Không phải ngẫu nhiên mà các vụ án Pḥng PC49 Công an tỉnh Hà Nam phát hiện trong thời gian qua đều là bắt quả tang, khi đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội. Ðó là quá trình dày công theo dõi, thể hiện từ khâu nắm bắt tình hình đến việc lựa chọn thời điểm phá án.
1. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường hiện nay rất đa dạng. Các vi phạm xảy ra cả trong và ngoài các khu công nghiệp, tập trung vào một số ngành nghề trọng điểm như sản xuất mỹ ký có công đoạn mạ kim loại, sản xuất đồ chơi trẻ em có công đoạn phun sơn.
Trong quá trình hoạt động, sản xuất có phát sinh khí thải, nước thải độc hại, nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, không khí; làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân.
Để qua mắt lực lượng chức năng, các doanh nghiệp bằng nhiều phương thức, thủ đoạn đã thực hiện hành vi vi phạm tinh vi, có sự tính toán, ngụy trang để che giấu cơ quan chức năng.
Trong khi đó, việc bắt giữ các vi phạm trong lĩnh môi trường cũng khó khăn chẳng khác gì các lực lượng nghiệp vụ khác. Để đối tượng “tâm phục, khẩu phục”, thời điểm bắt giữ phải là lúc đối tượng đang thực hiện hành vi vi phạm như xả thải và phải thu được mẫu.
Đó là đối với những vụ xả thải, các vụ việc bắt giữ khí thải không qua xử lý vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép còn khó hơn nhiều.
Thiếu tá Nguyễn Thị Hoài Nam. |
“Trong những vụ việc này, thời gian chỉ tính từ 5-7 phút, nếu không kịp thời thu khí thì sẽ không có căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp”, chia sẻ với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Minh Đức, Trưởng Phòng PC49 Công an tỉnh Hà Nam bộc bạch.
Hành vi xả thải của doanh nghiệp này thường diễn ra trong khoảng 30 phút, lưu lượng xả khoảng 40-50 m3 khí trong một lần. Khi đối tượng đưa nguyên liệu vào hệ thống xử lý, sẽ sử dụng axít để tẩy những kim loại bám trên khung, giá hàng. Cùng với việc trinh sát nắm tình hình, Thiếu tá Nguyễn Thị Hoài Nam và đồng đội còn phải tự tìm tòi, học hỏi, tìm hiểu quy trình mạ kim loại.
Trong vụ án này, có 3 vị trí họ phải tiếp cận đó là nơi nhúng kim loại vào axít để tẩy, công đoạn này dễ phát sinh ra khí. Thứ hai là vị trí bảng điện, đối tượng chỉ cần dập cầu dao là toàn bộ hệ thống xử lý sẽ bị vô hiệu hóa. Còn một vị trí nữa quan trọng không kém chính là việc thu mẫu trong các ống khí ở trên cao, chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn.
Yêu cầu đặt ra lúc này là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình tiếp cận, cùng lúc 3 mũi công tác phải đảm bảo làm chủ khu vực, để khi có lệnh thì lập tức bắt giữ, trong điều kiện hệ thống camera giám sát của công ty hoạt động 24/24 giờ. Chỉ một cần một sơ xuất nhỏ là sẽ không có đủ căn cứ để xử lý hành vi vi phạm.
Ngoài những khó khăn trên, trong quá trình bắt giữ đối tượng, lực lượng trinh sát còn phải tính toán sao cho đảm bảo an toàn cho anh em, đặc biệt là phải có mặt nạ phòng độc. Kế hoạch được tính toán tỉ mỉ như vậy nhưng phải đến 9 giờ 30 phút sáng hôm sau, mới thực hiện thành công.
Trọn một đêm không ngủ, thành công của vụ án khiến chị và đồng đội quên hết mệt mỏi. Việc bắt giữ thành công ngoài mong đợi. Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống xử lý khí khải của Công ty TNHH Thời trang Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, không hoạt động và công ty đang có hành vi xả khí thải sản xuất không qua xử lý ra bên ngoài.
Sau khi bắt giữ, Phòng PC49 Công an tỉnh Hà Nam đã tiến hành lập biên bản vụ việc; đồng thời phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sử dụng thiết bị đo nhanh và tiến hành thu mẫu khí thải để phục vụ cho công tác kiểm định.
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Phó trưởng phòng Hoài Nam không giấu được những lo âu, chị bộc bạch: Trong quá trình hoạt động sản xuất có phát sinh khí thải, nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hại đến sức khoẻ của công nhân làm việc trong công ty và người dân sống ở khu vực xung quanh.
Đối với con người, theo thống kê thì hậu quả của nhiễm độc khí N20, dưới 1 giờ gây viêm phổi trong 6-8 tuần; trong một số trường hợp nếu nhiễm độc kéo dài có thể phá hủy dây khí quản, gây tử vong...Vụ việc này, Phòng PC49 đã hoàn tất hồ sơ, đề xuất ra quyết định xử phạt hành chính đối với công ty trên.
2. Những năm tháng lăn lộn ở địa bàn cơ sở, trực tiếp tham gia bắt giữ tội phạm đã tạo cho người nữ chỉ huy ấy sự nhạy bén. Trong công việc, chị mạnh mẽ, quyết đoán trong công việc, nhưng khi trở về với cuộc sống hằng ngày thì cũng nữ tính và dễ mềm lòng.
Tâm sự với tôi, Thiếu tá Hoài Nam nhớ lại: Tốt nghiệp Trung học Cảnh sát, chị về công tác tại Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế Công an huyện Duy Tiên (Hà Nam). Những ngày đầu chập chững vào nghề, chị tham gia vào các mảng việc được phân công. Nhưng vào thời điểm đó, ở cấp huyện các sai phạm về kinh tế phần lớn chỉ liên quan đến thuế... nên phần việc chính của chị vẫn là mảng hình sự.
Nhà chị cách đơn vị chỉ mấy cây số, nhưng có khi vài ngày chị chẳng được qua nhà. Khi thì cùng đồng đội theo một chuyên án ma túy, có lúc lại bắt giữ một ổ nhóm trộm cắp tài sản. Có một kỷ niệm mà mãi đến giờ, mỗi khi nhắc lại chị vẫn còn thấy đỏ mặt.
Lần đó, chị tham gia một vụ bắt giữ đối tượng tổ chức mại dâm. Nhiều ngày theo dõi, chuyên án được khám phá thành công. Lúc ấy, chị chưa có gia đình nhưng lại phải hỏi cung một phụ nữ có quá nhiều kinh nghiệm tình trường, nhìn đời bằng đầy sự thù hận khiến chị không ít lần phải đỏ mặt... Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, với đam mê học hỏi, chị đã trưởng thành hơn trong công việc.
“Chính quãng thời gian lăn lộn ở địa bàn đã giúp tôi có thêm kinh nghiệm công tác sau này”, Thiếu tá Hoài Nam giãi bày: Hầu hết các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực môi trường chỉ là xử lý hành chính... Thế nhưng, công việc bắt giữ đều phải thực hiện đúng với quy trình bài bản. Muốn chứng minh được tội phạm thì phải bắt quả tang. Trong khi đó, việc tiếp cận, nắm bắt thông tin tại các doanh nghiệp, đặc biệt là cơ sở kinh doanh có vốn nước ngoài 100% thì lại càng không dễ dàng. Đó còn chưa kể đến việc vắng nhà bất kể thời gian nào, dù mưa hay nắng. Bởi thời điểm khi đêm tối, lúc trời mưa to hay điều kiện thời tiết diễn biến bất thường lại chính là lúc các đối tượng lợi dụng để hoạt động.
Ngoài sự độc hại, anh em trinh sát còn phải đối mặt với những nguy hiểm cận kề trong quá trình truy bắt đối tượng vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Trong quá trình trinh sát nắm tình hình, chị và đồng đội phát hiện xe ôtô BKS 29C-23072 do Phạm Ngọc Thoại (SN 1979), vận chuyển 20 bao tải đựng bùn thải từ quá trình xử lý nước thải của Công ty TNHH Naria Vi Na (có trụ sở tại KCN Đồng Văn 1, thị trấn Đồng Đăng, huyện Duy Tiên).
Đây là loại chất thải nguy hại được quy định tại Thông tư số 36/ 2015/TT- BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại. Ngoài việc thường xuyên tiếp xúc với các chất độc, bẩn, nguy hại còn là sự chống đối quyết liệt của các đối tượng có hành vi vi phạm.
Trong vụ việc này, sau khi bắt giữ, chị đã hoàn thiện hồ sơ vụ việc, báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, UBND tỉnh cho Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam ra quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Lê Đức Minh (SN 1967, trú tại Kim Bảng, Hà Nam), là nhân viên quản lý môi trường của Công ty TNHH Naria Vi Na về hành vi chuyển giao, cho bán chất thải nguy hại cho cá nhân không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, không ít doanh nghiệp đã dùng tiền và rất nhiều tiền để nhằm bỏ qua vi phạm. Điển hình như lần bắt giữ tại một công ty có địa chỉ ở huyện Duy Tiên. Dù hành vi vi phạm bị bắt quả tang nhưng đối tượng vờ như không biết việc gì xảy ra. Khi tổ công tác của Phòng PC49 chỉ rõ sai phạm, đối tượng bắt đầu nói tiếng Việt; đồng thời đặt vấn đề bồi dưỡng cán bộ để nhằm bỏ qua sai phạm.
Khi Thiếu tá Nam yêu cầu đối tượng cất tiền đi, nếu không sẽ lập biên bản, người này tiếp tục giả vờ ngây ngô, hỏi biên bản là gì. Sau đó, đối tượng đặt vấn đề chi tiền bồi dưỡng theo tháng cho đơn vị... Đó là những tình huống Thiếu tá Hoài Nam và đồng đội không ít lần gặp phải. Song trong bất cứ hoàn cảnh nào, người nữ chỉ huy ấy và đồng đội vẫn giữ vững được bản lĩnh.
Làm sao để bữa cơm trong mỗi gia đình được an toàn, một môi trường sống trong sạch, lành mạnh… là điều mà chị và đồng đội luôn trăn trở để thực hiện. Với những thành tích đã đạt được, Thiếu tá Nguyễn Thị Hoài Nam đã vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Hà Nam, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen và nhiều thành tích khác. Trong những thành tích của Phòng PC49 Công an tỉnh Hà Nam, có sự đóng góp không nhỏ của người nữ đội trưởng say nghề, gắn bó với công việc.
Thanh Xuân
Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn