Người chỉ huy “truyền lửa” cho cán bộ, chiến sỹ

Thứ sáu - 07/02/2020 13:56
Trải qua nhiều công việc, địa bàn khác nhau, gần 40 năm công tác trong ngành Công an, Đại tá Lê Hoài Nam đã để lại nhiều dấu ấn...


Trải qua nhiều công việc, địa bàn khác nhau, gần 40 năm công tác trong ngành Công an, Đại tá Lê Hoài Nam đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác xây dựng lực lượng, đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Đặc biệt, thời gian giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Kông Chro, anh đã thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giữ mối đoàn kết trong nội bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Đại tá Nam luôn quan tâm rèn luyện cho mỗi cán bộ chiến sỹ đức tính cần cù, sáng tạo, tận tụy phục vụ nhân dân. Gắn liền với lời dạy của Bác “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”, với giải pháp trọng tâm là Xây dựng văn hóa ứng xử trong Công an nhân dân.

Người chỉ huy “truyền lửa” cho cán bộ, chiến sỹ
Đại tá Lê Hoài Nam cùng các đồng chí trong Ban lãnh đạo Công an huyện Kông Chro nhận Cờ truyền thống 30 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành do Huyện ủy, UBND huyện và UBMTTQ huyện Kông Chro trao tặng.

Trong lần phát biểu trao đổi kinh nghiệm, tại Hội nghị “Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, do Công an tỉnh Gia Lai tổ chức, Đại tá Lê Hoài Nam Khẳng định: “Để cán bộ chiến sỹ học tập những điều Bác dạy, trước tiên, bản thân tôi và các đồng chí trong cấp ủy, lãnh đạo đơn vị phải gương mẫu, nêu gương cho CBCS. Sau đó, lãnh đạo, chỉ huy cùng CBCS thực hiện qua những việc làm cụ thể. Dù việc nhỏ nhất chúng tôi cũng phải làm, cùng nhau trao đổi, học tập, rèn luyện.

Tôi xác định, việc nêu gương phải kiên trì từng bước, vừa vận động giáo dục, thuyết phục, uốn nắn, biết lắng nghe và chia sẻ. Làm việc bằng cái tâm, bằng cả tấm lòng với nhân dân. Việc rèn ý thức “nụ cười thân thiện” với người dân đến trụ sở làm việc của CBCS gác cổng, tiếp dân hay công tác vận động gia đình đối tượng phạm tội… cũng được rèn, được nhắc nhở và trở thành việc làm thường xuyên…

Mỗi cán bộ, chiến sỹ phải đến với nhân dân bằng cả tinh thần trách nhiệm, tận tụy. Trong giải quyết công việc cho nhân dân, tôi sẵn sàng dành thời gian tiếp chuyện và trực tiếp chỉ đạo giải quyết ngay công việc, tuyệt đối không hứa hẹn nhân dân rồi để chậm trễ”.

Nói về sự quan tâm chia sẻ tình cảm, kinh nghiệm công tác, dìu dắt cán bộ chiến sỹ trong đơn vị của Trưởng Công an huyện, Đại úy Phạm Thành Công, Đội trưởng Đội tổng hợp Công an huyện Kông Chro tâm sự: “Sau nhiều năm công tác tại Đội Xây dựng phong trào, Đội Điều tra tổng hợp đến năm 2014, tôi được điều động bổ nhiệm Phó Đội trưởng Đội An ninh, rồi Đội trưởng Đội Tổng hợp. Đứng trước những chức trách, nhiệm vụ mới, tôi không khỏi có những lo lắng vì công việc chưa quen, sợ không hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thế nhưng, trong công việc cũng như trong cuộc sống Đại tá Nam đã quan tâm, động viên về tinh thần, chia sẻ, hướng dẫn về các mặt công tác nghiệp vụ giúp tôi an tâm tư tưởng, tích lũy, học tập được nhiều kinh nghiệm, không ngừng trưởng thành.

Đồng chí Nam chỉnh sửa, hướng dẫn cho tôi thực hiện từng câu từ, từng ý diễn đạt trong các văn bản, báo cáo để phù hợp với thực tiễn, qua đó, tôi học tập được rất nhiều kinh nghiệm quý giá, có cách sắp xếp, thực hiện công việc khoa học, hiệu quả hơn. Trong công tác chỉ đạo, triển khai, chấn chỉnh các mặt công tác, Thủ trưởng Nam đều khích lệ cán bộ chiến sĩ: Hãy đến và phục vụ nhân dân bằng sự kính trọng với tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy và vô điều kiện”. 

Đại tá Nam cũng luôn thể hiện tinh thần sâu sát với công việc, nhiều lần anh đã trực tiếp xuống địa bàn cùng cán bộ chiến sỹ làm công tác bảo đảm an ninh trật tự. Điển hình vụ 60 người dân của làng Huynh Dơng, xã Kông Yang kéo nhau ra làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đắk Pơ để phạt vạ. Đại tá Nam đã trực tiếp đến hiện trường, cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, kiên trì vận động, tìm “nút thắt” để giải quyết ngay nguyện vọng của người dân là được đền bù, được cúng lễ theo phong tục.

Trưởng Công an huyện đã vận động, cùng cán bộ bỏ tiền túi tạm ứng trước để giải quyết cho dân. Khi nhận đủ tiền và được vận động người dân đã tự giải tán, ổn định tình hình… Sau đó, Đại tá Nam tiếp tục chỉ đạo các đội nghiệp vụ tiến hành linh hoạt, mềm dẻo, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chính đáng của cộng đồng dân cư và thượng tôn pháp luật.

Sự có mặt của Trưởng Công an huyện giải thích thấu tình đạt lý, người dân đã tin và hưởng ứng. Từ những vụ việc được giải quyết dứt điểm như thế người dân chủ động cung cấp cho Công an huyện những thông tin quan trọng phục vụ đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Trung tá Hà Đình Nguyên, Phó Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc chia sẻ: “Qua việc chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng Nam bản thân tôi học được rất nhiều điều, đặc biệt là việc xây dựng các mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, từ ý tưởng, cách thức xây dựng, tổ chức hoạt động. Thủ trưởng Nam là người khởi xướng thành lập “Mô hình làng tự quản gắn chốt an ninh trật tự” trên địa bàn huyện đã được nhiều đơn vị, địa phương học tập”.

Hình ảnh Trưởng Công an huyện gần gũi, gắn bó, có trách nhiệm với nhân dân đã được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hết lòng kính trọng, tin tưởng. Những việc làm cụ thể đó, không những giúp Công an huyện Kông Chro, huyện nghèo nhất tỉnh Gia Lai luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, là đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành điều lệnh CAND mà còn là hành trang quan trọng để cán bộ chiến sỹ tự soi, tự sửa, tự rèn, nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, không ngừng trưởng thành.

Tác giả: H.Trường

Nguồn tin: http://cand.com.vn

 Từ khóa: công an, công tác, trải qua

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây