Tôi rất sợ gọi điện cho Trung tá Nguyễn Quang Ánh, cán bộ Trại giam Thủ Đức, người duy nhất hiện đang được công nhận và hưởng chế độ là cán bộ Công an bị nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ (trước đây có thêm liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng của Công an TP Hồ Chí Minh).
Bởi điện thoại của anh thường cài đặt bài hát "Nhật ký của mẹ". Những lời hát da diết: "Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời.
Ấp trong đáy lòng, có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần…" cứ ám ảnh đến ứa nước mắt người nghe. Nhưng hôm nay, khi tôi gọi điện cho anh, những tiếng chuông tút dài vui tai vang lên. Tôi tự nhủ: "Một sự thay đổi trong tâm hồn chắc chắn sẽ gắn với một niềm vui trong cuộc đời" và hồi hộp chờ đợi câu trả lời của anh.
Tiếng anh cười khe khẽ trong điện thoại: Nhà anh vừa có thêm một bé gái 9 tháng tuổi. Tim tôi nghẹn niềm vui. Dù không hẳn là người thân của anh, nhưng câu chuyện về cuộc đời anh, một người đồng đội bị nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ đã luôn ám ảnh tôi.
Hạnh phúc nở hoa trong gia đình Trung tá Nguyễn Quang Ánh. |
Cách đây 14 năm, Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, lúc đó mang cấp hàm Trung úy là y sỹ trực tiếp khám bệnh và điều trị bệnh cho phạm nhân tại Trại giam Thủ Đức. Khoảng 8h15 ngày 6-7-2001, anh trực tiếp cấp cứu cho phạm nhân Bùi Văn Phú tại bệnh xá phân trại số 3.
Phạm nhân Phú bị nhiễm HIV/AIDS đã được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Phan Thiết, sau đó được chuyển về điều trị tiếp tại phân trại số 3, Trại giam Thủ Đức. Trong lúc đang điều trị, đối tượng này đã dùng mảnh sành tự rạch vào động mạch tay, bụng và đùi mình, sau đó dùng ca hứng máu rồi hăm dọa cán bộ và một số phạm nhân khác.
Trước tình huống như vậy, anh Ánh đã phân tích, giáo dục nhưng Phú không nghe. Hắn còn cầm ca máu nhiễm bệnh của mình hất tung tóe lên người và mặt anh Ánh. Thời điểm đó, kiến thức về dự phòng phơi nhiễm HIV không nhiều. Anh Ánh và các đồng nghiệp chỉ lập biên bản về sự việc, không hề nghĩ đến khả năng bị phơi nhiễm HIV/AIDS và cũng không đi xét nghiệm…
Chẳng ngờ, 3 năm sau, vào giữa tháng 7-2004, anh Ánh đưa vợ vào Bệnh viện 30-4, Bộ Công an để chuẩn bị sinh. Đáng nhẽ đó phải là những ngày hạnh phúc nhất của đôi vợ chồng trẻ khi đón nhận những tiếng khóc đầu đời của đứa con mà họ hằng mong đợi.
Thế mà, khi vào làm xét nghiệm để sinh con, Bệnh viện 30-4 đã phát hiện vợ anh nhiễm HIV. Khi xét nghiệm, bản thân anh cũng bị nhiễm và anh chợt nhớ về tai nạn nghề nghiệp của 3 năm về trước. Anh biết mình đã có lỗi với vợ, với con…
Anh Ánh vẫn giấu vợ chuyện cả hai vợ chồng bị nhiễm HIV. Nhưng bằng linh cảm của người phụ nữ, vợ anh đã đoán ra. Một ngày, sau buổi làm, anh trở về, chết lặng khi thấy bên cạnh đứa con nhỏ, vợ anh đã lạnh ngắt với những vỉ thuốc ngủ uống dở và lời trăng trối viết vội.
Hóa ra chị đã biết căn bệnh của 2 vợ chồng và không muốn ở trên cõi đời nữa. Bởi thời điểm đó, quan điểm của mọi người trong xã hội về căn bệnh nan y này rất khủng khiếp. Như một người vô thức, anh uống nốt những vỉ thuốc còn lại của vợ…
May mắn thay, con gái anh đã không bị nhiễm HIV. 2 tuổi, anh đón nó trở về từ Trung tâm Bảo trợ xã hội, nó như cái giẻ khoai, nặng… 4kg và hằng ngày chỉ biết bú chút sữa. Anh vừa làm cha, vừa làm mẹ, cặm cụi chăm sóc con, rèn cho con biết uống nước, biết ăn những thìa bột đầu tiên…
Khi con gái 5 tuổi, anh gửi con về quê cho ông bà nội. Hằng ngày, sau giờ làm việc, anh có niềm vui nho nhỏ là gọi điện cho con gái đang ở cùng ông bà nội ngoài Bắc để nghe con bi bô kể chuyện. Nhiều khi anh chỉ muốn khóc khi con gái bảo: "Bố ơi, con nhớ bố lắm, con muốn gặp bố!". Bởi lúc nào anh cũng có một nỗi sợ mơ hồ, sợ khi anh gần con, nhỡ có sự va chạm nào đó…
Ngày ngày, Trung tá Nguyễn Quang Ánh vẫn nỗ lực với công việc khám chữa bệnh cho phạm nhân. |
Qua cú sốc tinh thần, Trung tá Nguyễn Quang Ánh đã xin lãnh đạo đơn vị tiếp tục công tác. Anh trầm tính hơn, làm việc cặm cụi, hăng say trong công việc của một bác sỹ Trại giam, dường như anh làm để không còn thời gian nhớ về những đau thương của quá khứ. 4 năm (2008-2012), anh còn nỗ lực đi học và đã hoàn thành chương trình Đại học Luật.
Những tưởng cuộc sống của anh Ánh cứ lặng lẽ trôi qua như thế. Nhưng không! Câu chuyện tình yêu tưởng chỉ có trong truyện cổ tích đã đến với anh. Cảm động trước cuộc đời và nghị lực phi thường của anh, chị Hà Thanh Vy, một người bạn từng học trước đây với anh ở Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận những năm 1998-2000, đã quyết tâm đi cùng anh trên chặng đường còn lại.
Trước đây, anh chị từng có tình cảm với nhau, nhưng duyên phận không đến được nên mỗi người sau đó rẽ theo một hướng riêng. Nhưng họ vẫn quan tâm, theo dõi cuộc sống của nhau như những người bạn. Rồi bất hạnh ập đến với anh, chị sau đó cũng đổ vỡ trong cuộc sống gia đình.
Không biết từ lúc nào, tình yêu nhóm lửa, sau những đau đớn của quá khứ. Lúc đầu, mặc cảm căn bệnh đang mang, anh Ánh đã tìm mọi cách cản ngăn tình cảm của chính anh và của chị.
Anh bảo: "Anh cảm nhận được tình cảm của em. Nhưng em xứng đáng có một hạnh phúc tốt hơn. Lấy anh, em sẽ vất vả hơn rất nhiều những người vợ khác. Rồi sức khỏe của anh không biết thế nào. Em đã một lần đổ vỡ, nhỡ anh có việc gì, anh không muốn em lại cô quạnh lần nữa…".
Bố mẹ chị Vy cũng ngăn cản con gái. Mẹ chị cứ khóc hoài khi nghe chị một mực đòi lấy anh. Chị công tác ở TP Hồ Chí Minh, nhà bố mẹ chị tận ở Vũng Tàu, anh thì công tác tại Bình Thuận, lấy nhau rồi, chị sẽ theo chồng, xa bố mẹ… Ngay bố anh đã ngoài 80 tuổi ở ngoài Bắc, khi nghe tin, cũng khuyên anh không nên đi bước nữa, vì ông vẫn bị bóng đen quá khứ trong cuộc đời anh ám ảnh…
Nhưng, đất không chịu trời thì trời đành phải chịu đất. Đám cưới của hai anh chị diễn ra đầm ấm, giản dị, có trời đất chứng kiến cho tình yêu mãnh liệt, vượt qua mọi rào cản của anh chị.
Chị chấp nhận bỏ công việc hiện tại ở TP Hồ Chí Minh để theo anh về ở trong một gian nhà tập thể của Trại giam Thủ Đức dành cho cán bộ của Trại có gia đình. Cuộc sống của anh chị bên nhau, có độ chín của tình yêu, có sự cảm thông của số phận nên có cả nụ cười và nước mắt thương yêu.
Mấy năm trời bên nhau, chị muốn có thêm một đứa con là kết tinh của tình yêu mặn nồng giữa hai anh chị. Ban đầu, anh ngập ngừng, anh sợ, bởi ám ảnh quá khứ. Nhưng chị động viên anh: Cả hai vợ chồng đều học ngành Y, đều biết được cách làm thế nào sinh em bé với tỷ lệ an toàn gần như tuyệt đối.
Nhưng còn một chút phần trăm của bất hạnh, nếu chẳng may nó rơi vào đứa con bé bỏng của anh chị thì sao? Rồi chị cũng thuyết phục được anh. 9 tháng 10 ngày chị mang thai là chuỗi những ngày anh hạnh phúc xen lẫn âu lo, lo cho chị mỗi khi trái nắng giở trời, lo cho mẹ tròn con vuông.
Ngày chị sinh, anh cảm thấy tim mình như trống đập, cái giây phút chờ tiếng khóc của đứa con sao nó kéo dài thế. Rồi anh cũng nghe thấy tiếng con khóc, một bé gái kháu khỉnh, khỏe mạnh hoàn toàn. Cái miệng nó xinh xinh, cái tay nó huơ huơ khiến bố nó chảy nước mắt vì hạnh phúc…
Nhân dịp Tết đến xuân về, muốn nói về một điều ước, Vy chỉ mong "Nhà em sống khoẻ, sống lâu để 2 đứa cùng chăm lo gia đình, lo cho các con đàng hoàng là mãn nguyện rồi chị ạ". Một mơ ước của tình yêu, một mơ ước của tình người. Đã có một câu chuyện cổ tích tình yêu thì tôi luôn tin rằng, mơ ước chân thành của Vy sẽ được trời đất chứng giám.
Thu HòaNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn