Thách thức thời hội nhập
Là địa phương cửa ngõ phía Tây Bắc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, tuy nhiên kinh tế, xã hội của tỉnh Hòa Bình còn chậm phát triển, nhất là khu vực vùng cao, vùng sâu. Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến thực trạng trên, song theo Đại tá Bình, do chính sách của tỉnh còn chậm đổi mới, chưa theo kịp với nhịp độ phát triển chung của đất nước, thu hút đầu tư còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương. Các doanh nghiệp địa phương hầu hết có quy mô nhỏ, tự phát, chưa có tầm nhìn và chiến lược phát triển vươn tầm khu vực.
Một nguyên nhân quan trọng theo đánh giá của Trưởng Phòng CSKT, Đại tá Nguyễn Xuân Bình đó là các sai phạm liên quan đến kinh tế, tham nhũng còn diễn biến khá phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng kẽ hở trong quản lý tài sản công nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, gây chia rẽ nội bộ, bức xúc trong dư luận nhân dân.
Đó là vụ “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và PTTP huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ, các trinh sát trực tiếp làm việc với một số thầy, cô giáo đang công tác tại trường để xác định mức độ sai phạm của hiệu trưởng và kế toán nhà trường. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn do không thu được chứng cứ vật chất, nhiều giáo viên do tâm lý lo sợ, liên tục thay đổi lời khai, thậm chí không hợp tác với cơ quan điều tra.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, Phòng CSKT đề xuất lập án đấu tranh. Kiên trì xác minh dấu vết sai phạm, ban chuyên án có đủ căn cứ xác định, ông Nguyễn Việt Hùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Cao Phong đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo cấp dưới lập khống chứng từ để chiếm đoạt tài sản Nhà nước với số lượng lớn. Cụ thể, ông Hùng đã chỉ đạo bà Ngô Thị Bé, kế toán nhà trường lập khống và kê tăng 20 chứng từ để rút số tiền trên 136 triệu đồng.
Đấu tranh khai thác, ông Hùng và bà Bé phủ nhận hành vi chiếm đoạt tài sản nhà nước mà cho rằng, đây là vấn đề nội bộ của nhà trường, giáo viên đã “xúc phạm, bôi nhọ danh dự làm giảm uy tín của hiệu trường và nhà trường”. Ông còn cam kết sẽ “làm rõ tố cáo sai sự thật của giáo viên để xử lý nghiêm”. Tuy nhiên, trước chứng cứ rõ ràng của cơ quan điều tra, 2 đối tượng này phải thừa nhận hành vi phạm tội.
Theo Đại tá Bình, cuộc chiến chống tội phạm cổ cồn trắng gian nan, vất vả, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng, dự báo trước các tình huống có thể xảy ra, đồng thời phải tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. “Tội phạm kinh tế lắm mưu mô, xảo quyệt và có trình độ học vấn cao. Công an chỉ hoàn thành nhiệm vụ khi có sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân” - Đại tá Bình cho biết.
Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại.. CSKT Công an tỉnh Hòa Bình đã góp phần ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc phức tạp, gây bức xúc dư luận. Trong năm 2019, lực lượng CSKT đã tập trung xử lý 73 vụ buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, xử phạt gần 600 triệu đồng. Trong đó có 3 vụ buôn bán lâm sản trái phép, 7 vụ khai thác khoảng sản trái phép, 57 vụ gian lận thương mại.
So với năm 2018 phát hiện nhiều hơn 9 vụ và gần 400 triệu đồng. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt 100%. Trong đó đã khởi tố 4 vụ việc mà các đối tượng có sự thông đồng, móc ngoặc của cán bộ nhà nước với bên ngoài, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Điển hình là vụ mua bán hóa đơn trái phép xảy ra huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Hay trường hợp Nguyễn Thị Bình (SN 1979, nguyên cán bộ Thanh tra tỉnh Hòa Bình) đã lừa đảo, chiếm đoạt của hàng chục người ở địa bàn tỉnh Hòa Bình và nhiều địa phương khác với số tiền trên 21 tỷ đồng. Quá trình điều tra, các điều tra viên đã gặp gỡ nhiều bị hại, thu thập chứng cứ, tài liệu để xác định Bình bằng “lời đường mật”, đã nhận tiền với hứa hẹn xin việc hoặc “chạy” vào các trường công an, quân đội. Sau khi không có khả năng hoàn trả, Bình đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng CSKT phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương truy bắt Bình. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định Bình lẩn trốn ở một gia đình người quen ở Lào. Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với cơ quan Interpol và Bộ An ninh Lào tổ chức xác minh. Sau khi xác định nơi đối tượng lẩn trốn ở bản Na Xay, huyện Say Sệt Thà, thủ đô Viêng Chăn (Lào), các trinh sát lập tức đến khu vực trên bắt giữ và dẫn độ an toàn về địa phương.
Bắt giữ đối tượng mua bán động vật quý hiếm. |
Mang xuân đến nơi rẻo cao
Là đơn vị được giao đỡ đầu xã Ngổ Luông, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Hằng năm, cứ mỗi dịp tết đến, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSKT lại đến thăm hỏi, chúc tết, tặng quà cán bộ và nhân dân Ngổ Luông.
Theo Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Phong, Ngổ Luông là xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất huyện chiếm 70% với mức thu nhập bình quân dưới 20 triệu đồng/người/năm. Đời sống khó khăn, giao thông đi lại cách trở khiến cho Ngổ Luông biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Tỷ lệ học sinh phổ cập trung học phổ thông rất thấp, chất lượng giáo dục không đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, từ khi được Phòng CSKT Công an tỉnh Hòa Bình hỗ trợ phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên. Các cán bộ chiến sĩ đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất ở Ngổ Luông, đưa các giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, tạo thêm thu nhập cho người dân.
Trong 3 năm qua, Phòng CSKT đã huy động nguồn xã hội hóa đầu tư vào Ngổ Luông với số tiền hàng tỷ đồng, góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân địa phương.
Như HùngNguồn tin: http://antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn