Người đội trưởng nặng lòng với Phú Quốc

Thứ sáu - 21/12/2018 12:56
Để gắn bó được với huyện đảo Phú Quốc từ những ngày kinh tế nơi đây còn chưa phát triển, người chiến sĩ Công an phải có trong tim một tình yêu quê hương, một khát khao cống hiến mãnh liệt.


Phú Quốc là đảo ngọc, đảo thơ với những du khách đến và đi, ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ của huyện đảo. Còn với những chiến sĩ Công an, đây là một vùng đất đầy sóng, gió và nắng. Để gắn bó được với huyện đảo từ những ngày kinh tế nơi đây còn chưa phát triển, người chiến sĩ Công an phải có trong tim một tình yêu quê hương, một khát khao cống hiến mãnh liệt.

Chúng tôi đã gặp một chiến sĩ như vậy vào một ngày cuối năm. Đó là Thiếu tá Trần Ngọc Trung, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Vì công tác, gác chuyện nhà

Sinh ra ở Quảng Ngãi, nhưng từ nhỏ Trung đã cùng gia đình vào Phú Quốc sinh sống. Trước đó, cha anh là một chiến sĩ Cách mạng, đã bị địch bắt và giam cầm ở Phú Quốc. Sau ngày giải phóng vì thấy yêu mến vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc, nên năm 1981, ông đã chuyển cả gia đình ra huyện đảo sinh sống.

Người đội trưởng nặng lòng với Phú Quốc
Thiếu tá Trần Ngọc Trung, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Khi đó, nước ta vẫn còn trong thời bao cấp nên đời sống rất khổ cực. Hơn nữa, vì là dân di cư nên gia đình Trung đối mặt với rất nhiều khó khăn. Dù vậy, cậu bé Trần Ngọc Trung vẫn kiên trì theo đuổi con đường học tập và nuôi trong mình một ước mơ dùng con chữ để đổi đời, phụ giúp gia đình.

Sau khi học hết phổ thông trung học, Trung thi vào trường Công an vì đây cũng là ngành mà Trung cảm thấy phù hợp nhất với tính cách của mình. Vì vậy, năm đó Trần Ngọc Trung hạ quyết tâm thi vào Đại học Công an, không thi bất cứ ngành nào khác.

Vào trường năm 1999, đến năm 2004 thì Trung tốt nghiệp và được điều về công tác ở Đội Điều tra Tổng hợp Công an huyện Phú Quốc. Anh đã đem hết những gì mình học được ở trường để đóng góp vào công tác. Cộng với những kinh nghiệm từ các anh em đi trước, Trung đã nhanh chóng trưởng thành được đồng đội yêu mến, cấp trên tin tưởng.

Nhờ đó, chỉ sau 3 năm công tác (năm 2007), Trung đã được cấp trên đề nghị bổ nhiệm Đội phó Đội điều tra. Tuy nhiên, lúc đó Trung vẫn còn phân vân, anh muốn lên Bình Phước, quê của vợ chưa cưới để công tác, nên chưa nhận lời. Đến năm 2008, Trung cưới vợ và hứa với vợ sau khi cưới sẽ chuyển công tác lên Bình Phước, vì gia cảnh của vợ Trung không thể chuyển đi nơi khác do nặng gánh cha mẹ và một cậu em trai bị bệnh. Do đó, nhận được đề nghị bổ nhiệm lên Đội phó, Trung đã nói với cấp trên để dành cho những đồng chí khác.

Tuy nhiên, vừa cưới vợ xong, chưa kịp thực hiện lời hứa với vợ, Trung lại được cử đi học cao học, nên tạm gác lại mọi dự định. Sau khi tốt nghiệp cao học vào năm 2010, Trung một lần nữa được đề nghị bổ nhiệm làm Đội phó Đội điều tra, và lần này anh đã nhận lời. Vậy là vợ chồng Trung vẫn phải tiếp tục sống cảnh mỗi người một ngả. Đến năm 2013, anh lại được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội điều tra, công việc và nghĩa vụ càng nhiều hơn. “Khi đó, Đội hình sự vẫn chưa tách ra khỏi Đội điều tra, nên công việc rất nhiều, anh em phải kiêm nhiệm nhiều công việc”, Thiếu tá Trần Ngọc Trung nhớ lại.

Niềm vui khi hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn

Chia sẻ về những niềm vui nỗi buồn trong công tác, Thiếu tá Trung cho biết anh vui nhất là khi… nhận được những nhiệm vụ khó khăn. “Có những nhiệm vụ khó buộc mình phải trăn trở ngày đêm, cố tìm cách gỡ mãi mà không ra. Chẳng hạn có những đối tượng chây ì, gan lì không nhận tội, và mình tìm mãi cũng không ra bằng chứng thuyết phục để buộc tội. Nhưng cuối cùng, bằng sự nỗ lực của toàn đội và sự chỉ đạo của cấp trên, mình lại gỡ được, lại giải quyết được, buộc đối tượng phải nhận tội tâm phục khẩu phục, thì lúc đó cảm giác rất vui, rất hạnh phúc”, Thiếu tá Trần Ngọc Trung chia sẻ.

Người đội trưởng nặng lòng với Phú Quốc - Ảnh minh hoạ 2

Một niềm vui khác của anh Trung, đó là luôn nhận được sự tin tưởng, sẻ chia của đồng đội. “Khi tôi về làm Đội trưởng, có rất nhiều anh em lớn tuổi hơn, nên công tác lãnh đạo và điều hành có đôi chút khó khăn. Nhưng rất vui là được các anh thương và ủng hộ, không ai phản kháng hay ức chế gì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đó là một trong những điều mà tôi cảm thấy vui”, Thiếu tá Trung nhớ lại.

Nhờ những niềm vui này, mà trong suốt 8 năm kể từ lúc cưới vợ cho đến khi đón được vợ về Phú Quốc, anh không cảm thấy sờn lòng. Thiếu tá Trung chia sẻ: “Đầu tiên, tôi hứa với vợ sau khi kết hôn sẽ từ từ chuyển về Bình Phước. Nhưng một phần do tôi không muốn xa gia đình ở đây, công việc ở đây. Vì anh em rất gắn bó, ‘ôm nhau mà sống’. Tôi nói ‘ôm nhau mà sống’, tức ‘không ôm là chết’. Lúc đó nhân sự ít mà công việc nhiều, nên anh em phải choàng gánh đỡ đần cho nhau, ai làm được việc gì đều xắn tay áo lên mà làm, không phân biệt đó là trách nhiệm của ai. Vì vậy anh em rất thương nhau, rất gắn bó, nên không nỡ rời xa”.

Mãi đến năm 2014, sau nhiều năm tích góp và thêm tiền vay mượn, anh Trung đã mua được một nền đất ở xã và cất nhà để rước cả gia đình vợ về Phú Quốc, cả nhà anh mới được sum họp. Khi đó, con đầu lòng của anh cũng đã được hơn 7 tuổi. Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Trung cho biết anh không hề nuối tiếc, vì đã được cống hiến hết mình cho ngành, góp sức giúp gìn giữ yên bình trên Đảo Ngọc.

Năm 2018, trên địa bàn huyện Phú Quốc xảy ra 115 vụ phạm pháp về trật tự xã hội (giảm 34 vụ), trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 10 vụ. Tình hình tội phạm giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Qua công tác đấu tranh, Đội điều tra đã điều tra khám phá 104/115 vụ (đạt 90,43%), bắt, xử lý 171 tội phạm; án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã điều tra khám phá 10/10 vụ (100%).
Long Viên

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây