Năm 1945, trước khí thế sôi sục của những ngày đầu cách mạng, ông rời quê hương, lên Hà Nội, tham gia vào các tổ chức cách mạng tại Thủ đô và là chiến sĩ Đội tự vệ chiến đấu khu Đông thành Hà Nội.
Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông cùng đồng đội giữ vững các tuyến đường huyết mạch để Bác Hồ và chính quyền cách mạng rút lên căn cứ, bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Năm 1947, ông được điều trở lại quê hương, làm Xã đội trưởng, trực tiếp chiến đấu với kẻ thù.
Đại tá Lã Văn Tư, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam trao danh hiệu Anh hùng cho Đại tá Đào Quang Vinh. |
Giai đoạn 1949 - 1952, khi lực lượng dân quân du kích xã đã phát triển cả về số lượng và qui mô, Tỉnh ủy Hà Nam chỉ đạo công tác phá tề trừ gian, mở rộng khu du kích và căn cứ du kích, ông được lệnh chuyển về làm Chính trị viên phó Đại đội trợ chiến, Tiểu đoàn 71 tỉnh Hà Nam.
Với vai trò là người chỉ huy, trực tiếp chiến đấu tiêu diệt nhiều tên địch và bè lũ tay sai; thoắt ẩn, thoắt hiện, quấy rối các đồn, bốt địch, cái tên Đào Quang Vinh (tức Mân) từ lâu đã là “cái gai” trong mắt bọn thực dân và tay sai. Hành tung của ông luôn được bọn chỉ điểm theo sát để tìm cách tiêu diệt.
Ngày 26-5-1950, mới tờ mờ sáng, phát hiện ông đang tham gia cuộc họp với tổ Đảng làng Chanh, quân Pháp và lính ngụy của 3 bốt Cống Vua, Bàng Ba, Lý Nhân đã phối hợp bủa vây làng Chanh, chặn khắp các ngả đường, lùng sục từng nhà trong làng để bắt ông cùng đồng đội. Trong lúc bắt giữ ông và một đồng đội, ông đã mưu trí, dũng cảm trốn thoát, đồng đội ông là Trần Văn Tước bị chúng sát hại.
Không bắt và tiêu diệt được ông, chúng quay sang trả thù gia đình ông. Đầu tiên là chúng đốt nhà ông, đánh mẹ ông bị trọng thương. Sau đó, địch ở bốt Cống Vùa kéo vào nhà bắt bố ông là cụ Đào Trọng Liêm (sau này được phong danh hiệu Liệt sĩ). Chúng bắn cụ Liêm bị thương một chân, rồi đưa cụ về bốt thay nhau tra tấn, dùng cực hình ném đá, bỏ đói buộc cụ phải dụ ông Vinh ra hàng…
Nhưng cụ Liêm đã anh dũng, không khuất phục. Biết khó có thể lung lạc được cụ, chúng bắt cụ tự cầm xẻng đào hố chôn mình, rồi bắn tin tới ông để ông thương cảm mà quay về đầu hàng. Nuốt nước mắt vào trong, ông vẫn kiên định con đường theo cách mạng, nhất quyết không chịu đầu hàng.
Thế là, ngày 10-5-1951 đã trở thành ngày giỗ của Liệt sĩ Đào Trọng Liêm. Địch đã bắn chết cụ Liêm ngay tại cái hố mà chúng bắt cụ tự đào. Không dừng lại tại đây, bọn chúng còn sát hại bà Trần Thị Điệt, vợ ông Đào Quang Vinh, khi bà Điệt đang mang trong mình mầm sống của hai ông bà. Như vậy, đã có 3 người thân ruột thịt của ông bị sát hại, nhưng ông vẫn nhất thiết theo lý tưởn cách mạng mà mình đã lựa chọn.
Danh hiệu Anh hùng LLVTND của Chủ tịch nước trao tặng. |
Tháng 11-1953, ông Vinh được chuyển về công tác tại Ty Công an tỉnh Hà Nam, rồi giữ chức Phó trưởng Công an huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm 1963, ông được điều chuyển lên Bộ Công an công tác, rồi tiếp tục được điều đi chi viện cho chiến trường miền Nam; trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên - Huế.
Trải qua nhiều cam go, nguy hiểm trong thời kỳ chống thực dân Pháp đã tôi luyện bản lĩnh chiến đấu trong con người ông. Trong điều kiện chiến trường miền Nam diễn ra rất cam go, bom đạn địch trút xuống ngày đêm; ông vẫn sáng suốt, mưu trí cùng đồng đội hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công.
Về công tác tại cơ quan Bộ Công an, ông kinh qua nhiều đơn vị, chức vụ công tác khác nhau. Năm 1989, ông được nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá.
Cách đây 8 năm về trước, khi xã Nhân Mỹ - quê hương ông, vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống thực dân Pháp.
Thời kỳ xã Nhân Mỹ được ghi nhận là một tập thể Anh hùng thì cũng là thời điểm ông Đào Quang Vinh giữ chức xã đội trưởng. Ông cũng chính là một trong những nhân chứng sống, gắn liền với lịch sử đấu tranh hào hùng của Đảng bộ, nhân dân xã Nhân Mỹ chống lại ách xâm lược của thực dân Pháp và bè lũ tay sai.
Vì vậy, có nhiều ý kiến đồng tình đề nghị Nhà nước xem xét, phong tặng ông Đào Quang Vinh danh hiệu Anh hùng. Chính từ nguyện vọng của người dân quê hương, chính quyền địa phương và Hội đồng thi đua xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân đã làm hồ sơ lên Quân khu 3, đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp cho ông Đào Quang Vinh.
Danh hiệu Anh hùng Lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp là phần thưởng, sự ghi nhận lớn lao của Nhà nước ta đối với người chiến sĩ công an đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát để đem lại sự bình yên cho quê hương. Đây là niềm vui không chỉ với riêng gia đình ông, mà với cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhân Mỹ. Một tập thể Anh hùng với một cá nhân Anh hùng!
Tác giả: Đào Minh Khoa
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn