Ngay sau khi thành lập (16-2-1953), lực lượng Cảnh vệ đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong CAND làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, phát hiện, bóc gỡ mạng lưới gián điệp, biệt kích của địch, bảo vệ ANTT tại căn cứ địa và các vùng giải phóng làm hậu phương vững chắc, bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao và khu căn cứ, góp phần cùng các lực lượng trong Công an và Quân đội đánh thắng thực dân Pháp.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phạm vi, đối tượng bảo vệ của lực lượng Cảnh vệ được mở rộng.
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao; các mục tiêu tại khu vực Trung ương, Chính phủ; các cuộc mít tinh, hội nghị; các đoàn khách quốc tế, lực lượng Cảnh vệ còn triển khai công tác bảo vệ chính trị nội bộ các cơ quan Trung ương, bảo vệ Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán và bảo vệ chuyên gia các nước XHCN sang giúp đỡ ta xây dựng CNXH, lực lượng Cảnh vệ đã tổ chức các biện pháp, chỉ đạo, phối hợp với lực lượng liên quan bảo vệ tuyệt đối an toàn các đối tượng cảnh vệ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ mở đầu chiến tranh phá hoại điên cuồng ném bom miền Bắc hòng ngăn cản chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Trước tình hình đó, Cục Cảnh vệ đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ; tăng cường lực lượng, phương tiện, vũ khí, nhất là dự phòng các tình huống đề phòng máy bay địch oanh tạc, xây dựng hầm hào trú ẩn...
Đặc biệt, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Cục Cảnh vệ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát, xây dựng và tổ chức công tác bảo vệ các khu căn cứ địa bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong trường hợp khẩn cấp tại các địa điểm: Kim Bôi (Hòa Bình), Chợ Đồn (Bắc Thái), Đá Chông (Ba Vì, Hà Tây).
Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhất là trong 12 ngày đêm đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và các thành phố lớn miền Bắc, lực lượng Cảnh vệ đã bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, khu vực Trung ương, Chính phủ, góp phần quan trọng cùng quân dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ về nguồn tại lán Nà Nưa (Tuyên Quang, 2016). |
Để bảo vệ tuyệt đối an toàn hội nghị, Bộ Công an giao cho Cục Cảnh vệ phối hợp với các cục nghiệp vụ triển khai công tác bảo vệ hai phái đoàn: Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri.
Mặc dù công tác bảo vệ gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn; các đồng chí lãnh đạo đoàn đàm phán cùng sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, kiều bào và lực lượng an ninh Pháp, lực lượng Cảnh vệ đã bảo vệ tuyệt đối an toàn hai phái đoàn đàm phán; bảo vệ tốt các tài liệu bí mật, các kế hoạch đấu tranh của ta trên bàn đàm phán; giữ bí mật tuyệt đối nội dung thông tin liên lạc của ta giữa Pa-ri với Hà Nội; bảo vệ an toàn hoạt động từ Hà Nội đến Pa-ri và ngược lại của các đồng chí Cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thuỷ và nhiều cuộc đi thăm các nước của đồng chí Nguyễn Thị Bình - đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Sau gần 5 năm, lực lượng Cảnh vệ đã bảo vệ an toàn 201 phiên họp công khai, 45 phiên họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn. Ngày 27-01-1973, Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được kí kết. Trong kết quả to lớn trên mặt trận đấu tranh ngoại giao đó có một phần hết sức quan trọng của công tác cảnh vệ.
Về công tác bảo vệ khách quốc tế, trong giai đoạn này, lực lượng Cảnh vệ đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam như: Đoàn Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (1956), Đoàn Thủ tướng Cộng hòa Tiệp Khắc V.Xi-rô-ki (1957), Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ R.Pra-xát (1959), các đoàn chuyên gia Liên Xô, Cu-ba, Trung Quốc, Tiệp Khắc… Đặc biệt bảo vệ an toàn Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô sang thăm Việt Nam và đến thăm tỉnh Quảng Trị (tháng 9-1973).
Ở miền Nam, trong bối cảnh đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ra sức tìm mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, tiêu diệt lực lượng cách mạng.
Để bảo vệ lực lượng và cán bộ cách mạng, tháng 10-1956, đơn vị bảo vệ Xứ ủy Nam Bộ (sau này là Trung ương Cục) được thành lập, lấy tên là C80, sau đó phát triển thành Trung đoàn 180 (tiền thân của Phòng Bảo vệ 180 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).
Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục, Ban An ninh Miền, Đoàn 180 đã phối hợp với các lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân đánh bại “kế hoạch Phượng Hoàng” của địch, bảo vệ nội bộ và khu căn cứ Trung ương Cục; đánh bại các cuộc hành quân lớn như Át-tơn-bơ-rô, Xê-đan-phôn, Gian-xơn Ci-ty góp phần làm thất bại ba chiến lược chiến tranh của Mỹ ở miền Nam: “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Trên cơ sở vừa chiến đấu, vừa bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục: đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng…; bảo vệ tuyệt đối an toàn các hội nghị, cuộc họp quan trọng và các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam tại khu căn cứ.
Để có những thắng lợi và chiến công đó, gần 500 CBCS lực lượng Cảnh vệ ở hai miền Nam, Bắc đã anh dũng hi sinh cùng hàng trăm chiến sỹ bị thương, hiến dâng tuổi thanh xuân cho nền độc lập của dân tộc.
Đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Lực lượng Cảnh vệ đã phối hợp với các lực lượng liên quan chủ động triển khai công tác cảnh vệ trong tình hình mới.
Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây (2006 - 2016), lực lượng Cảnh vệ đã bảo vệ tuyệt đối an toàn hơn 24.000 cuộc hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có hơn 900 cuộc đi công tác nước ngoài; gần 1.500 đoàn khách quốc tế có chế độ cảnh vệ đến Việt Nam, trong đó có gần 300 đoàn nguyên thủ quốc gia; hơn 2.300 hội nghị, mít tinh và lễ hội, trong đó có các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII; các kỳ họp Trung ương, Quốc hội khóa XII, XIII; XIV các sự kiện lớn của đất nước như Lễ mít tinh, diễu hành kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Quốc khánh (2-9); nhiều hội nghị quốc tế, mít tinh và lễ hội lớn như Hội nghị APEC 14 (2006), Hội nghị ASEAN 16 (4-2010), Hội nghị ASEAN 17 (10-2010), Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010) và gần đây là IPU 132 (2015)...
Đón tiếp và hướng dẫn hơn 24 triệu lượt người, trong đó có hơn 5 triệu lượt khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu di tích lịch sử văn hóa Ba Đình.
Ghi nhận những thành tích và chiến công to lớn của lực lượng Cảnh vệ CAND trong sự nghiệp cách mạng và trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 8 tập thể và 7 cá nhân và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trong thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các đối tượng cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị Anh hùng LLVTND, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an, nhất là Chỉ thị 46-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) ngày 22-6-2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đặc biệt là lòng trung thành.
Thường xuyên đổi mới, chủ động, sáng tạo, đoàn kết và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, thực hiện tốt khẩu hiệu hành động “Đổi mới, chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế; dựa vào nhân dân và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan trong công tác cảnh vệ; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” và Chỉ thị 03/CT-BCA-X11 ngày 18-4-2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ trong CAND, xây dựng lực lượng Cảnh vệ CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, mãi mãi xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tác giả: Trung tướng Nguyễn Thanh Hà Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn