Đại uý Luân không nhớ nổi số lần mình đã tham gia hành quân như thế. Chỉ biết tất cả các chuyên án đều đột xuất, bất ngờ, chuẩn bị trong thời gian ngắn và thường đi từ trong đêm hoặc gần sáng. Chủ yếu họ đi cùng các đơn vị để phục vụ việc sơ cấp cứu, xử lý chấn thương cho anh em cán bộ chiến sỹ (CBCS), nhưng cũng có khi phục vụ các đối tượng trong chuyên án.
“Như vụ phá sới bạc ở Chùa Dận, Bắc Ninh, nhiều con bạc lớn tuổi, người mệt mỏi do thức đêm, huyết áp tăng… khiến anh em phải tập trung sơ cứu ban đầu, đưa đến các cơ sở chăm sóc y tế để ổn định tinh thần. Vụ đánh bạc ở Sóc Sơn, Hà Nội, một số phụ nữ sợ quá nhảy xuống sông, chúng tôi phải nhảy theo để đưa họ lên, sơ cấp cứu…” – anh kể.
Ngoài ra, CBCS tập luyện với cường độ cao không thể tránh khỏi việc chấn thương, xây xát, khiến cán bộ y tế phải luôn bám sát, đồng hành; chưa kể công tác ứng trực thời gian dài và những nhiệm vụ đột xuất thì thường xuyên. Đặc thù của lực lượng vũ trang là ăn ở tập trung và sẵn sàng chiến đấu. Do đó những người làm công tác y tế trong lực lượng CSCĐ vừa là thầy thuốc, vừa là người lính cùng song hành chiến đấu với đồng đội.
Điểm khác biệt là họ phải hiểu biết sâu chuyên môn sơ cấp cứu ban đầu để phục vụ cho luyện tập và diễn tập cấp cứu; phải thích nghi tốt trong mọi hoàn cảnh và khả năng tác chiến cao để ứng biến, phối hợp các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Lực lượng y tế CSCĐ luôn đảm bảo sức khoẻ cho CBCS. |
Đại uý Nguyễn Danh Luân và câu chuyện mà anh kể chỉ là một nét phác thảo trong bức tranh toàn cảnh những chức năng, nhiệm vụ của lực lượng y tế CSCĐ.
Theo Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Hải Anh, Trưởng phòng Y tế, Cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh CSCĐ, tháng 7-2014, đơn vị được thành lập, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Tư lệnh CSCĐ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ CBCS.
Từ đó đến nay, Phòng Y tế cùng đội ngũ cán bộ y tế các trung đoàn đã tham gia phục vụ các lễ kỷ niệm lớn của Đảng, Nhà nước, lực lượng CAND và Bộ Tư lệnh CSCĐ; tham gia và góp phần đảm bảo thành công cho các chuyên án lớn, đột xuất, đặc biệt về hình sự, kinh tế, ma túy, tội phạm công nghệ cao… mà lực lượng CSCĐ được phân công phối hợp.
Bên cạnh đó, lực lượng Y tế CSCĐ luôn thực hiện tốt công tác khám bệnh, điều trị cho CBCS, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh…
Chia sẻ về những khó khăn hiện tại, bác sỹ Hải Anh cho rằng, do tính chất đặc thù ăn ở tập trung nên khi có dịch bệnh thì lây lan rất nhanh, Phòng Y tế phải có biện pháp khoanh vùng để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát và tìm cách xử lý hiệu quả, không để ảnh hưởng tới sức khoẻ CBCS.
Việc khám sức khoẻ định kỳ khá vất vả vì đơn vị rộng, địa bàn đóng quân rải rác, trải dài từ Bắc đến Nam, tập trung ở vùng sâu, vùng xa.
“Mạng lưới, hệ thống y tế và trình độ CBCS chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Việc triển khai mô hình bệnh xá tại các trung đoàn đã bắt đầu đi vào hoạt động nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu, kể cả trụ sở Phòng Y tế vẫn đang là nhà tạm, mô hình lắp ghép” – anh nói.
Dù còn nhiều hạn chế, thiếu thốn về nhân lực và vật lực nhưng Phòng Y tế đã vượt khó, tạo nên những dấu ấn nhất định trong toàn lực lượng CSCĐ. Đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đề xuất mua bộ test vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện đồng bộ trong toàn bếp ăn của Bộ Tư lệnh CSCĐ, đáp ứng nhu cầu “ăn sạch” của CBCS.
Đồng thời tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng ngừa dịch bệnh theo mùa, hướng dẫn thực hiện các quy định kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước sinh hoạt ở khu bếp ăn và nơi ở của CBCS. Tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh; giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời và xử lý hiệu quả các ca bệnh…
Y tế CSCĐ còn phục vụ việc xử lý trường hợp huấn luyện xảy ra tai nạn, thương tích; tham gia vào các tình huống giả định cấp cứu con tin và CBCS…
“Còn nhớ, lần tham gia phục vụ Lễ diễu binh chào mừng 70 năm Quốc khánh 2-9, một số chiến sỹ bị ngất do thời tiết khắc nghiệt và việc tập luyện căng thẳng, cường độ cao. 13h, khi lễ diễu binh đã thành công tốt đẹp, đảm bảo an toàn, các khối đã rút về hết thì khu vực trại dã chiến của đơn vị vẫn còn phải phục vụ cấp cứu cho CBCS tham gia hành quân bị ngất. Những người cuối cùng “rời trận địa” như chúng tôi vừa bận rộn, lo lắng cho CBCS song cũng tự cảm thấy trách nhiệm của mình phải làm sao để đảm bảo tốt nhất sức khoẻ cho họ” – Thiếu tá Nguyễn Hải Anh tâm sự.
Còn Thượng uý Nguyễn Văn Huấn, cán bộ Đội Hướng dẫn và chỉ đạo tuyến lại ấn tượng về lần luyện tập phục vụ diễn tập sông nước ở Huế.
“Trời mưa, cán bộ và bà con tham gia ngã oạch suốt, thế nhưng họ vẫn nhiệt tình phối hợp với các lực lượng đảm bảo thành công cho buổi diễn tập. Chúng tôi vừa diễn tập, vừa đảm bảo công tác y tế cũng cảm thấy xót xa lắm. Bà con nhân dân, trong đó có cả những sinh viên trẻ dù ngã chảy máu, băng bó xong vẫn tiếp tục tham gia. Có lẽ, đó là tình người, tình quân dân thắm thiết…”
Năm 2016, Bệnh xá của Phòng Y tế đã tiếp nhận 2.300 lượt CBCS đến khám chữa bệnh; đồng thời cán bộ y tế của Bộ Tư lệnh đã khám bệnh, kê đơn cấp thuốc điều trị tại chỗ cho gần 30.000 lượt CBCS ngay tại các đơn vị. Công tác khám bệnh và điều trị đảm bảo quy định, thận trọng, tỉ mỉ; nâng cao chất lượng khám bệnh, tư vấn điều trị ở tất cả các lĩnh vực, tinh thần và thái độ phục vụ, chăm sóc người bệnh luôn được chú trọng. Nhờ đó không có tình trạng dịch bệnh xảy ra, không có trường hợp nào xảy ra sai sót về chuyên môn…
Trong câu chuyện của người bác sỹ, Trưởng phòng toát ra nhiệt huyết và những ý tưởng muốn mở rộng và phát triển hệ thống y tế trong Bộ Tư lệnh CSCĐ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám bệnh, cấp cứu kịp thời và điều trị, chăm sóc sức khoẻ cho những CBCS trực tiếp chiến đấu.
“Chúng tôi không mong muốn gì hơn ngoài việc đảm bảo cho CBCS khoẻ mạnh về thể chất, an tâm tư tưởng và vững chắc tay súng. Vì nhiệm vụ đấu tranh chuyên án và các vụ việc đột xuất, chúng tôi luôn sẵn sàng” - Bác sỹ Nguyễn Hải Anh khẳng định.
Tác giả: Quỳnh Vinh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn