, của Công an tỉnh Lai Châu nói chung, luôn có sự đóng góp thầm lặng của những người cán bộ như Ðại tá Nguyễn Mạnh Hiện và những người đồng đội của anh. 

1. Hai năm trở lại đây, căn nhà nằm lọt thỏm trong một con phố của TP Lai Châu thường xuyên “nổi lửa” hơn. Những bữa cơm đã có cả bố và con dù không được thường xuyên bởi công việc đột xuất, bất ngờ của người cha. Và vị trưởng phòng cũng không còn phải chịu cảnh “cơm niêu, nước lọ” như trước bởi bây giờ, cậu con trai của anh cũng nối nghiệp cha, trở thành một cán bộ trong lực lượng CAND... 

Công việc của người lính hình sự vốn cơ động, phụ thuộc vào công việc, trách nhiệm của người chỉ huy đòi hỏi anh phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Một năm hai ba lần, anh mới có dịp về Hải Dương thăm nhà, mọi công việc nơi quê nhà từ chăm sóc con thơ đến phụng dưỡng bố, mẹ anh đều do một tay người vợ tần tảo đảm nhiệm.

Những dấu chân thầm lặng giữa thời bình
Ðại tá Nguyễn Văn Hiện.

Tiếp xúc với vị Trưởng phòng PC45 - Đại tá Nguyễn Văn Hiện - và những người đồng đội của anh, một câu hỏi bật ra trong tôi, là điều gì đã thôi thúc anh gắn bó với mảnh đất nơi phên dậu của Tổ quốc. Ở Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu, rất nhiều cán bộ, chiến sỹ có hoàn cảnh như Đại tá Hiện. Họ từ các tỉnh dưới xuôi lên công tác tại Công an tỉnh Lai Châu rồi coi nơi đây là quê hương thứ hai của họ. Câu trả lời hóm hỉnh của vị trưởng phòng đã trả lời những thắc mắc của tôi, đó là niềm đam mê được cống hiến cho công việc. Bởi nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai.

Cuộc điện thoại cắt ngang câu chuyện của tôi với Đại tá Nguyễn Văn Hiện, bên kia đầu máy là tin báo về vụ trọng án xảy ra tại xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ. Sau 2 ngày mất tích, nạn nhân Vấn được tìm thấy tại bờ suối Nậm Cuổi, đã tử vong, thân thể đang trong tình trạng bị phân hủy, lúc đó khoảng 17h30 ngày 21-7. Sau khi nghe báo cáo, người chỉ huy ấy nhanh chóng nhận định tình hình rồi chỉ đạo Đội Trọng án phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an huyện Sìn Hồ, tập trung lực lượng phá án... Chứng kiến những khoảnh khắc đó, tôi thêm hiểu hơn về công việc của những người lính hình sự và hơn cả là áp lực của một người chỉ huy ở đơn vị mũi nhọn của Công an tỉnh Lai Châu.

“Để tôi đưa ra các con số giúp nhà báo hình dung được những khó khăn của chúng tôi” - vị trưởng phòng tiếp lời, sau cuộc nói chuyện thường xuyên bị ngắt quãng bởi việc chỉ đạo án. Lai Châu có trên 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ học vấn của người dân còn thấp nhất là vùng sâu, vùng xa; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn còn tiềm ẩn trong tâm trí của không ít người. Bởi vậy mà không ít các vụ trọng án đau lòng đã xảy ra, nguyên nhân bắt nguồn từ ma chài. Phần lớn các vụ việc này đều là những vụ án khó... Như để minh chứng, anh kể cho chúng tôi vụ án xảy ra cách đây không lâu.

Vụ án xảy ra vào ngày 15-5, sau 2 ngày mất tích trên lán nương, xác của nạn nhân Sùng A Khư, tên thường gọi là Sùng Tùng Khứ (trú tại xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ) được phát hiện tại lòng hồ thủy điện Sơn La. Vào thời điểm tìm thấy, trên người nạn nhân có 3 sợi dây buộc vào cổ, phía dưới là 4 hòn đá... 

Từ thời điểm nạn nhân được phát hiện cho đến khi vụ án được khám phá thành công là quãng thời gian các anh đã phải rất vất vả để tìm ra sự thật. Dăm ba bộ quần áo, một vài thứ đồ dùng thiết yếu, anh Hiện cùng các cán bộ Đội trọng án, vào hiện trường. Điều kiện địa bàn khó khăn, phức tạp, thành phần dân tộc đa dạng... Trong khi đó, cán bộ đơn vị chưa thông thuộc địa bàn cũng như ngôn ngữ của họ; đối tượng nghi vấn lại khá rộng nên các trinh sát gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều tra. 

Bắt đầu từ những mâu thuẫn trong mối quan hệ của nạn nhân với những người xung quanh, bằng sự tỉ mỉ, các trinh sát đã lần lượt triệu tập 3 đối tượng nằm trong diện nghi vấn đến trụ sở gồm: Sùng A Tính; Sùng A Vả và Sùng Hồng Chứ (đều là con đẻ của ông Sùng Tùng Khứ). 

Qua đấu tranh, Sùng A Vả khai nhận do nghi ngờ ông Sùng A Khứ làm ma chài hại chết con mình vào tháng 2-2017 và tiếp tục làm ma chài hại con mới đẻ của Sùng Chứ Hồng. Kết hợp với việc ông Khứ thường xuyên chửi bới, đánh đập vợ là bà Cháng Thị Mỷ (là mẹ của Hồng, Vả và Tính) nên đêm 11-5, các đối tượng đã lên kế hoạch đánh chết ông Khứ. Sau khi gây án, các đối tượng mang xác nạn nhân ra lòng hồ thủy điện Sơn La lấy dây buộc vào 4 hòn đá và quấn vào cổ ông Khứ rồi thả xác xuống lòng hồ.

Thế nhưng, trong khi lấy lời khai của Vả, Đại tá Hiện đã nhận thấy những điểm bất thường trong lời khai này. Về sau, sự cẩn trọng của anh đã giúp cho cuộc điều tra được làm sáng tỏ, không bắt oan người ngay và bỏ lọt tội phạm. 

Quá trình thu thập lời khai, các anh phát hiện trước đó Vả cùng với Giàng A Cở (thông gia với ông Khứ, bố vợ của Vả, trú tại xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ) và Vừa Giống Pùa (con rể của ông Khứ, trú tại địa chỉ trên) chữa bệnh tại nhà bà Dịnh ở bản Hải Hồ. Mắt xích để mở ra vụ án chính là việc có thông tin vào khoảng 17 giờ cùng ngày, Cở, Vả và Pùa không ở nhà bà Dịnh mà đi đâu không rõ đến gần sáng mới về. 

Lúc này, anh Hiện đã chỉ đạo anh em trinh sát tập trung xác minh việc sử dụng thời gian của các đối tượng này. Những định hướng của anh đã giúp vụ án thành công tốt đẹp. Đối tượng Cở sau khi được triệu tập cho biết anh ta đã chứng kiến  Vả và Pùa đánh chết ông Khứ. Căn cứ vào lời khai của Cở, một tổ trinh sát của PC45 Công an tỉnh Lai Châu đã khẩn trương nắm bắt thông tin và xác định Pùa đang lẩn trốn tại huyên Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Vụ án có nhiều tình tiết dẫn đến oan sai, song với tinh thần kiên quyết điều tra, làm rõ vụ án đã chứng minh được tội phạm. Sau khi ăn cơm tại nhà bà Dịnh, Vả nảy ý định giết chết ông Khứ, đối tượng nói chuyện đó với Pùa và Cở và cả ba đều thống nhất... Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, ba kẻ thủ ác đã vứt xác nạn nhân xuống lòng hồ Thủy điện Sơn La.

Trong vụ án này, Hồng và Tính lúc đầu nhận tội vì nghĩ rằng mình có liên quan đến cái chết của người cha. Trong vụ việc này, nếu cán bộ điều tra không tỉ mỉ, điều tra làm rõ thì sẽ rất dễ dẫn đến oan, sai. 

2. Rời vùng quê Nam Sách (Hải Dương), Nguyễn Văn Hiện khăn gói lên Lai Châu nhận công tác, ngày ấy anh cũng không nghĩ rằng, chuyến đi đó kéo dài đến nửa đời người. Lúc đó, đường sá không được thuận lợi như bây giờ, anh em chủ yếu là đi bộ, đường vào bản vẫn chỉ là những lối mòn chứ chưa thể đi xe ô tô vào đến xã như bây giờ... Công việc quãng thời gian đó đã giúp anh nhiều trong việc phá án sau này. 

Sau đó, anh được cấp trên điều động đến một số đơn vị khác nhau, chủ yếu vẫn trong lĩnh vực điều tra. Và sau khi tách tỉnh Lai Châu cũ, anh được phân công làm Phó trưởng Công an huyện Tân Uyên phụ trách công tác quản lý hành chính. Vào thời điểm đó, đây là địa bàn vừa tách ra từ Lào Cai, tình hình liên quan đến công tác quản lý nhà nước có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó đáng chú ý là tội phạm ma túy, trộm cắp tài sản... Cùng với đồng đội, anh đã tham mưu với UBND và Công an huyện có nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa và trấn áp tội phạm.

Những năm trở lại đây, các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Lai Châu, hầu hết đều ở các bản vùng cao nằm lưng chừng núi, cách biệt với các khu dân cư. Có những địa bàn, cán bộ phải ngược dốc mà lên ròng rã cả ngày trời. Mảng việc của lính hình sự phần nhiều là các vụ án đột xuất, bất ngờ nhưng 100% các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được Phòng PC45 Công an tỉnh Lai Châu làm rõ; trên 80% án nghiêm trọng được khám phá thành công. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu không có các tụ điểm phức tạp, không hình thành băng, ổ nhóm tội phạm gây bức xúc trong dư luận nhân dân. 

Với những thành tích đã đạt được, từ năm 2014 đến 2016, Đại tá Nguyễn Văn Hiện liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cơ sở; 9 lần được nhận Bằng khen của Bộ Công an, UBND tỉnh Lai Châu trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Anh cũng là một trong những Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND của Công an tỉnh Lai Châu. 

Phòng PC45 Công an tỉnh Lai Châu, đơn vị do anh phụ trách nhiều lần nhận được nhận Cờ của Tổng cục Chính trị CAND cùng nhiều phần thưởng cao quý khác do lãnh đạo Bộ Công an và UBND tỉnh Lai Châu trao tặng. Một trong những bí quyết để thành công chính là sự gương mẫu của người chỉ huy, từ đó đã tạo nên một tập thể đoàn kết, hết lòng vì công việc, vượt qua những khó khăn, trở ngại và cả những cám dỗ của đồng tiền để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hoàng Ðạt - Trần Xuân

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây