Lính hình sự Tây Ninh: Yêu nghề, kiên quyết với tội phạm

Thứ tư - 14/02/2018 20:20
Là một tỉnh giáp giới với nước bạn Campuchia, có địa hình nhiều rừng núi, khiến tình hình an ninh trật tự ở đây khá phức tạp. Dù vậy, với tinh thần chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Tây Ninh, những năm gần đây tình hình trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ gìn khá tốt.


Ðó là chia sẻ của Trung tá Ðỗ Văn Long, Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng CSHS Công an tỉnh Tây Ninh, khi tiếp chúng tôi vào một buổi sáng tiết trời se lạnh những ngày cuối năm.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh luôn nở nụ cười hiền lành gần gũi, đến nỗi nếu gặp ở ngoài đường có lẽ tôi sẽ nghĩ anh là một nông dân chứ không phải lính hình sự.

Chủ động tấn công tội phạm

Anh Long chia sẻ, một trong số những tính cách được trui rèn của một chiến sĩ CSHS đó là “Muốn nóng thì nóng, muốn lạnh thì lạnh”. Hay nói cách khác, lính hình sự luôn kiểm soát được cảm xúc của mình để có thể hòa nhập tốt nhất với môi trường xung quanh, với những người họ tiếp xúc. Chính điều này giúp họ dễ dàng hơn khi điều tra phá án, lần theo dấu vết tội phạm.

“Lính hình sự phải có kỹ năng thích ứng cao, nhạy bén, môi trường nào cũng thích ứng được. Ngoài ra, phải là người không ngại khó khăn gian khổ, vì đánh án là phải chấp nhận lăn lê bò toài để mai phục, thức đêm thức hôm...”, anh Long cho biết.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhà nhà nô nức chuẩn bị đón Tết cũng là lúc các anh ngày đêm lo lắng lên kế hoạch để bảo đảm an ninh trật tự cho người dân vui xuân. “Tết là 100% không có nhà, chúng tôi phải túc trực từ trước đêm giao thừa. Hằng năm giao thừa, Ban Giám đốc đều chỉ đạo các lực lượng CAND, trong đó có CSHS phải bảo đảm an toàn an ninh trên địa bàn”, anh Long chia sẻ.

Lính hình sự Tây Ninh: Yêu nghề, kiên quyết với tội phạm
Trung tá Ðỗ Văn Long.

Anh cho biết, thường đêm giao thừa Phòng CSHS sẽ chia làm 2 tổ, một tổ đi tới các địa điểm có bắn pháo hoa để bảo đảm an ninh tại đó, tổ còn lại đến những địa bàn, tụ điểm ăn chơi, lễ hội. Thường đêm giao thừa ở những nơi tụ tập đông người, những tổ chức xấu hay lợi dụng để rải truyền đơn tung tin xấu. Đó cũng là lúc các vụ đốt pháo, cháy nổ thường xảy ra. Vì vậy các anh phải chia ra 2 mũi trinh sát trực tác chiến xuyên giao thừa, xuyên Tết.

Đặc biệt, thành phố Tây Ninh là nơi tọa lạc Tòa thánh Cao Đài, là cái nôi của đạo Cao Đài, là điểm hành hương của bà con giáo dân đạo Cao Đài cả nước. Kế đó, địa bàn tỉnh cũng là nơi tổ chức Lễ hội Xuân núi Bà Đen kéo dài cả tháng sau Tết, nên lúc nào cũng rộn rịp khách thập phương, là điều kiện lý tưởng cho các loại hình tội phạm như trộm cắp, móc túi, lừa gạt...

Vì vậy, Phòng CSHS tỉnh đã phải lên kế hoạch và phương án hành động trước cả tháng. Từ trước Tết anh em đã phải chia nhau ra đi nắm tình hình các loại tội phạm ở các tỉnh, thành xung quanh như Bình Dương, Bình Phước, Long An, TP Hồ Chí Minh, miền Tây... để xác định những đối tượng có khả năng gây án cao nhằm có kế hoạch phòng bị tốt hơn. Trung tá Long cho biết, hiện nay bọn tội phạm hoạt động rất chuyên nghiệp. Chúng thường có sổ ghi chép những ngày lễ tết, lễ hội tại các tỉnh trong vùng, nơi nào có lễ hội diễn ra là lại kéo đến đó “làm ăn”.

Gian nan cũng không nản

“Khó khăn, gian khổ là vậy, nên một người lính hình sự đòi hỏi phải rất yêu nghề, có bản lĩnh, cương quyết, khôn khéo, môi trường nào cũng xâm nhập được, tuyên chiến với tất cả các loại tội phạm”, anh Long cho biết. Nhờ tinh thần nhiệt huyết và những chiến công trong trấn áp tội phạm, Trung tá Đỗ Văn Long đã vinh dự 7 năm được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 năm là Chiến sĩ thi đua toàn ngành. Phòng CSHS Công an tỉnh Tây Ninh năm 2017 cũng được đề nghị Cờ Thi đua xuất sắc của Tổng cục Chính trị.

Anh Long cho biết vì lính hình sự ai cũng phải yêu nghề và đầy nhiệt huyết, nên dù rất khó khăn gian khổ, CBCS của Phòng CSHS Tây Ninh hoàn toàn không có ai xin chuyển, thậm chí có anh em được cấp trên điều chuyển nhiệm vụ khác còn rất buồn.

Đây cũng là chia sẻ của một người lính hình sự đã có “thâm niên” 14 năm mà tôi gặp trong buổi sáng hôm ấy, Đại úy Nguyễn Phi Trường, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm theo tuyến địa bàn của Phòng CSHS Công an  tỉnh Tây Ninh.

Khi được hỏi cơ duyên nào đưa anh đến với “nghề” CSHS, anh Trường kể, xuất thân trong một gia đình có người công tác trong lực lượng Công an nên từ nhỏ anh đã rất thích làm Công an, mà là Công an giao thông chứ không phải CSHS, bởi vì thấy các anh ấy làm nhiệm vụ đi lại trên đường rất “oách”.

Tuy nhiên, sau này anh lại thích CSHS hơn và chọn ngành này. Vì theo anh, lính hình sự là người chiến sĩ CAND “đa-zi-năng”, có thể làm được tất cả các công tác nghiệp vụ của ngành Công an, đã từng làm CSHS thì có thể làm tất cả các lĩnh vực khác trong ngành.

Và trải qua bao năm gắn cái mác lính hình sự rồi anh lại càng yêu nghề hơn. “Nghề này cho tôi được đi nhiều, tới đâu cũng có bạn, anh em rất gần gũi thân thiết. CSHS ở tỉnh này sang tỉnh khác cũng có cảm giác rất gần gũi, chỉ cần chào hỏi giới thiệu vài câu là đã thân như anh em”, anh Trường tâm sự.

Yêu nghề, ghét tội phạm

Đại úy Trường cũng công nhận lính hình sự là một nghề nguy hiểm, vì phải tiếp xúc với đủ hạng người, trong đó có rất nhiều những đối tượng nguy hiểm, cướp của giết người. Ngoài ra, CSHS còn phải thức đêm thức hôm, thường xuyên xa nhà để đeo bám địa bàn đánh án. Trường bảo, giờ anh đã là bố của 2 con trai, nhưng cả 2 lần vợ chuyển dạ anh đều không có mặt bên cạnh vì bận đánh án ở xa.

Khó khăn gian khổ như vậy, nhưng anh vẫn gắn bó với CSHS đơn giản vì yêu nghề, ghét tội phạm. “Là CSHS, tố chất cần có đầu tiên là phải ghét tội phạm, chỉ cần nghe nói đến tội phạm, đến chuyện bất bình là đã cảm thấy “ngứa ngáy”, muốn hành động ngay để đòi lại công lý, để bắt tội phạm phải đền tội”, Đại úy Nguyễn Phi Trường chia sẻ.

Lính hình sự Tây Ninh: Yêu nghề, kiên quyết với tội phạm - Ảnh minh hoạ 2
Đại úy Nguyễn Phi Trường

14 năm lăn lộn trong nghề, anh Trường đã đánh không biết bao nhiêu án. Vì thế, khi tôi hỏi có chuyên án nào gây ấn tượng nhất với anh. Anh đã kể liền một lúc 3 vụ, nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin trích lược 2 vụ. Vụ đầu tiên, cũng là vụ mà anh bị “bầm dập” nhất. Đó là một chuyên án buôn ma túy, đối tượng cầm đầu là người Campuchia. Khi đó, để có thể bắt quả tang việc buôn bán ma túy của bọn tội phạm, anh em CSHS đã chia nhau luân phiên theo dõi. Nhưng theo dõi mãi mà vẫn chưa tóm được bọn chúng.

Hôm đó đến lượt anh Trường và một chiến sĩ theo dõi, nhận được tin báo có 2 đối tượng người Campuchia đang mang 2 bánh heroin, Đại úy Trường lập tức bám sát để bắt chúng. Khi 2 bên đụng độ là ở đoạn đường vắng giữa rừng cao su, bọn chúng chạy xe máy ngược hướng với xe của anh. Ngay lập tức, anh cho xe máy tông trực diện vào  xe đối tượng, một tên bị ngã bất tỉnh, tên còn lại chống cự quyết liệt. Người Campuchia rất khỏe nên anh Trường đã bị đòn khá nhiều. Nhưng cũng may là cuối cùng các anh đã khống chế được đối tượng.

Vụ thứ hai là chuyên án chế tạo súng, diễn ra vào thời điểm Tết năm 2016. Khi đó, băng nhóm tội phạm lợi dụng địa bàn hồ Dầu Tiếng giáp ranh tỉnh Bình Dương và Bình Phước để chế tạo súng. Chúng mua các loại súng đã hỏng hóc còn lại từ thời chiến tranh, đem về rã ra ráp nối các bộ phận còn dùng được thành những khẩu súng quân dụng. Băng nhóm này có nhiều đối tượng, trong đó có một đối tượng ở hồ Dầu Tiếng. Để tiếp cận đối tượng này, các anh phải nhờ tới một người dân địa phương dẫn đường xuyên rừng rậm.

Nhưng vì đối tượng có vũ khí nguy hiểm, nên người dẫn đường chỉ dám dẫn một đoạn. Sau đó, anh Trường cùng các đồng đội nhắm hướng băng rừng mà đi. Đến nơi trời tối, điện thoại lại không có sóng, trong rừng cây che kín mít không thể nhìn trời để định hướng nên rất vất vả. 

Nhưng cuối cùng các anh cũng đã tiếp cận được nơi ở của đối tượng và nhanh như chớp ập vào bắt  giữ. Điều đáng nói là khi khám xét phát hiện đối tượng có tới 2 khẩu súng trong người nhưng hắn chưa kịp hành động thì đã bị khóa tay. Tuy nhiên, việc đưa đối tượng trở ra mới thật là điều vô cùng khó, vì đường rừng trời tối, đối tượng lại không hợp tác…

“Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tất cả lĩnh vực tội phạm hình sự chúng tôi đều không khoan nhượng. Ðối tượng dù manh động đến đâu, các vụ án dù nhỏ hay lớn, chúng tôi đều kiên quyết làm sáng tỏ. Nhờ tinh thần kiên quyết với tội phạm, quyết chiến quyết thắng, vì thế các băng nhóm tội phạm đều sợ về đây vì chúng biết về đây sẽ không có đường sống”. - Trung tá Ðỗ Văn Long, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng CSHS - Công an tỉnh Tây Ninh

Long Viên

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây